Cụ thể, chỉ tính riêng 4 ngày Tết Mậu Tuất (từ mùng 1 đến mùng 4Tết), Trung tâm Chống độc tiếp nhận tới 13 ca ngộ độc paraquat. Ngay trong chiều mùng 5 Tết, Trung tâm Chống độc cũng vừa tiếp nhận một nam thanh niên 19 tuổi, sau khi cãi nhau với người yêu đã dại dột uống hết 1/2 chai diệt cỏ. Đối với ca ngộ độc này, các bác sĩ tiên liệu hết sức dè dặt.
Ngày Tết, Bệnh viện Bạch Mai luôn chật kín các ca cấp cứu nặng
Một nam thanh niên khác mới 31 tuổi cũng uống thuốc diệt cỏ tự tử sau khi làm ăn thua lỗ. Đau lòng hơn có thai phụ cũng uống thuốc diệt cỏ vì mâu thuẫn gia đình, hai mẹ con đều không qua khỏi.
TS Nguyễn Tiến Dũng (Trung tâm Chống độc) cho biết, các ca tử tự vì uống paraquat hầu như không cứu được. Các bác sĩ vô cùng đau lòng chứng kiến những ca tử vong ngay trong dịp Tết. Theo các bác sĩ, tỷ lệ tử vong do uống thuốc diệt cỏ paraquat lên tới 70%, có ca bệnh tỉnh đến lúc chết, hối hận, van xin các bác sĩ cứu chữa mà các bác sĩ bất lực, không thể làm gì được.
“Bệnh nhân đến trong tình trạng vẫn tỉnh táo hoàn toàn, chỉ đau họng, rát họng do chất paraquat ăn mòn nhưng bệnh nhân tỉnh táo cho đến lúc chết và chết trong tình trạng suy gan, suy thận, suy hô hấp, suy đa phủ tạng” – TS Dũng chia sẻ.
Ngoài 13 ca ngộ độc paraquat, Trung tâm Chống độc còn tiếp nhận 5 ca ngộ độc rượu, 3 ca ngộ độc chất ăn mòn, 4 ca ngộ độc do sử dụng ma túy tổng hợp và 2 ca ngộ độc thực phẩm.
Theo tin Bộ Y tế cung cấp tối 21.2 (mùng 5 Tết), trong 6 ngày Tết (từ 29 tháng chạp đến 7h sáng mùng 4 tết tức 14.2 đến 20.2 dương lịch), cả nước có gần 38.000 ca tai nạn giao thông và gần 4.200 ca đánh nhau được cấp cứu. Tuy số vụ không tăng so với 6 ngày Tết 2017 nhưng số nạn nhân nặng phải nhập viện điều trị lại cao hơn. Cụ thể, tổng số khám, cấp cứu do tai nạn giao thông (TNGT) được tổng hợp từ 1.300 bệnh viện trung ương, tỉnh đến 7h ngày 20.1 (mùng 4 Tết) là 37.376 trường hợp, không tăng so với 6 ngày Tết Đinh Dậu năm 2017. Tuy nhiên số lượt nhập viện điều trị nội trú là 12.630 trường hợp tăng 12,8% so với 6 ngày Tết 2017.
Cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức mùng 2 Tết
Các bệnh viện đã xử trí và cho về trong ngày là 22.333 trường hợp, chuyển tuyến trên điều trị 2.962 trường hợp. Tổng số trường hợp tử vong do TNGT (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là 168 trường hợp, giảm nhẹ so với 175 trường hợp trong 6 ngày Tết 2017.
Tổng số ca đến cấp cứu do đánh nhau đến khám là 4.184 trường hợp giảm 19,2% so với 6 ngày Tết 2017, nhưng số ca phải nhập viện điều trị nội trú là 2.773 trường hợp, tăng 14,6%, có 559 trường hợp phải chuyển viện tuyến trên. Trong đó có 13 trường hợp tử vong.
Một ca chấn thương nặng do tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt Đức mùng 2 Tết
Các ca cấp cứu do pháp nổ lên đến 197 ca, tăng tới 28,4% so với Tết 2017 (141 ca), tuy nhiên không có ca tử vong. Ngoài ra còn có 75 ca nhập viện do các chất nổ khác, tăng 46,7% so với năm 2017 và không có ca tử vong.
Các ca ngộ độc rượu cũng lên tới hơn 800 ca, chiếm 26,3% các ca khám rối loạn tiêu hóa.
Bệnh viện Bạch Mai những ngày Tết cũng chật kín các ca cấp cứu vì ngộ độc rượu, xuất huyết tiêu hóa vì rượu
Các nhân viên y tế không một phút nghỉ ngơi suốt nhiều ngày Tết (Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai)
Đại diện Bộ Y tế cho biết, tổng hợp số liệu trong 6 ngày Tết là ghi nhận tại khoa khám bệnh các bệnh viện, theo lời khai của người bệnh và người nhà người bệnh, bao gồm nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Do đó, chưa loại trừ số liệu trùng lặp do các trường hợp chuyển tuyến 1 trường hợp đến khám tại nhiều bệnh viện.