Cảm phục hai mảnh ghép khuyết tật vượt qua nghịch cảnh cuộc đời

Cả hai đều từng là vận động viên khuyết tật, vượt qua nhiều khó khăn để vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp khiến nhiều người cảm phục.

Đó là anh Lê Văn Vũ (32 tuổi), và chị là Sâm Thị Hà (29 tuổi) cùng sống tại thôn Mỹ Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Cả hai đều từng là vận động viên khuyết tật, vượt qua nhiều khó khăn để vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp khiến nhiều người cảm phục.

Mới lọt lòng mẹ, cậu bé Vũ đã mắc phải căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Đôi chân Vũ ngày một teo tóp lại và sưng tấy trong nỗi đau đớn về thể xác mà mỗi lần nhớ lại anh lại bùi ngùi “tôi cứ tưởng cuộc đời sẽ đóng lại với mình vì đôi chân không lành lặn”.

Thương con, bố mẹ Vũ đưa anh đi chạy chữa từ Nam ra Bắc nhưng vô vọng. Nhà nghèo lại đông anh em nhưng Vũ vẫn đến trường trên đôi lưng của người bạn hàng xóm. Lớn lên không lành lặn, lại bị căn bệnh xương thủy tinh hành hạ, học đến lớp 4 Vũ đã nghỉ học vì sức khỏe quá yếu.

Quê Vũ ở miền sông nước với con sông Kiến Giang hiền hòa chảy qua. Những dịp lễ tết, làng chài nhỏ của anh lại mở những cuộc thi bơi của thanh niên trai tráng trong làng. Nhìn những người bạn của mình vùng vẫy trong dòng nước mát lạnh anh Vũ trở nên thích thú với môn thể thao bơi lội.

cam phuc hai manh ghep khuyet tat vuot qua nghich canh cuoc doi - 1

Anh Vũ bị xương thủy tinh, từng vất vả mưu sinh rồi tham gia đoàn thể thao khuyết tật tỉnh Bình Rịa - Vùng Tàu

Vậy là cứ chiều chiều anh Vũ lại giấu bố mẹ sang nhà người bạn mình bắt bạn dạy bằng được môn bơi. Sau nhiều ngày vật lộn, uống biết bao nhiêu nước. Cuối cùng, anh Vũ cũng chập chững với những đường đi của cơ thể mình trên dòng sông. Chính người bạn dạy bơi cùng anh Vũ cũng phải trầm trồ thán phục vì sự tiến bộ rất nhanh chóng của anh.

Thời gian sau đó, cuộc sống gia đình khó khăn đã thôi thúc anh Vũ khăn gói vào miền Nam lập nghiệp. Nơi đất khách quê người, anh Vũ chống nạng đi đến từng cửa hàng, từng nhà xưởng xin làm việc. Thế nhưng nhìn anh Vũ ai ai cũng lắc đầu không nhận khi thấy anh bị khuyết tật.

Số phận cũng đã mỉm cười khi anh Vũ được một người chủ đại lý vé số ở Bà Rịa -Vũng Tàu nhận làm công bán vé số. Trên chiếc xe lăn, anh rong ruổi khắp các con đường, góc phố mưu sinh kiếm sống.

Trong nhà trọ, mỗi lần thấy anh Vũ về phòng lại thui thủi một mình buồn bã, một người bạn đã giới thiệu anh vào sinh hoạt với CLB người khuyết tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong một lần trung tâm tổ chức tuyển chọn người thi đấu giải thể thao của tỉnh, anh Vũ đã xung phong thử sức với môn bơi lội.

Bằng nghị lực và sự kiên trì tập luyện, từ năm 2003 đến 2010 anh xuất sắc giành đến 25 huy chương vàng ở các cự ly thi đấu cho đoàn thể thao tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu tại Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật cấp Quốc gia.

Có được những thành quả đáng khen ngợi trong thể thao, anh Vũ đã vượt qua được sự tự ti, mặc cảm và trở nên dạn dĩ, sống hòa đồng hơn với mọi người.

Ngồi bên cạnh chúng tôi, chị Hà nhìn chồng là anh Vũ tâm sự, mới ba tuổi trong một cơn sốt đã khiến đôi chân của chị bị teo lại và từ đó đến bây giờ chị phải đi tập tễnh. Vượt qua mặc cảm, chị đã nỗ lực học tập và tốt nghiệp ngành Ngữ văn trường ĐH Đà Lạt. Ra trường, chị xin vào công việc văn phòng tại Bà Rịa -Vũng Tàu và tham gia vào đoàn thể thao người khuyết tật của tỉnh

“Trong một lần tham gia đoàn cờ vua, thi đấu tại TP. HCM gặp anh Vũ, chính sự tự tin cùng nụ cười hiền hậu của anh khi bước lên bục cao nhất nhận huy chương đã thật sự làm cho tôi khâm phục”- chị Hà trải lòng.

Rồi những tháng ngày cùng chung trong đoàn thể thao, sự hoạt bát năng nổ, sự quan tâm của anh Vũ làm cho chị thật sự cảm động.

cam phuc hai manh ghep khuyet tat vuot qua nghich canh cuoc doi - 2

Hai vợ chồng anh Vũ và chị Hà hạnh phúc khi đã có con đến bên đời

“Thật sự lúc đó tôi đã thấy mến anh rồi, tính tôi cũng rụt rè, ít nói nên chỉ dám quan tâm anh bằng cách thông qua những người bạn của anh thôi", chị Hà nói.

Duyên phận của hai người như được nhân lên khi anh Vũ lại tình cờ gặp chị Hà trong một lần anh đi mua sách ngay tại cửa hàng mà chị làm thêm vào ban đêm. Hai người bạn cùng đoàn bắt đầu tâm sự nhiều hơn. Đến khi chồng sách trong phòng riêng của anh Vũ càng dày thêm thì tình cảm của cả hai đã lớn dần.

Cuối năm 2010, đám cưới được tổ chức trọng thể có sự chúc phúc của những người bạn trong đoàn thể thao cùng gia đình hai họ. Cảm động hơn hết, những người bạn phương xa mà anh chị không kịp gửi thiệp mời cũng đến và chung vui. Cuộc sống sau hôn nhân bộn bề khó khăn khi anh chị rời đoàn thể thao và cùng nhau về quê anh. Họ mở một quán nước nhỏ bên đường, làm một ngôi nhà nhỏ sinh sống.

Hạnh phúc như được nhân lên nhưng cũng song hành với nỗi lo khi chị mang thai đứa con đầu tiên. “Thai được sáu tháng, hai vợ chồng tôi đi siêu âm kiểm tra sức khỏe thai nhi. Bác sỹ chẩn đoán cháu có thể bị xương thủy tinh di chứng từ tôi. Lúc đó hai vợ chồng chỉ biết nắm tay nhau cầu nguyện cho con được khỏe mạnh", anh Vũ tâm sự.

Đứa bé cứ thế lớn lên trong bụng mẹ kèm theo những âu lo của hai vợ chồng khuyết tật. Ngày bé chào đời là ngày hạnh phúc như vỡ òa khi bác sỹ cho biết cháu hoàn toàn khỏe mạnh, cân nặng 2,4kg.

“Vợ chồng tôi đặt tên cháu là Lê Bình An mong cho cháu có tương lai tốt đẹp sau này. Bình An cũng chính là ước mong, là hy vọng của cả gia đình tôi mai sau”, chị Hà tâm sự.

Theo Luận An (Khám Phá)

nghịch cảnh cuộc đời


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.