Bỏ đếm giây trên đèn giao thông ở TP.HCM: Người nói văn minh, người lo tai nạn

Một số người ủng hộ việc bỏ đếm số trên đèn tín hiệu giao thông ở TP.HCM, tuy nhiên cũng không ít ý kiến lo lắng vì cho rằng thử nghiệm này dễ làm gia tăng tai nạn.

Nhiều ý kiến trái chiều về việc thí điểm bỏ đếm giây trên đèn giao thông ở TP.HCM.

Ngày 2/7, tại các nút giao thông Nguyễn Đình Chiểu - Trương Định (Quận 3), Nguyễn Đình Chiểu - Bà Huyện Thanh Quan (Quận 3), Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng Tám (Quận 3), PV VTC News ghi nhận việc tại các cột đèn giao thông không còn sử dụng số giây đếm ngược.

Người muốn, người không

Từ trước đến nay, đối với các cột đèn giao thông bình thường, thời gian hiển thị đèn xanh - vàng - đỏ sẽ được đếm ngược theo số giây dần về 1 để ra hiệu cho phương tiện dừng lại - đi chậm - đi tiếp.

Tuy nhiên, với việc bỏ đếm số trên đèn giao thông ở các giao lộ kể trên, đèn giao thông được thiết lập linh hoạt theo từng khoảng thời gian nhất định (không hiển thị từng số) và chỉ chuyển màu đèn. Khu vực gắn đèn loại này là những giao lộ lớn, có camera giám sát và kết nối với Trung tâm Quản lý giao thông đô thị để tiện cho việc điều chỉnh từ xa.

Theo ghi nhận, lưu lượng phương tiện đi lại qua các tuyến đường này tương đối lớn. Trong nhiều thời điểm, các xe chạy quá trớn, vượt quá vạch dừng hoặc lao thẳng ra giữa đường dù đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ. 

Bỏ đếm giây trên đèn giao thông ở TP.HCM: Người nói văn minh, người lo tai nạn-1
TP.HCM thí điểm việc bỏ số đếm ngược trên đèn đường giao thông ở một số giao lộ lớn.

Một số người dân cho biết, việc bỏ số đếm góp phần nâng cao ý thức giao thông. Khi đi qua những giao lộ đông đúc, lái xe sẽ chú ý quan sát hơn, đồng thời hạn chế tình trạng bóp còi inh ỏi hoặc tìm cách vượt khi đèn chuẩn bị bật từ đỏ sang xanh. 

Chị Ngân (ngụ TP Thủ Đức) cho biết rất ủng hộ việc TP.HCM áp dụng thí điểm vì đã đi nhiều nước trên thế giới, hầu như ít thấy đèn giao thông đêm số.

"Ở những quốc gia phát triển, việc đếm số trên đèn giao thông đã bỏ từ lâu. Tôi thấy nhiều người ý thức kém, luôn cố ý lạng lách, vượt đèn đỏ. Việc không còn số đếm sẽ hạn chế những kẻ gây phiền nhiễu cho người đi đường", chị Ngân nói thêm. 

Cũng theo chị Ngân, khi không còn hiển thị số giây đếm ngược, người tham gia giao thông cứ việc dừng xe, chờ đến lúc đèn chuyển màu và chấp hành, tránh được tâm lý nhấp nhổm vì đếm số. 

Chị Lan (ngụ quận Phú Nhuận) chia sẻ trước đây đã từng chứng kiến một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vì vượt đèn đỏ.

"Luật giao thông đường bộ đã quy định cứ đến giao lộ là phải giảm tốc độ dù có đèn tín hiệu hay không. Nhưng nhiều người vẫn chạy nhanh, cố tình gây nguy hiểm cho chính mình. Nếu không biết thời gian trên đèn tín hiệu, tôi nghĩ dần dà sẽ hình thành thói quen giảm tốc độ, từ đó hạn chế tai nạn giao thông", chị Lan khẳng định. 

Còn anh Huy (ngụ Quận 3, tài xế xe ôm công nghệ) cho biết, anh rất ủng hộ việc thí điểm bỏ số đếm trên đèn giao thông. Theo anh Huy, khi không còn đèn đếm ngược, tài xế sẽ không còn thói quen tăng tốc vào những giây cuối.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, vẫn có không ít người dân thể hiện sự hoang mang, lo lắng mỗi khi đi qua những giao lộ bỏ đếm số trên đèn giao thông. Những người này cho rằng vi phạm giao thông là do ý thức, không phải do đèn màu xanh hay màu đỏ. 

