Bảo kê sai phạm, thất thoát tiền tỉ: Choáng váng cảnh đưa - nhận phong bì

Kinh doanh sử dụng đất trái phép, sai mục đích không chỉ diễn ra tại các khu đất công và dự án chậm tiến độ, nhiều khu đất nông nghiệp tại thủ đô đang bị san gạt, đổ bêtông nhằm cho thuê mặt bằng sai quy định. Tại sao những hành vi sai phạm diễn ra công khai trong thời gian dài lại qua mặt được cơ quan chức năng?

Góc khuất phía sau những khu đất nông nghiệp bị "bạo hành"

Thuộc địa bàn phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, khu đất nông nghiệp nằm trên mặt đường Cương Kiên nhiều năm nay được quây kín tôn để sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.

Giới thiệu là người có nhu cầu thuê kho xưởng, PV được kết nối đến gặp người đàn ông tên Lương. Với giá 15 triệu đồng/tháng, Lương cho biết chúng tôi có thể thuê khu đất nông nghiệp rộng khoảng hơn 100m2.

Bảo kê sai phạm, thất thoát tiền tỉ: Choáng váng cảnh đưa - nhận phong bì-1
Khu đất nông nghiệp tại phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm - Hà Nội) bị đổ bêtông, san lấp, dựng lều lán cho thuê trái phép.

Nói về cách thức "phù phép" đất nông nghiệp thành mặt bằng cho thuê, Lương cho biết được sự hỗ trợ của Hợp tác xã nông nghiệp; sau đó làm “luật” với các đơn vị như địa chính và công an rồi tự đổ bê tông và cho thuê lại để lấy chênh lệch:

"Thuê được tất thì 15 triệu đồng/tháng. Đất là đất ruộng anh thuê của dân qua hợp tác xã. Hợp tác xã gọi từng người dân lên, hợp tác xã cam kết thuê cùng với anh, anh trả tiền người ta. Anh hỏi, không có hợp tác xã thì ai đi đo đạc cho bọn anh, ai đi cắm mốc? Mà bây giờ ruộng toàn mênh mông tất cả thế này.

Sau đó anh cho thuê lại, mặt tiền 10 triệu, anh sẽ được 3-4 triệu một tháng".

Bảo kê sai phạm, thất thoát tiền tỉ: Choáng váng cảnh đưa - nhận phong bì-2Bảo kê sai phạm, thất thoát tiền tỉ: Choáng váng cảnh đưa - nhận phong bì-3
Không khó để bắt gặp các biển bảng quảng cáo cho thuê mặt bằng ngay tại các khu đất nông nghiệp ở Hà Nội.

Không những vậy, Lương khẳng định tại khu đất này ai làm gì cũng phải "báo" với phường. Và, muốn yên ổn hoạt động thì phải "đóng sản" đúng cửa.

"Phường cũng biết hết đấy chứ. Mỗi một tháng nếu bình thường rửa xe không thì 500.000 đồng, để kho thì mất 1 triệu".

Đi thu tiền thì... mặc thường phục

Chứng minh về việc được sự tiếp tay của cán bộ phường để xây dựng, kinh doanh thậm chí cho thuê lại mặt bằng trên đất nông nghiệp, người đàn ông này cho biết nếu đồng ý thuê đất theo giá đưa ra, nhân dịp đến ngày làm “luật” theo quý sẽ kết nối để chúng tôi gặp mặt cán bộ địa chính.

Sau khi chuẩn bị “quà gặp mặt”, Lương hẹn chúng tôi đến buổi làm “luật” giữa Lương với một người tự nhận là cán bộ địa chính phường Mễ Trì (Nam Từ Liên, Hà Nội) tên L.

"Khi xuống thu tiền là họ mặc thường phục. Cậu L này tạo điều kiện mà", Lương nói.

Tại buổi làm việc này, L tự giới thiệu là cán bộ địa chính phường, phụ trách về các công trình đất nông nghiệp trên địa bàn. L cho biết dù chưa biết được ai là người thuê đất, tuy nhiên do Lương đặt vấn đề nên người này đã chủ động đỡ lời khi công an quận hỏi đến.

"Hôm trước Ngọc ở chỗ đội kinh tế công an quận cũng hỏi. Tôi bảo đất người ta đang san cát thôi. Để tránh các anh ấy báo cáo về chỗ lãnh đạo công an quận, công an quận có ý kiến sang sẽ rất là dở. Vẫn chưa biết được ai thuê nhưng thôi mấy anh em ở đây cả. Nói cho anh ấy là thôi anh tạo điều kiện".

