Ám ảnh câu nói trong hơi thở ngắt quãng của nữ bệnh nhân Covid-19 trước khi qua đời: "Bác sĩ ơi, cố cứu em, em còn 4 đứa con"

Câu chuyện về một người phụ nữ mắc Covid-19 liên tục cầu cứu bác sĩ để có thể trở về với gia đình và con nhỏ được chia sẻ đã khiến nhiều người xót xa. Thế nhưng, sau tất cả những nỗ lực của đội ngũ y tế, nữ bệnh nhân đã không thể vượt qua, đáng buồn hơn, chồng chị cũng vừa mất vài ngày trước đó vì Covid-19.

Trong vài tháng qua, Việt Nam đang phải gồng mình để chiến đấu với đại dịch Covid-19. Ở trong những Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 nặng, chưa bao giờ lằn ranh giữa sự sống và cái chết lại gần đến vậy. Các bác sĩ ở tuyến đầu đang phải căng mình làm việc bất kể ngày đêm để giành lại sự sống cho các F0, đưa các bệnh nhân thoát khỏi cửa tử.

Cả bác sĩ và bệnh nhân ở đây đều rất mệt mỏi nhưng không ai kêu than một lời, bởi chỉ cần lơ là, tinh thần giảm sút thì cửa tử sẽ đến gần hơn đến với bệnh nhân.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ của các ý bác sĩ tuyến đầu được đền đáp lại là hình ảnh các bệnh nhân khỏi bệnh được xuất viện, các bệnh nhân nặng tự thở được... Thế nhưng, xen lẫn trong đó đôi khi chính các "chiến sĩ áo trắng" cũng cảm thấy hối tiếc, bất lực,... khi chứng kiến các bệnh nhân Covid-19 đột ngột chuyển nặng, tử vong.

Mới đây, trên fanpage của Bệnh viện Nhi đồng thành phố TP.HCM đã đăng tải lại dòng chia sẻ của bác sĩ Hồ Hoàng Kim về câu chuyện của một người phụ nữ mắc Covid-19 mong muốn bản thân được cứu sống để được trở về với gia đình với bác con. Thế nhưng, sau tất cả những nỗ lực của các y bác sĩ, nữ bệnh nhân cuối cùng vẫn không thể qua khỏi. Buồn hơn cả là vài ngày trước, chồng chị cũng vừa qua đời vì Covid-19.

"Cách đây 4 tuần:

- Bác sĩ ơi! Cố gắng cứu em! Chồng em cũng nặng lắm! 4 đứa con tụi em còn nhỏ lắm!!

4 ngày sau đó:

- Nay em đỡ đỡ rồi bác sĩ… nhưng chồng em chết rồi!

- Bác sĩ bần thần im lặng… động viên chị.

3 ngày sau đó suy nghĩ mãi có nên đặt nội khí quản cho chị không!? Cố gắng, cố gắng…, trong 3 ngày đó cố gắng tìm ECMO cho chị…nhưng…!

4 ngày sau đó: Hơn 200 trẻ mồ côi Sài Gòn có 4 đứa con anh chị!

Đến giờ vẫn còn ám ảnh câu nói trong hơi thở ngắt quãng trước khi đặt Nội khí quản, "Bác sĩ ơi, cố cứu em, em còn 4 đứa con…!".

Ám ảnh câu nói trong hơi thở ngắt quãng của nữ bệnh nhân Covid-19 trước khi qua đời: Bác sĩ ơi, cố cứu em, em còn 4 đứa con-1
Hình ảnh một bạn nhỏ mất cả ba lẫn mẹ vì đại dịch được y bác sĩ BV Dã Chiến 4 tổ chức sinh nhật tại nơi điều trị, hành động đã lay động hàng vạn độc giả và được hoạ sĩ Đoàn Doan phác hoạ lại (Nguồn: Fanpage Bệnh viện Nhi đồng thành phố)

Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, đồng thời khiến nhiều trẻ em bị mồ côi do cha mẹ là F0 đã tử vong. Người thân cũng mắc Covid-19 hoặc đang cách ly trong các khu cách ly tập trung nên các em đã được đưa đến các trung tâm chăm sóc. Thực tế đáng buồn trên khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Câu chuyện trên có lẽ chỉ là một trong số nhiều trường hợp đau lòng mà các bác sĩ đã phải chứng kiến trong suốt quá trình điều trị, chiến đấu với Covid-19. Ngay khi câu chuyện trên được chia sẻ đã khiến nhiều người lặng đi, bày tỏ sự xót xa, đồng cảm với các em nhỏ mồ côi cha mẹ.

"Đại dịch đau thương và tàn khốc quá. Đọc mà nhói lòng mọi người ơi, làm gì để giúp được các con ạ? Đại dịch Covid-19 không chỉ cướp đi sinh mạng mà còn khiến nhiều gia đình chia lìa nhau mãi mãi. Chỉ mong đại dịch chấm dứt tại đây để khỏi phải thấy cảnh đau lòng nào nữa cả", tài khoản A.L chia sẻ.

Bên cạnh đó, không ít người mong muốn được giúp đỡ cho các em nhỏ trong giải đoạn khó khăn này, "Đọc những dòng này mà rớt nước mắt, thương các con quá. Mình muốn liên hệ với gia đình mấy bé này để giúp đỡ và nuôi các con ăn học đến lớn, không biết nên liên hệ với ai ạ?", tài khoản A.N chia sẻ.

Theo thống kê sơ bộ từ báo cáo các địa phương của Bộ LĐ-TB&XH, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng nhiều người, khiến hàng trăm trẻ em vào cảnh mồ côi. Riêng tại TPHCM, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã có gần 250 trẻ em mồ côi cha mẹ.

Thông tin trên được cung cấp tại Hội nghị trực tuyến đánh giá và triển khai một số giải pháp bảo vệ và chăm sóc trẻ em trong đại dịch COVID-19 diễn ra ngày 8/9 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã xuất hiện tại 62/63 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, một số tỉnh thành có tỷ lệ lây nhiễm dịch cao như TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bắc Giang, Bắc Ninh…

Theo thống kê chưa đầy đủ của các địa phương, tới hết tháng 8 vừa qua, đã có hơn 11.822 trẻ em mắc COVID-19, và hơn 27.334 trẻ em là các trường hợp tiếp xúc gần (F1). Trong đó, TPHCM có số trẻ em mắc COVID-19 nhiều nhất cả nước với 2.463 em (trong tổng số hơn 40.500 người mắc bệnh).

Dịch bệnh cũng lây lan vào 7/39 cơ sở nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn TPHCM, tại các cơ sở này tập trung nhiều trẻ em có sức khỏe yếu, khuyết tật, mắc bệnh nền, nên đe doạ đến tính mạng của trẻ. Nguy cơ lây lan và biến các cơ sở này thành các điểm nóng dịch bệnh rất cao.

Tại Hà Nội, chỉ trong tháng 7, có khoảng 5% số trường hợp mắc COVID-19 là trẻ em dưới 5 tuổi.

 

Theo Pháp luật & Bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phapluat.suckhoedoisong.vn/am-anh-cau-noi-trong-hoi-tho-ngat-quang-cua-nu-benh-nhan-covid-19-truoc-khi-qua-doi-bac-si-oi-co-cuu-em-em-con-4-dua-con-162211009133935298.htm

Covid-19


Cảnh giác chiêu lừa của người nước ngoài giả vờ mua hàng, đổi ngoại tệ
Thủ đoạn của các đối tượng người nước ngoài lợi dụng các điểm bán hàng hoặc các điểm dịch vụ đổi tiền có ít người quản lý, giả vờ vào mua hàng hoặc đổi tiền, sau đó tạo các tình huống khiến người bán hàng phân tâm, mất cảnh giác để chiếm đoạt tài sản.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.