Bữa cơm từ rau, củ hỏng 'mót' ở chợ của chị công nhân thất nghiệp

Thất nghiệp, không còn tiền trang trải, hễ nghe ở đâu tặng gạo, cho rau củ… chị lại đến xin. Mới đây, để có cơm cho gia đình 4 miệng ăn, chị phải cầu cứu người thân ở quê gửi tiền, thực phẩm vào hỗ trợ.

Bữa cơm từ rau, củ hỏng mót ở chợ của chị công nhân thất nghiệp-1
Chị Hồng và chồng thất nghiệp đã nhiều ngày nay.

Bữa cơm từ thực phẩm xin, cho

Một chiều giữa tháng Bảy, chúng tôi theo chân đoàn từ thiện đến căn phòng trọ bé xíu nằm cuối con hẻm chật và tối. Biết chúng tôi đến gửi quà hỗ trợ, chị Hà Thị Hồng (tạm trú tại khu trọ số 79/9 đường Liên khu 8-9, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM) vui mừng nói: “Cầu được ước thấy”.

Chị nói: “Trưa nay, tôi còn đang nói chuyện với mấy người chung dãy trọ là ở những chỗ khác, người ta được nhận quà, thức ăn, gạo. Không biết khi nào mình mới được giúp đỡ như thế. Thế mà, mới nói xong, tôi đã được mọi người đến cho quà. Vui quá chừng”.

Nhận phần gạo cùng một số rau củ, chị không giấu nổi sự xúc động. Chị đưa phần gạo cho đứa con gái út khoảng 4 tuổi. Bé cứ ôm túi gạo như ôm món đồ chơi quý giá, yêu thích nhất của mình. Thấy chúng tôi muốn hỏi chuyện, chị và chồng vội xếp gọn bữa cơm chiều đang dang dở vào giữa căn phòng chật chội.

Bữa cơm từ rau, củ hỏng mót ở chợ của chị công nhân thất nghiệp-2
Đây được xem là bữa cơm ngon của gia đình chị khi cả hai vợ chồng chị Hồng đều thất nghiệp kéo dài vì dịch bệnh.

Dưới nền nhà, trên chiếc mâm nhôm cũ, bữa ăn của gia đình chị chỉ vẻn vẹn nồi canh rau muống, đôi ba khứa cá kho lại nhiều lần, cháy đen, dính chặt vào đáy chảo và chút khổ qua xào trứng. Chị nói, đây là bữa cơm ngon trong những ngày qua.

Bữa cơm ấy là tập hợp của những loại thực phẩm xin, cho. “Mấy thứ tôi nấu ở đây đều do tôi đi xin về hoặc được người ta cho. Như mấy khúc cá ở đây, tôi được một chị đi bán vé số cho. Chị ấy hay đi, người ta thương nên cho cá về ăn. Thấy nhà tôi có con nhỏ lại thiếu thịt cá, chị ấy chia lại cho một ít. Tôi và chồng thất nghiệp mấy tháng nay nên cuộc sống chật vật lắm”, chị Hồng nói.

Trước dịch, chị Hồng gia công nón vải ở nhà, chồng làm công nhân trong xưởng sản xuất bao bì. Dịch bệnh ập đến, công ty nón tạm thời đóng cửa. Chị thất nghiệp. Sau chỉ thị 16, công việc lúc có lúc không với mức lương ít ỏi của chồng chị cũng ngưng trệ. Gia đình vốn đã túng thiếu nay càng thêm thắt ngặt.

Chị Hồng chia sẻ: “Lúc còn đi làm được, thu nhập của vợ chồng tôi vừa đủ để trang trải tiền nhà, điện, nước, sữa cho bé út và đứa con lớn đi học. Nay cả hai thất nghiệp, chúng tôi không có tiền để xoay sở. Thấy tôi khổ, hàng xóm thương cho đồ ăn, gạo, mì”.

“Mấy chị em khác có thực phẩm ở quê gửi vào cũng chia cho tôi con cá, miếng thịt. Những lúc nhà không còn gì ăn, không ai còn gì để san sẻ, tôi ra cửa hàng bách hóa, chợ… nhặt rau, củ hỏng về nhà ăn tạm. Con bé út thèm sữa, tôi chạy ra tiệm tạp hóa quen xin mua thiếu”, chị kể thêm.

Cầu cứu gia đình ở quê

Chiều 19/7, chị Hồng và người bạn cùng dãy trọ gần như không nghe thấy tiếng sấm rền vang cùng cơn mưa dông ầm ào kéo đến.

Cả hai ngồi trước cửa phòng trọ, cắm cúi nhắn tin, trao đổi với những hội nhóm thiện nguyện ở quê. Chị cầu cứu, xin họ gửi vào những phần thực phẩm để cầm cự, chống chọi với cái đói.

