Ám ảnh những tháng ngày ở BV Dã chiến: Cuối cùng phòng 'tử thần' cũng đóng cửa

Đó không chỉ là niềm hạnh phúc của các y bác sĩ mà cũng là niềm vui của các tình nguyện viên khi thấy các phòng hồi sức cấp cứu - phòng “tử thần” dần dần đóng cửa, không còn bệnh nhân nặng.

Có những người chỉ gặp 1 lần và ra đi mãi mãi

Anh Nguyễn Hồng Kỳ, sinh năm 1987, một cựu F0 tham gia làm tình nguyện viên hỗ trợ các F0 khi anh khỏi bệnh Covid-19 vào tháng 8. Anh Kỳ đã có 50 ngày trải nghiệm tại Bệnh viện Dã chiến số 4, trực thuộc BV Nhi đồng TP Hồ Chí Minh tại Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM. 50 ngày này anh Kỳ đã chứng kiến đủ những hỉ nộ ái ố trong cuộc đời.

Nơi anh tham gia hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân là phòng hồi sức cấp cứu - phòng “tử thần” ở các bệnh viện dã chiến vì ở đây đều là bệnh nhân nặng từ các phòng khác chuyển đến.

Để chăm 1 bệnh nhân, anh Kỳ cho biết, các tình nguyện viên cũng phải mất 30 – 45 phút chứ không phải cứ qua loa cho ăn, lau người vài ba phút là xong. Lúc cho người bệnh ăn phải kiên nhẫn và từ tốn, từng nửa muỗng một, chờ họ nuốt kĩ rồi đút tiếp, thay tã phải là vệ sinh rất kỹ cho khỏi nhiễm trùng do bí lâu ngày; lau người vệ sinh thân thể kiêm massage thái dương, đỉnh đầu, massage bàn tay, bàn chân giúp lưu thông máu. Vừa làm, vừa nói chuyện với bệnh nhân.

Ám ảnh những tháng ngày ở BV Dã chiến: Cuối cùng phòng tử thần cũng đóng cửa-1
Anh Kỳ chăm sóc người bệnh.

Hơn 50 ngày ở bệnh viện dã chiến, anh Kỳ tâm sự, có những người chúng ta chỉ gặp 1 lần trong đời, chỉ tiếp xúc thật ngắn ngủi buổi sáng vừa khỏe mạnh cười nói nhưng buổi chiều đã lặng lẽ ra đi.

Có những người bệnh, anh Kỳ đã theo họ gần cả tháng trời để chống chọi và giành giật sự sống, tưởng chừng là kì tích nhưng lại “bỏ cuộc” để mình lặng lẽ nhìn người khác đưa tử thi của họ đi.

Chứng kiến những người bệnh Covid-19 ra đi trong cô đơn, anh Kỳ tâm sự, bệnh tật không đáng sợ mà điều đáng sợ nhất là lúc cận kề cái chết mà không có người thân bên cạnh. Mỗi lần chứng kiến người mình tận tâm, tận lực chăm sóc ra đi, anh Kỳ đều tự an ủi “họ đã trả xong nghiệp đời”. Còn bản thân anh, phải cố gắng tiếp tục chăm sóc người bệnh vì họ đang chờ anh.

Bệnh nhân khiến anh Kỳ ám ảnh, nhớ mãi đó là một nữ bệnh nhân 60 tuổi tên Y.. Bệnh nhân là một trong những ca F0 ngoài cộng đồng được đưa vào đây trong đêm, tình trạng cực kì nguy cấp, chỉ cần chậm trễ khoảng 10 phút thì bệnh nhân sẽ ngừng thở. Cán bộ y bác sĩ đã giành lại được sự sống cho bệnh nhân một cách thần kỳ và bệnh nhân tiếp tục nằm viện.

Ám ảnh những tháng ngày ở BV Dã chiến: Cuối cùng phòng tử thần cũng đóng cửa-2
Anh Nguyễn Hồng Kỳ - áo đen, ngồi giữa.

Sức khỏe của bệnh nhân Y. diễn biến như biểu đồ hình sin, lúc khỏe vẫn tự ăn, tự đi vệ sinh, lúc mệt thì nằm li bì bỏ ăn bỏ uống. Những lúc khoẻ, cô Y lại tâm sự về cuộc đời mình và những đứa con và kiếp đẻ mướn. Nghe đến điều đó, anh Kỳ thấy thương cảm vô cùng vì hồng nhan bạc phận. Gần 20 ngày bên cạnh chăm sóc bệnh nhân tưởng chừng người bệnh sẽ qua khỏi. Cuối cùng, anh Kỳ được thông báo bệnh nhân đã tử vong. Anh muốn đến bên cạnh nhìn bệnh nhân lần cuối nhưng không kịp nữa vì tử thi đã được mang đi kho lạnh.

Mong ước thành hiện thực

Từ ngày đầu bước chân nhận nhiệm vụ ở phòng hồi sức cấp cứu, anh Kỳ ngày nào cũng cầu mong làm sao đóng cửa cái phòng hồi sức cấp cứu này, khi đó không còn bệnh nhân nặng và đến nay điều ước đã thành hiện thực. Đến đầu tháng 10, bệnh viện chỉ còn duy trì để tiếp nhận các ca cách ly và các ca thở oxy nhẹ. Một dấu hiệu rất tích cực cho Bệnh viện dã chiến 4 nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Ở đây là 1 kỉ niệm cũng là 1 trải nghiệm tuyệt vời đối với cá nhân anh Kỳ.

“Vui có, buồn có, vất vả có, thoải mái có, bao nhiêu thăng trầm cảm xúc đều được trải qua tại đây. Niềm vui khi thấy bệnh nhân khỏe mạnh đi về, buồn bã khi phải chứng kiến người mình chăm sóc bỏ cuộc ra đi. Kỉ niệm với các anh em cán bộ y tế ở Bệnh viện dã chiến 4 này sẽ không bao giờ quên, cũng không mong sẽ gặp lại anh em trong môi trường này, mà sẽ gặp anh em tại 1 môi trường khác như quán nhậu, đám tiệc nào đó” – anh Kỳ chia sẻ.

Trở về nhà sau 50 ngày sát cánh cùng phòng hồi sức cấp cứu, anh nhớ những bữa cơm dã chiến, nhớ những giấc ngủ vội, nhớ những chiếc giường bệnh viện, nhớ những việc mình đã làm.

>>> Mời độc giả xem tin tức mới nhất trong ngày chính xác nhất


Theo INFONET 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/nhung-ngay-vat-lon-o-bv-da-chien-cuoi-cung-phong-hoi-suc-cap-cuu-con-lai-cung-dong-cua-394609.html

Covid-19


Trêu đùa để lại dép và giấy xin lỗi bố mẹ bên bờ kênh, 3 học sinh làm cả xã tá hỏa đi tìm
Phát hiện đôi dép cùng một mảnh giấy “con xin lỗi bố mẹ” để lại bên bờ kênh, hàng trăm người ở xã Sơn Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) đã tá hỏa xuống kênh nước tìm kiếm. Tuy nhiên, khi tìm hiểu đó chỉ là một trò đùa.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.