Ngay khi L dứt câu, Lương lấy ra hai phong bì chuẩn bị từ trước đặt vào tay L và nói: "Cái này là cái của em. Còn giúp anh lại gửi hộ như mọi năm. Anh đang làm mặt bằng cho các bạn. Hôm nào các bạn ấy về đây làm sẽ gặp em sau". Như một thói quen, L thản nhiên cất phong bì vào túi áo trước mặt PV.

Bảo kê sai phạm, thất thoát tiền tỉ: Choáng váng cảnh đưa - nhận phong bì-4
L và Lương trao nhận phong bì.

Cũng tại buổi gặp gỡ này, cán bộ địa chính phường Mễ Trì còn khẳng định, từ khi phường này có lãnh đạo mới, cơ chế với những người như Lương đã trở nên “thoáng hơn”: "Thực ra quan điểm thì ở phường cơ chế chắc anh Lương biết, chỗ này gác chặt lắm. Thời chủ tịch phường trước một năm ông ấy đi dập mấy lần vụ đấy, chẳng phải úp mở gì với nhau cả. Mấy sân bóng tiền tỉ cũng không làm được. Đi không đúng đường, gõ không đúng cửa thì là bị như thế.

Nhưng đời chủ tịch này thì không làm thế. Bây giờ thì có lãnh đạo mới, cơ chế nó thoáng hơn. Lãnh đạo cũng chỉ đạo bây giờ là phải có cơ chế rõ ràng. Đầu tiên nếu mình muốn thì nói chung phải báo cáo từ đầu quy mô như nào. Tớ sẽ báo cáo lãnh đạo, lãnh đạo có chỉ đạo".

Phường cũng phải có "cơ chế" với cấp trên?

Sau khi nhận "phí bôi trơn" của Lương, người tự nhận là cán bộ địa chính tên L khẳng định mặc dù là đất nông nghiệp nhưng với sự “che chở” của mình và phường, Lương có thể yên tâm cho thuê lại, xây lều lán, đổ bêtông tại đây trong nhiều năm nữa, thậm chí nếu kinh doanh còn có thể treo biển bảng. Chỉ cần đóng “luật” đúng hạn, nếu phường có kiểm tra thì sẽ được báo trước. 

Anh em tạo điều kiện cho nhau, xử lý thì báo trước, anh em nhẹ nhàng. Bây giờ cơ chế thì lãnh đạo chỉ đạo. Bây giờ thì báo cáo theo quý. Nói chung là phường cũng phải lên quận chứ, phải lên báo cáo các anh trên đấy.

Nói chung sau này công việc hàng tháng, hàng quý sẽ làm việc với anh Lương nhé. Thực ra nó cũng là để phường có "cơ chế" với cấp trên thôi.

Khi PV ngỏ ý muốn đặt biển quảng cáo sau khi thuê mặt bằng, L khẳng định có thể làm thoải mái. Tuy nhiên để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh trái phép trên đất nông nghiệp được diễn ra thuận lợi, cán bộ địa chính khuyên chúng tôi nên lên làm việc thêm với công an phường Mễ Trì.

Cho biết thường xuyên làm luật theo năm cho cơ quan này, ngay lập tức Lương đã kết nối cho chúng tôi với đội trưởng đội trật tự phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm ngay tại trụ sở.

Sau khi nghe Lương trình bày, đội trật tự phường Mễ Trì nói: "Muốn gặp anh để làm cho yên tâm chứ gì? Anh trả lời như thế này nhé. Không phải là anh có thể khẳng định cái đó mình sẽ duy trì được lâu dài.

Thứ hai ủy ban người ta ra quân anh cũng không khẳng định được. Nói tóm lại mình rửa xe thì anh này làm đấy anh biết rồi. Hàng tháng “duy trì” thế nào thì bảo anh Lương, qua anh Lương. Không thì lấy số máy của anh", người này nói.

Hoạt động công khai, kinh doanh kiếm lời bạc triệu từ các dự án bỏ hoang, đất nông nghiệp chưa được sử dụng… nhờ hành vi hối lộ dưới cái tên mĩ miều “làm luật” với một số cán bộ tại các địa phương diễn ra nhiều năm nay.

Hành vi trục lợi này còn vẫn diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, ngay trước mắt các cơ quan hữu quan. Dấu hiệu chống lưng, “bảo kê”, “tham nhũng vặt” này rất cần cơ quan chức năng làm rõ và kiên quyết xử lý.

Theo Lao Động

Xem link gốc Ẩn link gốc https://laodong.vn/bat-dong-san/bao-ke-sai-pham-that-thoat-tien-ti-choang-vang-canh-dua-nhan-phong-bi-1054463.ldo

bảo kê


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.