Cảm thương cảnh bà lão bệnh tật, lượm ve chai nuôi cháu mồ côi

Vì hoàn cảnh khó khăn, em Khang phải nghỉ học từ năm lớp 4, đi làm thuê cho người khác để kiếm tiền phụ bà Út trang trải cuộc sống.

Giữa cái nắng gay gắt của Sài Gòn, bà Út vẫn lầm lũi nhấc từng bước chân khó nhọc đi khắp các con hẻm thuộc phường 10, quận Tân Bình nhặt nhạnh những thứ còn sót lại trong đống rác thải để bán lấy tiền nuôi đứa cháu mồ côi...

Ngôi nhà nhỏ ẩm thấp nằm sâu trong con hẻm 687/60/17 đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình (TP.HCM) là nơi sinh sống của bà Út (71 tuổi) cùng với Khang - đứa cháu nội mới 16 tuổi. Vì hoàn cảnh khó khăn, em Khang phải nghỉ học từ năm lớp 4, đi làm thuê cho người khác để kiếm tiền phụ bà Út trang trải cuộc sống.

Cảm thương cảnh bà lão bệnh tật, lượm ve chai nuôi cháu mồ côi - Ảnh 1.

Căn nhà nhỏ hơn 10m2 là nơi che mưa che nắng cho bà Út cùng đứa cháu nội

Cảm thương cảnh bà lão bệnh tật, lượm ve chai nuôi cháu mồ côi - Ảnh 2.

Mỗi khi nhắc đến câu chuyện cuộc đời mình, bà Út không ngăn nổi xúc động

Sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, bà Út may mắn có được một mái ấm gia đình cùng 3 người con. Thế nhưng, năm bà 42 tuổi, chồng bà đột nhiên qua đời vì bạo bệnh, một mình bà phải chạy vạy khắp nơi để lo cho 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Rồi những ngày tháng sau đó, cuộc đời bà Út liên tiếp gặp sóng gió khi cả cô con gái lẫn vợ chồng con trai thứ đều bị bệnh mà qua đời, đứa con còn lại cũng mắc bệnh tâm thần, phải theo vợ về tận La Ngà (Đồng Nai) để nương náu. Hơn 10 năm nay, một mình bà Út phải vất vả lượm ve chai mỗi ngày để nuôi cháu mồ côi.

Cảm thương cảnh bà lão bệnh tật, lượm ve chai nuôi cháu mồ côi - Ảnh 3.

Những lúc buồn, bà Út lại nhìn tấm hình của đứa cháu khi còn được đi học để lấy động lực mà sống tiếp

Chỉ tay vào tấm hình duy nhất mà Khang chụp chung với các bạn khi còn học lớp 4, bà Út nghẹn ngào: "Thằng bé ham học lắm, lúc bà bảo cho nó nghỉ học, nó cứ khóc lóc xin bà cho nó đi học. Nhưng ngặt nỗi, nhà nghèo quá, lấy tiền đâu mà mua quần áo, sách vở cho nó như bao người". Cũng vì cảnh nhà nghèo khó, bố mẹ Khang mất từ khi em mới lọt lòng, một mình bà Út phải chạy vạy khắp nơi để lo cho cơm ngày ba bữa. Đến khi Khang học lớp 4, vì không có tiền đóng học phí, bà phải cho em nghỉ học. 

Cảm thương cảnh bà lão bệnh tật, lượm ve chai nuôi cháu mồ côi - Ảnh 4.

Mỗi ngày, số tiền từ việc lượm ve chai chỉ vẻn vẹn từ 10.000 - 20.000 đồng

Cảm thương cảnh bà lão bệnh tật, lượm ve chai nuôi cháu mồ côi - Ảnh 5.

Hình ảnh người bà già yếu, đi lang thang nhặt ve chai đã trở nên quen thuộc với người dân khu vực này

Kể từ ngày nghỉ học, mỗi ngày bà Út đều dắt Khang cùng bà đi lượm ve chai. Hôm nào may mắn thì được năm ba chục, còn nếu xe rác đổ sớm, bà chỉ kiếm được vẻn vẹn 10.000 đồng, bà lại tằn tiện nhịn ăn để cho cháu có được một bữa no.

"Nó ngoan lắm, lớn thế rồi chứ suốt ngày quấn lấy bà. Có cái gì ngon ai cho nó cũng để dành cho bà. Nó bảo sau này nó sẽ kiếm thật nhiều tiền để đưa bà đi chữa bệnh, có nó bên cạnh, bà mới ráng sống đến tận bây giờ", bà Út chia sẻ.

Cảm thương cảnh bà lão bệnh tật, lượm ve chai nuôi cháu mồ côi - Ảnh 6.

Nụ cười hiền hậu, hiếm hoi của bà Út, người đã ngoài 70 tuổi

Cảm thương cảnh bà lão bệnh tật, lượm ve chai nuôi cháu mồ côi - Ảnh 7.

Không có tiền đi thiến cho Mướp, bà Út phải buộc dây lại vì sợ mất

Cũng theo bà Út, vì thấy hoàn cảnh gia đình bà khó khăn, khoảng 3 tháng nay, một cơ sở sản xuất kéo ở gần nhà đã nhận Khang vào vừa làm, vừa học việc. Còn bà Út vẫn tiếp tục đi nhặt ve chai quanh khu phố để trang trải chi tiêu hằng ngày.

