Bức ảnh quý thời sinh viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Một trong những tư liệu quý tại Phòng truyền thống, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, là bức ảnh thời sinh viên khoa Văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. GS.TSKH Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội chia sẻ cơ duyên có được bức ảnh này.

Vị Tổng Bí thư nhân văn, trọng tình nghĩa

GS. Vũ Minh Giang nhớ lại năm 2012 khi được phân công phụ trách xây dựng Phòng truyền thống của ĐHQG Hà Nội. Theo đề cương trưng bày, một trong những nội dung cần được thể hiện là những cựu sinh viên có những đóng góp lớn với đất nước trên mọi phương diện.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là niềm tự hào của ĐHQG Hà Nội chắc chắn phải có vị trí đặc biệt trong Phòng truyền thống này. Do có quan hệ từ thời còn là ủy viên Hội đồng Lí luận Trung ương, GS. Vũ Minh Giang đã gọi điện đặt vấn đề xin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một số hiện vật.

Bức ảnh quý thời sinh viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng-1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Phòng truyền thống ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2013. Ảnh: Bùi Tuấn

“Tôi thật bất ngờ khi được Tổng Bí thư nhiệt tình tạo điều kiện, và rất ấn tượng khi ông nói “quãng đời đẹp nhất là thời sinh viên, mình có một số tấm ảnh về thời kì đó, đã giữ gìn mấy chục năm nay giờ tặng cho Phòng truyền thống”.

Sau đó, Tổng Bí thư gửi cho chúng tôi một phong bì to, đóng cẩn thận. Tôi mở ra và rất xúc động khi thấy những tấm ảnh của ông thời còn là sinh viên, trong đó có bức chụp từ năm 1965.

Cùng với những tấm ảnh, ông còn tặng Phòng truyền thống bản luận văn tốt nghiệp ĐH do GS. Đinh Gia Khánh hướng dẫn”, GS. Vũ Minh Giang bồi hồi nhớ lại và cho biết dịp ĐHQG Hà Nội kỉ niệm 20 năm thành lập (2013), Tổng Bí thư đã về dự và đến thăm phòng truyền thống. Ông rất vui khi thấy những hình ảnh và kỉ vật thời sinh viên của mình được trưng bày trang trọng tại đó.

Tổng Bí thư gửi cho chúng tôi một phong bì to, đóng cẩn thận. Tôi mở ra và rất xúc động khi thấy những tấm ảnh của ông thời còn là sinh viên, trong đó có bức chụp từ năm 1965. Cùng với những tấm ảnh, ông còn tặng Phòng truyền thống bản luận văn tốt nghiệp ĐH do GS. Đinh Gia Khánh hướng dẫn”.

GS. Vũ Minh Giang

 

Nói về tình cảm của Tổng Bí thư với nhà trường và các thầy cô giáo cũ, GS. Vũ Minh Giang kể rằng, vào dịp trước Tết Tân Mão (năm 2011), sau khi nghe tin ông được bầu làm Tổng Bí thư khóa XI, lãnh đạo của ĐHQG Hà Nội muốn đến chúc mừng tân Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đã nhẹ nhàng từ chối rằng ông sẽ không tiếp bất cứ đoàn chúc Tết nào.

Nhưng thật bất ngờ khi GS. Vũ Minh Giang đặt vấn đề đây không phải là đoàn chúc Tết của lãnh đạo ĐHQG mà là một cuộc gặp gỡ thân mật, sum vầy thầy trò thì ông lại vui vẻ nhận lời. Và thế là đoàn của ĐHQG Hà Nội gồm cả các thầy giáo cũ đã có dịp gặp gỡ tân Tổng Bí thư ngay sau Đại hội. GS. Vũ Minh Giang vẫn nhớ cuộc gặp diễn ra giản dị, đậm tình thầy trò.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không câu nệ. Cuộc gặp mặt thân tình đã để lại cho ông nhiều ấn tượng tốt đẹp về một vị Tổng Bí thư rất nhân văn, trọng tình nghĩa và hết sức gần gũi, giản dị.