Anh Nam (ngụ Quận 8) nói ngày thường đi làm vượt quãng đường hơn 10km từ Quận 8 đến Quận 3, khi đến giao lộ Nguyễn Đình Chiểu - Trương Định thì luôn có thói quen giảm tốc độ để tránh va chạm. Tuy nhiên, từ khi bắt đầu bỏ đếm số trên đèn giao thông, anh Nam không biết lúc nào đèn sẽ chuyển đỏ để chủ động dừng xe. 

Bỏ đếm giây trên đèn giao thông ở TP.HCM: Người nói văn minh, người lo tai nạn-2
Nhiều người dân ủng hộ việc bỏ đếm số trên đèn giao thông, song cũng có không ít người phản đối.

“Lúc trước tôi luôn giảm tốc độ khi thấy đèn xanh còn vài giây, hiện tại khá lo lắng vì cứ sợ đang chạy là đèn bật đỏ, lỡ đang chạy ngon trớn đèn đỏ lên thì dễ có tai nạn. Lo nhất là đèn đỏ bật bất ngờ, không chuẩn bị tâm lý sẽ dẫn đến phanh gấp, té ngã xuống đường. Vi phạm là do thiếu ý thức, không phải do đèn. Không thể vì vài người vi phạm mà bỏ hết đếm số trên đèn giao thông”, anh Nam kể thêm. 

Anh Tuấn (ngụ Quận 10) lại cho rằng việc bỏ đếm ngược giây trên đèn giao thông làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Anh Tuấn nói, nhất là vào buổi sáng khi vội đi làm, người dân hay có tâm lý nôn nóng sợ trễ giờ. Vì muốn đi thật nhanh nên đôi lúc thiếu quan sát, đến lúc phát hiện ra đèn đỏ đã bật lên thì dễ chạy quá lố, cán lên cả vạch cho người đi bộ.

“Đó là chưa kể đến chuyện chạy ở các tuyến đường khác thì vẫn có số đếm trên đèn đỏ như thường, qua đến đoạn đường thí điểm nếu không để ý là quên ngay, dễ chạy nhanh rồi gây tai nạn lắm”, anh Tuấn cho biết thêm. 

Đồng thời, anh Tuấn cũng bày tỏ nếu chờ ở một giao lộ từ 80 - 90 giây thì sẽ không biết đến bao giờ được đi tiếp thì sẽ gây ức chế, khó chịu. 

Chuyên gia nói gì?

Trả lời VTC News, TS Dương Như Hùng, Trường Đại học Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết cần có phương án nghiên cứu, đánh giá mặt tích cực và hạn chế kỹ càng trước khi thực hiện việc bỏ đếm số trên đèn tín hiệu giao thông.

Việc áp dụng thí điểm sẽ giúp các cơ quan có liên quan đưa ra đánh giá, so sánh là có nên tiếp tục thực hiện hay không. Nếu kết quả thí điểm tốt thì có thể cân nhắc mở rộng thí điểm hoặc triển khai. Tuy nhiên cũng cần tránh việc thí điểm đại trà, sai thì sửa vì hệ quả có thể dẫn đến tốn kém ngân sách không cần thiết. 

Việc thí điểm nên triển khai ở nhiều giao lộ có tình hình giao thông khác nhau. Từ đó mới có dữ liệu toàn diện để áp dụng cho từng khu vực vì bộ đếm giây cũng rất cần thiết ở nhiều nơi.

Bỏ đếm giây trên đèn giao thông ở TP.HCM: Người nói văn minh, người lo tai nạn-3
Chuyên gia cho rằng cần cân nhắc, đánh giá và nghiên cứu thật kỹ việc thí điểm bỏ đếm ngược trên đèn giao thông. (Ảnh minh họa)

"Tôi không phản đối việc bỏ đếm ngược trên đường giao thông, nhưng cần có nghiên cứu để mọi thứ rõ ràng. Chúng ta có thể làm chậm, không sao cả. Dẫu vậy cũng cần cẩn trọng. Chúng ta đang có rất nhiều phương án để làm, các chuyên gia sẽ cùng đánh giá xem cái nào phù hợp nhất với tình hình giao thông của TP.HCM hiện nay", TS Dương Như Hùng nhận định thêm.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận định thí điểm bỏ đếm ngược trên đèn tín hiệu giao thông là một biểu hiện cho việc "dám nghĩ, dám làm" tại TP.HCM.