Cầm trên tay bao ve chai vừa nhặt được sau một buổi trưa đi lang thang ngoài đường, tay vịn vào bức tường để bước vào nhà, bà Út thở hổn hển nói: "Giờ nhặt ve chai không được bao nhiêu tiền, hai ba ngày bà bán chỉ được vài chục nghìn đồng. Có hôm đi muộn, xe đổ rác lấy đi hết, bà lại quay về tay không, cực khổ lắm con ơi".

Cảm thương cảnh bà lão bệnh tật, lượm ve chai nuôi cháu mồ côi - Ảnh 8.

Vì bệnh tật, lại không có tiền để mua ve chai nên bà Út chỉ biết đi lang thang khắp phường để lượm ve chai

Cảm thương cảnh bà lão bệnh tật, lượm ve chai nuôi cháu mồ côi - Ảnh 9.

Sau khi lượm ve chai, bà Út cần mẫn phân loại để đem đi bán

Dù cuộc sống mưu sinh vất vả, không có tiền làm vốn để đi mua ve chai như người ta nhưng không vì thế mà bà Út nản lòng bởi bà biết còn có rất nhiều người luôn giúp đỡ, ủng hộ bà. "Mọi người ở đây tốt lắm, thấy hoàn cảnh của bà cháu nghèo khổ, họ thường cho bà chút cá, chút rau, có người biếu bà lon gạo, túi ve chai...cũng nhờ sự yêu thương của mọi người, bà mới nuôi cháu đến tận ngày hôm nay", bà Út chia sẻ.

Cảm thương cảnh bà lão bệnh tật, lượm ve chai nuôi cháu mồ côi - Ảnh 10.

Cái máy thở bà Út may mắn được cô Hiệp (hàng xóm) tặng cho, có nó bà cũng đỡ phải nhập viện mỗi khi bệnh tái phát

Cảm thương cảnh bà lão bệnh tật, lượm ve chai nuôi cháu mồ côi - Ảnh 11.

Đôi bàn tay già yếu, run rẩy của bà Út

Vì tuổi cao sức yếu, lại mang trong mình nhiều căn bệnh quái ác nên bà Út thường xuyên phải nhập viện. Không có tiền mua thuốc chữa bệnh, bà Út chỉ còn biết cầm cự vào mớ thuốc tây xin được để sống lay lắt qua ngày.

"Bà bị hen suyễn, lại cao huyết áp, tim mạch cũng yếu nữa nên cứ đi nhặt rác một chút là bệnh tái phát, mấy lần tưởng bà chết rồi, cũng may được hàng xóm thương tình đưa vào bệnh viện mới qua khỏi. Nhiều người bảo bà nghỉ ở nhà, đừng đi nhặt rác nữa. Nhưng giờ ở nhà thì lấy gì mà sống...", bà Út bật khóc.

Cảm thương cảnh bà lão bệnh tật, lượm ve chai nuôi cháu mồ côi - Ảnh 12.

Bà Út bên nồi lá đu đủ đực được mọi người cất công đi hái về cho bà chữa bệnh

Cảm thương cảnh bà lão bệnh tật, lượm ve chai nuôi cháu mồ côi - Ảnh 13.

Bà Út đã gắn bó với nghề nhặt ve chai đã hơn 30 năm nay

Dù hoàn cảnh bà Út khó khăn, nhưng do không phải dân địa phương nên chính quyền không thể giúp đỡ cho bà hàng tháng. Lâu lâu có đoàn từ thiện, hay quà tết, địa phương đều dành cho bà những suất quà động viên. "Mọi người ở đây tốt lắm, ai thấy hoàn cảnh bà cũng thương, bà sống được là nhờ sự cưu mang của chòm xóm láng giềng. Cái ngôi nhà đang ở cũng được một người khác cho ở nhờ, họ nói khi nào bà mất thì mới lấy lại nhà", bà Út tâm sự.

Cảm thương cảnh bà lão bệnh tật, lượm ve chai nuôi cháu mồ côi - Ảnh 14.

Dù trời nắng hay trời mưa, bà Út vẫn đều đặn đi nhặt ve chai

Nói về hoàn cảnh của gia đình bà Út, cô Sen (hàng xóm) chia sẻ: "Nhìn hai bà cháu mà thương, bả già rồi, lại không có sức nhưng phải đi nhặt ve chai mỗi ngày. Ở đây cũng toàn dân lao động, chỉ lâu lâu biếu bà chút cá, chút thịt hay mớ ve chai thôi, chứ làm gì có tiền mà giúp đỡ. Những lúc bà trở bệnh, cô cùng nhiều người phụ nhau đưa bà vào bệnh viện, riết rồi thân quen như một gia đình...".

Cảm thương cảnh bà lão bệnh tật, lượm ve chai nuôi cháu mồ côi - Ảnh 15.

Cứ nhặt được 10 phút, bà Út lại tìm chỗ để nghỉ mệt

Có lẽ, điều mong mỏi nhất của bà Út lúc này là em Khang được khỏe mạnh, có một cái nghề trong tay để sau này bà lỡ có mất đi, một mình em cũng có thể bám trụ trước sóng gió cuộc đời. "Sống đến ngần tuổi này, tôi đâu mong gì hơn, chỉ cầu cho được sức khỏe, có thể đi lượm ve chai mỗi ngày là tôi vui rồi", bà Út tâm sự.

Theo Trí Thức Trẻ

hoàn cảnh khó khăn

bệnh tật

bỏ học

mồ côi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.