Bữa cơm từ rau, củ hỏng mót ở chợ của chị công nhân thất nghiệp-3

Nhiều gia đình khác đang thuê trọ tại dãy phòng trọ này cũng rơi vào tình thế khó khăn vì thất nghiệp.

Mấy ngày qua, chị chỉ biết giam mình trong căn phòng trọ chật hẹp cùng nỗi lo thiếu gạo, thiếu rau. Mỗi khi hết thực phẩm, chị lại lân la lên mạng xã hội để tìm các địa chỉ có hoạt động phát, gửi tặng thực phẩm. Biết ở đâu có phát gạo, rau, củ chị lại đạp xe đến xin.

“Mấy hôm trước, khổ quá chịu không thấu, tôi gọi điện về quê xin cứu trợ. Người nhà gói gém thực phẩm, định gửi vào cho tôi. Nhưng việc gửi xe, ra nhận hàng khó khăn quá, đứa cháu gửi cho tôi 1 triệu đồng sống tạm”, chị chia sẻ.

Thế nhưng, số tiền ấy vào lúc này chẳng khác gì như muối bỏ bể. Chị đến cửa hàng thực phẩm mua chút ít đồ ăn, đôi ba hộp sữa cho con gái nhỏ. Dẫu đã dè xẻn hết mức, chỉ trong chớp mắt, số thực phẩm vừa mua hôm nào đã hết veo. Chị lại phải đi xin.

Bữa cơm từ rau, củ hỏng mót ở chợ của chị công nhân thất nghiệp-4

Một số em bé ở đây đang trong tình trạng thiếu sữa.

Chị kể, sáng 19/7, nghe một nhà thờ ở gần nhà có cho rau củ, chị cùng mấy người chung dãy trọ đến xin. Đợi nửa giờ đồng hồ, chị mới xin được 2 bọc rau về chia cho những người ở cùng dãy trọ nấu lấy bát canh.

Trên đường về phòng trọ, tình cờ gặp trưởng khu phố, chị Hồng trình bày việc dãy trọ đang thiếu rau củ trầm trọng. Cuối ngày, chị và những phòng trọ còn lại được vị này gửi tặng mỗi gia đình một bó rau muống tươi ngon.

Chị tâm sự: “Lúc này, những người thất nghiệp như chúng tôi thực sự rất khó khăn và chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, hội, nhóm thiện nguyện. Ngày 13/7, chủ nhà trọ có đến lấy danh sách người thuê phòng trong diện được hỗ để xem xét”.

Bữa cơm từ rau, củ hỏng mót ở chợ của chị công nhân thất nghiệp-5
Để cứu vãn tình thế thắt ngặt, chị Hồng đã cầu cứu người thân, các hội, nhóm thiện nguyện ở quê nhà.

“Đến ngày 20/7, chồng tôi mới được nhận tiền hỗ trợ. Suốt 7 ngày trước đó, khó khăn quá, tôi phải cầu cứu các hội, nhóm từ thiện ở quê. Thông qua mạng xã hội, tôi biết được họ đang lên kế hoạch gửi thực phẩm vào hỗ trợ người dân tại TP.HCM. Thế nên, tôi đã nhắn tin xin họ hỗ trợ vì thực sự đang rất thiếu thốn, chật vật”, chị nói thêm.

Bước đầu, chị Hồng đã nhận được sự phản hồi tích cực từ các hội nhóm thiện nguyện ở quê. Các tổ chức này đã xin địa chỉ của chị Hồng cùng những hộ khó khăn sống chung dãy trọ với chị.

“Hôm trước, cả nhà tôi ăn cháo trắng rồi đăng lên mạng. Người ở quê thấy thế cũng xin địa chỉ và nói sẽ gửi cá, sữa vào cho bé nhà tôi. Tôi đã liên hệ, xin họ hỗ trợ hết cho 8 phòng trọ trong dãy phòng này. Thôi thì được bao nhiêu hay bấy nhiêu, chúng tôi cứ san sẻ với nhau mà sống trong thời khắc khó khăn này. Mọi chuyện cũng sẽ qua thôi”, chị Hồng nói.

Theo Vietnamnet


thất nghiệp


Cảnh giác chiêu lừa của người nước ngoài giả vờ mua hàng, đổi ngoại tệ
Thủ đoạn của các đối tượng người nước ngoài lợi dụng các điểm bán hàng hoặc các điểm dịch vụ đổi tiền có ít người quản lý, giả vờ vào mua hàng hoặc đổi tiền, sau đó tạo các tình huống khiến người bán hàng phân tâm, mất cảnh giác để chiếm đoạt tài sản.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.