Bí thư Thành ủy Huế: “Gameshow đã câu view bẩn và xúc phạm người Huế”

Trao đổi với phóng viên Lao Động, Bí thư Thành ủy Huế - ông Phan Thiên Định cho biết, gameshow “Hành lý tình yêu” đã dàn dựng, câu view bẩn và xuyên tạc về văn hóa của người Huế.

Câu chuyện về “thanh niên Huế tuyên bố ly dị vợ nếu không sinh con trai” trên một gameshow hẹn hò đang gây bão với dư luận, quan điểm của ông về vụ việc này?

Tôi không có thói quen xem các gameshow trên truyền hình vì có khá nhiều chương trình nhảm nhí. Tuy nhiên, khi được một số người phản ánh và chuyển cho xem clip về chương trình vừa phát, tôi cũng như số đông người Huế cảm giác là thấy bức xúc. Văn hóa Huế, nếp sống của người Huế đang bị xuyên tạc và trở thành công cụ câu view cho nhà sản xuất.

Đông đảo người Huế phản ứng dữ dội trước cách thức câu view của chương trình này.

Tôi cho rằng, câu chuyện đã đi xa hơn, vượt ra khỏi tầm kiểm soát của nội dung một gameshow, trở thành sự xúc phạm lớn với người dân Huế.

Nhiều người nhìn vào, nếu không hiểu, họ sẽ mặc định người Huế là như thế. Người Huế là lạc hậu, gia trưởng, bảo thủ, trọng nam khinh nữ....

Anh thanh niên kia có thể chỉ đơn giản đưa ra quan điểm, góc nhìn của anh ấy, nhưng nhà sản xuất, những người kiểm duyệt một chương trình như vậy để đưa lên sóng là điều tôi không giải thích được.

Ngoài việc câu view, tôi không hiểu họ đưa ra những chương trình có tính chất sai lệch và xúc phạm văn hóa vùng miền như vậy để chuyển tải thông điệp gì?

Trong bối cảnh người dân Huế hết sức phấn khởi trước kết quả tốt đẹp của Hội nghị Văn hóa Toàn quốc chỉ vừa mới diễn ra cách đây không lâu với thông điệp: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, có thể nói, đây là một “cái tát” khá đau vào văn hóa.

Bí thư Thành ủy Huế: Gameshow đã câu view bẩn và xúc phạm người Huế”-1
Ông Phan Thiên Định (trái) - Bí thư Thành ủy Huế. Ảnh: TTH

- Trên thực tế, có hay không chuyện đàn ông ở Huế ngồi mâm trên, phụ nữ ngồi mâm dưới, ăn đồ thừa? Có hay không chuyện đàn ông Huế sẽ bỏ vợ nếu không thể sinh con trai? Ở góc nhìn thực tế của cá nhân ông?

Tư tưởng trọng nam khinh nữ, hay chuyện muốn vợ sinh con trai, tôi nghĩ rằng ở nhiều quốc gia Châu Á vẫn còn tàn dư.

Nhiều địa phương khác trong nước có thể còn tồn tại quan niệm này, nhưng – số ít đó không đại diện cho người Việt Nam và càng không đại diện cho Huế, cho đàn ông Huế. Như tôi thấy, hầu hết gia đình Huế không còn nặng nề những chuyện như thế nữa.

Thêm nữa, trong gia đình Huế, vai trò người phụ nữ luôn được trân trọng. Người phụ nữ được xem là “nội tướng” trong nhà.

Có rất nhiều câu chuyện để nói về sự tôn trọng đó. Ví dụ như khi có giỗ, kỵ thì những người con trai trong nhà và vợ chồng, con cái của họ phải mời và phục vụ cho những người con gái cùng gia đình của họ (chúng tôi gọi là bên ngoại) ngồi ăn trước.

Mâm trên, mâm dưới trong cúng, kỵ ở vài nơi – là để phân biệt mâm dành cho những người đáng kính, cao niên, khách quý... với các mâm khác, chứ không phải để phân biệt đàn ông - phụ nữ. Trên, dưới ở đây không có nghĩa so đo về vị trí đặt mâm, chỉ mang tính ước lệ. Thức ăn của mâm trên, mâm dưới cũng là như nhau.

Chuyện thức ăn thừa từ mâm trên chuyển xuống mâm dưới, trong xã hội hiện nay, là hoàn toàn bịa đặt, hoang đường.

Tôi nghi ngờ về một sự dàn dựng trong câu chuyện của bạn thanh niên Huế kể.

Bởi vì, nếu quả thật bạn ấy được sinh ra trong một gia đình, dòng tộc gia phong (và còn cổ hủ) như thế, thì chắc chắn bạn ấy cũng sẽ được gia đình dạy dỗ rằng phải sống sao đó cho thật tốt và chuẩn mực để không cho phép một ai coi khinh mình, sỉ nhục mình, cười cợt, chê bai cá nhân mình cũng như gia đình, dòng tộc mình và cả vùng đất của mình.

Đó là cốt cách Huế, là con người Huế.

Bí thư Thành ủy Huế: Gameshow đã câu view bẩn và xúc phạm người Huế”-2
Công Hoàng, chàng thanh niên Huế có phát ngôn gây xôn xao dư luận. Ảnh:CMH

- Hiện, nhân vật tham gia chương trình là anh Công Hoàng đang phải hứng chịu sự chỉ trích dữ dội từ dư luận, trong khi nhà sản xuất tuyệt đối giữ im lặng. Ông có cho rằng, trong mọi sự cố, sự im lặng sẽ giúp cho câu chuyện được “chìm xuồng”?

Đạo diễn và nhà sản xuất đã dàn dựng mọi chuyện quá lố. Lẽ ra, họ phải lường được hiệu ứng và hệ lụy của chương trình và nên cho dừng phát sóng. Vì đây không phải là chương trình phát sóng trực tiếp. Ngay cả những màn “giãy nảy” của đạo diễn Lê Hoàng khi tranh luận, tôi cũng thấy có yếu tố dàn dựng trong đó. Họ chỉ nhằm mục đích tăng kịch tính.

Người dân Huế chúng tôi phản ứng vì chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm. Nhà sản xuất phản ứng như thế nào là tùy vào mức độ văn hóa của họ.

Nhà sản xuất đã rất thành công trong việc câu view. Trang fanpage của họ trước đây chỉ có vài trăm lượt tương tác, giờ đây đã tăng lên chục nghìn. 

Nhưng, họ cũng thất bại. Vì trong mắt người Huế chúng tôi, họ đã rất thiếu văn hóa.

Thành phố Huế đang tập trung cao độ vào việc phòng, chống dịch với việc triển khai "Tuần cao điểm tầm soát COVID-19", tôi không muốn mất thời gian nhiều vào việc bình phẩm các câu chuyện linh tinh trên các kênh truyền hình.

Tuy nhiên, sự việc này có ảnh hưởng xấu đến hình ảnh văn hóa Huế, tạo ra những bức xúc trong nhân dân nên cũng có một số trao đổi nhằm mọi người hiểu rõ hơn.

>>> Mời độc giả xem tin tức mới nhất trong ngày chính xác nhất

Theo Lao động

Xem link gốc Ẩn link gốc https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/bi-thu-thanh-uy-hue-gameshow-da-cau-view-ban-va-xuc-pham-nguoi-hue-979892.ldo?fbclid=IwAR3MtZ3RTcY6SlckdF_oB_y936WV0JEfYio18bndQXpr212ik8jzxz2czeU

Huế


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.