Tuy nhiên việc bỏ số đếm ngược dẫn đến việc người đi đường không chủ động và không làm chủ được tốc độ. “Ngày xưa người ta chỉ đường thủ công bằng cách có nguời hướng dẫn trực tiếp, cách làm này khá linh hoạt, tức là thấy bên này đông người thì cho đi nhanh hơn, thời gian dừng lại cũng ít hơn. 

Còn bây giờ, chúng ta đã cài đặt đếm số trên các cột đèn giao thông rồi thì đương nhiên không linh hoạt bằng việc chỉ đường thủ công. Tuy nhiên, thà không linh hoạt nhưng cách cài số đếm sẽ giúp người dân ước lượng thời gian dừng lại hay đi tiếp một cách tốt hơn. Chẳng hạn như trên đường Trường Chinh, vào buổi sáng xe từ phía Hóc Môn về đông hơn, còn buổi chiều thì xe từ TP.HCM chạy hướng Hóc Môn nhiều hơn nên có thể thay đổi linh hoạt số đếm. Cách thay đổi số đếm phù hợp hơn hẳn việc bỏ hẳn số đếm ở cột đèn giao thông”, TS Nguyễn Hữu Nguyên đánh giá. 

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, việc bỏ số đếm trên đèn giao thông không những không nâng cao được ý thức mà ngược lại còn làm cho người tham gia giao thông mất tính chủ động. 

“Khi có số đếm thì người dân sẽ chú ý để chuẩn bị dừng đỗ đúng vạch quy định. Theo tôi, phương án thay đổi số đếm một cách linh hoạt hoặc thay đổi số đếm ở các chiều lên - chiều xuống sẽ tốt hơn việc bỏ hẳn. Trong trường hợp muốn làm tốt, có thể nghiên cứu đưa trí tuệ nhân tạo vào thay thế”, TS Nguyễn Hữu Nguyên phân tích. 

Bỏ đếm giây trên đèn giao thông ở TP.HCM: Người nói văn minh, người lo tai nạn-4
Theo chuyên gia có thể áp dụng trí tuệ nhân tạo trong việc linh hoạt thay đổi số giây trên đèn tín hiệu giao thông.

Riêng với ý kiến cho rằng ở một số nước phát triển không sử dụng số đếm trên đèn giao thông, TS Nguyễn Hữu Nguyên nhận định không nên áp dụng một cách rập khuôn vì điều kiện, văn hóa và ý thức tham gia giao thông hoàn toàn khác nhau. 

Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị TP.HCM, cho biết việc thí điểm chỉ không dùng số đếm ngược trên đèn giao thông chỉ áp dụng ở các nút giao lớn, đã lắp đặt camera giám sát và hệ thống tín hiệu được kết nối về trung tâm, có thể điều khiển từ xa. Một số nơi khác vẫn có đèn không đếm số, nhưng thuộc dạng được thiết lập sẵn, mỗi lần thay đổi phải cài đặt trực tiếp tại các chốt.

Cũng theo Trung tâm này, việc thí điểm trên nhằm mục đích tăng cường công tác quản lý, vận hành hệ thống camera giám sát giao thông tại các giao lộ.

Đồng thời, thí điểm bỏ đếm giây trên các cột đèn giao thông ở một số giao lộ lớn còn để ghi nhận hình ảnh, hành vi của người tham gia giao thông trong việc chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông và thống kê chi tiết các số liệu về tình trạng vượt đèn đỏ, va chạm giao thông, tai nạn giao thông.

Cùng đó, trích xuất dữ liệu từ hệ thống camera quan trắc giao thông cung cấp cho trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ để đánh giá tình trạng vận hành của tuyến đường thí điểm.

 

Theo VTC News

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtcnews.vn/bo-dem-giay-tren-den-giao-thong-o-tp-hcm-nguoi-noi-van-minh-nguoi-lo-tai-nan-ar880906.html?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTAAAR1S7Y0mOqz2sd5jEzpw6rTK9pD56AU9-soLR947wxJk7SoE921AedPpA5g_aem_sGfnYUriL543E6ZyCwOJ0w

TP.HCM


Danh tính kẻ cướp xe ô tô, đánh tử vong người dân ở Hà Nội
Sau khi sử dụng ma túy, Ma Vũ Duy gây ra 2 vụ trộm cắp xe ô tô của người dân ở tỉnh Thái Nguyên và Hà Nội. Chưa dừng lại đó, do ảnh hưởng của ma túy, Duy cởi quần áo đi bộ trên đường. Khi bị người dân truy đuổi, đối tượng chạy vào nhà dân và dùng xẻng tấn công khiến một người tử vong.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.