Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mưa lớn vào một thời điểm thì không hệ thống nào chống chịu được

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng cần có giải pháp đồng bộ từ công tác dự báo, đến quy hoạch, thiết kế các đô thị.

Nhận định về trận mưa gây ngập lụt ở Hà Nội chiều tối qua (29/5), Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà sáng nay (30/5) bên hành lang Quốc hội cho biết, thời tiết hiện nay có những biến đổi bất thường, nhiệt độ nóng lên, không chỉ ảnh hưởng với Việt Nam mà ngay cả với các nước có cơ sở hạ tầng phát triển như Mỹ, Châu Âu.

Theo Bộ trưởng, nếu lượng mưa lớn tập trung vào một thời điểm thì không có hạ tầng nào có thể chống chịu, đáp ứng được.

"Chúng ta cũng phải phân biệt vấn đề dị thường thời tiết như mưa lớn cực đoan với các vấn đề đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm, thiếu dự báo. Đây là 2 vấn đề có nguy cơ như nhau", Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mưa lớn vào một thời điểm thì không hệ thống nào chống chịu được-1

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời bên hành lang Quốc hội.

Trước tình trạng cứ mưa là ngập ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, theo Bộ trưởng TN&MT phải nhìn lại toàn bộ hạ tầng ở các đô thị. “Khi thiết kế thì mỗi đô thị mang đặc trưng về địa hình khác nhau, phải dự báo được tính cực đoan của thời tiết và tính được số lượng dân cư sử dụng để có một hệ thống đáp ứng được nhu cầu”, ông Hà nói.

Hệ thống dự báo thời tiết và hệ thống cơ sở hạ tầng giống như huyết mạch của cơ thể con người.

Với những loại hình thời tiết cực đoan phải có những dự báo dài hạn, không chỉ dự báo hàng năm mà có thể dự báo cho 20-30-50 năm sau. Từ phương án dài hạn sẽ làm cơ sở cho khâu thiết kế hạ tầng như công trình ngầm, đường giao thông ngầm, đường giao thông bề mặt, bố trí sắp xếp khu dân cư....

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mưa lớn vào một thời điểm thì không hệ thống nào chống chịu được-2

Ông dẫn chứng bài toán độ cao của các khu vực để thiết kế hệ thống thoát nước ngầm trong những đô thị phát triển. Việc này cần có tầm nhìn để khu vực đó có thể thoát nước tự nhiên. Khu vực không tự thoát được nước thì phải sử dụng máy móc, thiết bị nhưng cần hạn chế. Đặc biệt, trường hợp thời tiết cực đoan phải tính toán hệ thống trữ nước.

Ngoài ra cũng phải tính toán hệ thống để trữ nước, dẫn chứng ở Nhật Bản, ông Hà cho biết, tại "đất nước mặt trời mọc" có khu vực được bố trí những đường ngầm (còn gọi là hầm chứa lớn) vừa giữ lượng nước khi hạn hán có thể sử dụng, trong thời điểm mưa lớn những hầm chứa này trở thành nơi chứa nước. Trong trường hợp ngập lụt ở nơi xung yếu thì họ chỉ cần điều chỉnh hệ thống là những sân vận động, cánh đồng trở thành nơi chứa nước.

Thậm chí, theo ông Hà có thể tạo cả một hệ thống dưới đường giao thông là các thùng rất lớn để chứa nước mưa. Đây là giải pháp mà các nước làm, tuy nhiên chi phí đắt đỏ, nên Bộ trưởng cho rằng quan trọng nhất phải là tầm nhìn, thiết kế và đầu tư hạ tầng đồng bộ.

Ở các khu đô thị có những khu phức hợp với vùng lõi lại là các nhà cao tầng, có ý kiến cho rằng đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sau một cơn mưa lớn đường phố biến thành sông. Theo ông Hà, có ảnh hưởng nhất định đến tình trạng ùn tắc, ngập úng. Nhưng trong câu chuyện này, điều cốt lõi là hạ tầng tiêu thoát nước phải tính được những yếu tố như lượng nước con người sử dụng, lượng nước thải hay nước mưa từ thời tiết cực đoan.

Bộ trưởng TN&MT cho rằng căn cứ trên cơ sở hạ tầng được xây dựng, chúng ta hoàn toàn có thể dự báo được vấn đề phát sinh. Ví dụ, dự báo mưa trong một đơn vị thời gian, tính toán được trên diện tích một mét vuông thì lượng mưa sẽ thế nào.

Về năng lực dự báo, Bộ trưởng Hà cho biết, khi dự báo lưu lượng mưa trong một đơn vị thời gian có thể tính toán được trên một m2 sẽ có lượng nước thế nào, từ đây nếu làm tiếp bài toán mô hình về công suất hệ thống tiêu thoát nước thì có thể dự báo về ngập. Đây là điều mà nhiều cơ quan khí tượng thủy văn đang hướng tới.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mưa lớn vào một thời điểm thì không hệ thống nào chống chịu được-3

Trận mưa lớn chiều qua gây ngập úng diện rộng.

Khi dự báo ngập úng, lũ cũng phải tính đến nước trong lưu vực sông. Nước trên lưu vực sông cộng với lượng mưa cộng với khả năng thoát lũ của hạ tầng TP thì có thể đưa ra dự báo tính toán. Đây là nhiệm vụ của công tác dự báo. Hiện nay ngành khí tượng đã thực hiện, tuy nhiên để dự báo trong thời gian ngắn, chính xác Bộ trưởng nhấn mạnh đó là điều không dễ đối với bất cứ dự báo viên nào. Ở đây có thể dự báo được có ngập lụt hay không, trong điều kiện thời tiết cực đoan thì tình hình sẽ thế nào.
 
Giải pháp để hạn chế tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn đối với thủ đô, theo Bộ trưởng trước hết cần tăng cường công tác dự báo. Thứ hai Hà Nội cũng cần có dự án tổng thể trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu lịch sử, số liệu hiện nay về hiện tượng thời tiết cực đoan. Thứ ba, cần nghiên cứu kỹ càng khi thiết kế đô thị để làm sao đô thị đó "thông minh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan". Hay nói cách khác là thiết kế được một cách thông minh các đô thị để đảm bảo được tính bền vững. 

Hà Nội cần có một dự án tiếp cận tổng thể, xuất phát từ dự báo, quy hoạch tính toán để có một hạ tầng có thể chống chịu, thích ứng, phù hợp....

Trả lời câu hỏi “Hà Nội có nên lập dự án chống ngập như TP.HCM”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh “không nên bắt chước ai”. Thay vào đó, những cái TP.HCM thành công thì học hỏi, cái chưa thành công thì cần cố gắng cải thiện.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/bo-truong-tran-hong-ha-mua-lon-vao-mot-thoi-diem-thi-khong-he-thong-nao-chong-chiu-duoc-2024715.html?fbclid=IwAR3wIHZ7vojB4DqClkqCVLU4hetVvof6Jdc0Eqp7oGE89ntNlm3HNnifKHY

mưa lớn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.