- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Chuyện đời bà cụ đi "ở đợ" 60 năm, có chồng con nhưng tuổi già đơn độc, sống nhờ người dưng trong hẻm nhỏ
Sau hơn nửa cuộc đời đi “ở đợ cho người”, bà Mai chẳng có gì trong tay, không chồng, không con, không gia đình người thân
Chiếc giường xếp cũ kỳ, èo uột nằm sát con hẻm nhỏ số 98 đường Lý Thái Tổ, phường 2, quận 3, từ 10 năm nay đã trở thành "mái nhà" của bà cụ Nguyễn Thị Mai (88 tuổi).
Gọi là "mái nhà" cho sang trọng vậy, chứ thực ra, mọi sinh hoạt của bà đều quanh quẩn xung quanh chiếc giường xếp, mấy chiếc ghế nhựa bày ra chung quanh, quây thêm tấm bạt làm mái che bên trên cho ra hình hài một túp lều nho nhỏ.
Người đàn bà ấy, có gia đình mà thành cô độc, một thập kỷ nay sống nhờ vào tình thương mến, đùm bọc của bà con quanh hẻm nhỏ.
Túp lều nhỏ dựng tạm bợ trong con hẻm 98 Lý Thái Tổ là mái nhà che mưa che nắng của bà Mai.
Suốt một đời cơ cực, lúc đứng bên kia dốc cuộc đời, bà Mai vẫn thui thủi một mình không người thân.
Chuyện là, bà cụ Mai vốn sinh ra tại mảnh đất Thừa Thiên Huế, trong một gia đình nghèo khó. Chẳng được học hành, cha mẹ lại đau bệnh liên miên, từ nhỏ, cô bé Mai đã phải theo người bà con xa vào Phú Yên để làm giúp việc cho người ta.
Sống cảnh "ở đợ" nhà người, cô bé Mai nhẫn nhục, chịu đựng bị chủ đuổi đánh, la mắng mỗi ngày, quần quật làm việc để mót từng đồng bạc lẻ, gởi về quê nhà cho cha mẹ chữa bệnh.
Cụ bà 88 tuổi bên bữa cơm trưa đạm bạc.
Mỗi khi nhớ lại chuyện cũ, bà cụ không khỏi nghẹn lòng.
Đến năm vừa tuổi trăng tròn 15, mẹ bỏ cô bé Mai mà khuất. Ít lâu sau, người cha cũng qua đời. Một mình cô bé ở đang tuổi ăn tuổi lớn lại khăn gói vào Sài Gòn với niềm hy vọng thoát khỏi cảnh đói nghèo đã đeo bám gia đình mình từ nhiều đời qua.
Giữa nơi đất khách quê người, những biến cố liên tục ập đến khiến cuộc đời cô bé Mai ngày ấy không ngừng gặp sóng gió. "Ngày đầu tiên vào Sài Gòn, không còn tiền, đói quá, bà phải đi xin ăn nhưng không ai cho.
Sau đó, bà đi phụ rửa chén bát thuê để có cơm ăn, tối đến thì ngủ lang bạt ngoài xóm ổ chuột với những người lao động nghèo. Lúc ấy, bà chỉ mong có ai đó nhận vào giúp việc trong nhà để bớt khổ…", người đàn bà đã ở cái tuổi "cổ lai hy" nghẹn ngào kể lại.
Cái nghèo, cái khổ theo bà Mai suốt cả một đời người, đến mức thi thoảng bà tự hỏi, không biết kiếp trước mình có làm gì nên tội không...
Ép những nếp nhăn xô lệch trên gương mặt đầy vết thời gian, hai hàng lệ chứa chan rơi xuống khi bà kể về những ngày tháng cũ, nhất là giai đoạn đầu xoay sở mưu sinh ở Sài Gòn, như thể tất cả ký ức ấy mới xảy ra gần đây.
"Hồi đó, con gái chưa đầy 20 tuổi khờ lắm. Một mình bà lăn lộn kiếm việc, kiếm tiền rất khó khăn. Rồi không chỗ trú chân, phải ngủ lề đường, bị đám thanh niên côn đồ trêu chọc, dọa dẫm nữa.
Tụi nó đánh đập, lấy hết tiền của bà. Có hôm đói quá mà không có gì ăn, bà phải ôm bụng lép chờ trời sáng để tiếp tục đi làm...".
Bà Mai nằm co ro trên chiếc giường xếp cũ kỹ tại hẻm 98.
Cụ Mai cho biết do bị xương khớp, mỗi tháng cụ Mai phải đi viện để điều trị
Trong lúc bế tắc, tưởng đâu cuộc đời người con gái có cái tên mong manh như loài hoa báo xuân sẽ vơi đi phần nào cơ cực, khi tình cờ quen được người con trai tốt bụng trong xóm lao động nghèo, rồi nên duyên vợ chồng.
Nhưng nào ngờ, bông mai chẳng bình yên đón sương, tung tăng trong gió xuân, mà lại hứng chịu quá nhiều sóng gió.