Bức ảnh quý thời sinh viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng-2
Bức ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời sinh viên (người thứ hai từ trái qua) được trưng bày tại Phòng truyền thống của ĐH Quốc gia Hà Nội hiện nay

Một câu chuyện vui nữa là vào dịp kỉ niệm 20 năm thành lập ĐHQG Hà Nội, Giám đốc ĐHQG Hà Nội lúc đó đang chưa biết xử trí thế nào về việc trao Kỉ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển ĐHQG, do thời gian rất eo hẹp mà số lượng người nhận rất đông. Lúc đó, ông nảy ra ý tưởng đề nghị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt tất cả mọi người lên nhận Kỉ niệm chương. Tổng Bí thư đã vui vẻ nhận lời.

“Ở cương vị rất cao nhưng Tổng Bí thư là người như thế, rất đôn hậu và vô cùng gần gũi, thân thiết với mọi người”, GS. Vũ Minh Giang nói.

Trong cuốn kỉ yếu “100 năm ĐH Đông Dương - ĐH Quốc gia Hà Nội”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bồi hồi nhớ lại khi lần đầu tiên đến trường nhập học: “Vào một buổi sáng đẹp trời, đầu tháng 9/1963, chúng tôi tập trung ở giảng đường 1 - phố Lê Thánh Tông (tức khu nhà 19 Lê Thánh Tông bây giờ). Trước lúc điểm danh, tôi đứng chơi dưới vườn Tao đàn. Ngước nhìn lên cổng trường ngắm mãi dòng chữ “Trường ĐH Việt Nam” sao mà cảm thấy lâng lâng, hãnh diện...”.

Luôn dành tình cảm đặc biệt cho mái trường cũ

Trường ĐH Tổng hợp, sau này là Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nói riêng và ĐHQG Hà Nội nói chung luôn có một vị trí đặc biệt trong tâm khảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lần đầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm ĐHQG Hà Nội khi ông là Bí thư Thành ủy Hà Nội, đúng dịp kỉ niệm 100 năm ngày trường thành lập (16/5/1906 - 16/5/2006, ĐH Đông Dương - ĐHQG Hà Nội). Năm 2010, khi đang ở cương vị là Chủ tịch Quốc hội, ông đã về thăm và gặp mặt thân mật với các đồng chí lãnh đạo, thầy cô giáo của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Năm 2013, như đã nói ở trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về dự và thăm phòng truyền thống. Nhân dịp kỉ niệm 30 năm thành lập ĐHQG Hà Nội (10/12/1993 - 10/12/2023) và 117 năm truyền thống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi thư chúc mừng.

Là thế hệ “đàn em” của Tổng Bí thư, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm tới sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đích thân ông kí ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Nghị quyết ra đời có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp chấn hưng giáo dục nước nhà, đánh dấu bước phát triển mới về tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với phát triển giáo dục và đào tạo, thể hiện quyết tâm chiến lược đổi mới giáo dục để phát triển bền vững đất nước cả trước mắt cũng như lâu dài.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Khoa học Xã hội và Nhân văn, bởi đây là lĩnh vực khoa học về con người, về những vấn đề liên quan giữa con người với con người, con người với xã hội.

GS. Hoàng Anh Tuấn chia sẻ, sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc nhở Ban lãnh đạo nhà trường cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng đào tạo, tiếp tục khẳng định danh tiếng của trung tâm đào tạo và nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn hàng đầu đất nước. Đó là sứ mệnh đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, nghiên cứu, sáng tạo và truyền bá tri thức về khoa học xã hội và nhân văn, góp phần đắc lực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế. Ông đặc biệt căn dặn đội ngũ cán bộ khoa học của nhà trường cần tập trung vào các công trình nghiên cứu mới, có giá trị để đóng góp thiết thực và hiệu quả trong tư vấn chính sách cho Quốc hội, và các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Theo GS. Hoàng Anh Tuấn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng và Nhân dân ta, cựu sinh viên ưu tú của mái trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.

GS. Hoàng Anh Tuấn thông tin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sinh viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, niên khóa 1963 - 1967, do GS.NGND Hà Minh Đức làm Chủ nhiệm lớp. Khoa Ngữ văn thời đó có hơn 130 sinh viên.

Năm 1967, với sự hướng dẫn của GS. Đinh Gia Khánh, sinh viên năm thứ tư Nguyễn Phú Trọng bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp về đề tài: “Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu” và là người duy nhất của khoá học đạt điểm tối ưu.

Cũng trong năm đó (1967), ông vinh dự được kết nạp Đảng, một điều rất hiếm gặp đối với sinh viên thời bấy giờ.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/buc-anh-quy-thoi-sinh-vien-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-post1656873.tpo

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.