Không bao lâu sau khi kết hôn, chồng bà Mai đi lính, bỏ lại người vợ trẻ và đứa con đang hình thành trong bụng một mình bám trụ giữa Sài Gòn.
Để có tiền sinh sống qua ngày, dù đang mang thai, bà Mai vẫn tất bật làm việc, ai kêu gì làm nấy, miễn là việc lương thiện, từ giữ trẻ, gánh nước, rửa chén bát… và nuôi hy vọng binh biến mau qua, chồng về nhà đoàn tụ.
Thế nhưng, khi con trai vừa chào đời cũng là lúc tin người chồng đã tử trận trong một trận đánh ở Tây Ninh bay đến.
Một mình vượt qua cơn đau sinh nở, một mình xoay sở chuyện ở cữ, bà lại gắng gượng tiếp tục sống để chăm lo cho đứa con chưa một lần nhìn thấy mặt cha, vừa chào đời đã khuyết hụt hơi ấm, bù đắp bằng tình yêu và những giọt mồ hôi vất vả, nuôi con lớn lên từng ngày.
Hộp cơm trắng được người dân cho được bà cụ chia làm 3 bữa để ăn qua ngày.
Lâu nay, bà Mai sống nhờ tình thương của bà con hàng xóm láng giềng trong con hẻm 98.
Những chuỗi ngày vất vả tiếp tục đeo bám hai mẹ con. Ban ngày, bà quay về với nghề giúp việc, lau nhà, dọn dẹp, cơm nước cho người ta, tối đến lại mang con đi rửa chén bát cho các quán ăn để kiếm thêm thu nhập.
Dẫu vậy, số tiền kiếm được mỗi ngày cũng chỉ đủ cho hai mẹ con có được một bữa no, cũng có khi đói.
Nhẫn nhục, chịu đựng suốt một đời, ở đợ từ nhỏ nuôi cha mẹ đau yếu, làm vợ, làm mẹ trong cảnh túng quẫn, cơ hàn, khi đứa con trai lớn lên rồi lập gia đình, tưởng đâu bà sẽ được hưởng chút niềm vui còn sót lại nơi tuổi già, quây quần bên con cháu, dầu nghèo vẫn an ủi những niềm vui.
Ấy thế mà, trong một cơn tai biến bất ngờ, đứa con trai duy nhất của bà cũng bỏ bà mà đi, để lại trần thế mẹ già, vợ và hai đứa con thơ dại.
Ít lâu sau khi con trai mất, bà một lần nữa lại trải qua cảnh lá vàng tiễn lá xanh, khi đứa cháu lớn, không rõ mắc bệnh gì, đột ngột qua đời. Chuyện ấy đã xảy ra hơn 20 năm nay.
Sau biến cố ấy, người con dâu đành đoạn ôm đứa cháu nhỏ bỏ nhà ra đi tìm hạnh phúc mới, và để chạy trốn cuộc đời bi kịch đến khó tin của bà Mai. Thế là, cuối đời, bà cụ lại lủi thủi một mình một bóng.
Đi hết một đời người, cụ Mai vẫn cô độc một mình.
Đôi bàn tay gân guốc đã vất vả bao năm, đến khi gần buông vẫn còn đau khổ.
Ngồi co ro một góc chiếc giường xếp cũ kỹ, bà khóc tu tu như một đứa trẻ nít, liên tục lau nước mắt chứa chan. "Từ lúc đứa con trai chết, cháu nội chết, con dâu bỏ đi, bà chỉ sống quanh quẩn nơi con hẻm này.
Số phận hình như bắt bà sống cô độc cô quả, không được phép có niềm vui. Không nhà cửa, con cái giờ cũng không còn, bà đâu biết đi đâu! Lúc trước còn khỏe, bà hay đi bán vé số.
Mấy năm nay đi đứng không được, đành phải nương nhờ tình thương của mọi người trong con hẻm để sống qua ngày, chờ đến ngày mình cũng đi nốt sang thế giới bên kia".
Bà thú thật, có nhiều lúc nghĩ quẩn, bà chỉ muốn chết đi vì không muốn làm phiền đến bà con hàng xóm nữa. Không có tiền lo cơm ngày ba bữa, lại bệnh tật vì di chứng bao năm vất vả, số tiền trợ cấp người già neo đơn nhận được mỗi tháng, bà đổ vào thuốc men cả.
Một người hàng xóm thường xuyên đến để giúp đỡ cụ Mai mỗi ngày.
Hằng ngày, từng người dân trong hẻm lại thay phiên nhau chăm sóc cho bà, vì thương số phận nổi trôi, bất hạnh của bà.
Người tắm rửa, thay quần áo, người biếu chút đồ ăn, có người vận động gom góp tiền để mua thuốc thang cho cụ chữa bệnh… tất cả đều lặng lẽ giúp đỡ cụ, không một ai to tiếng hay nặng lời, như thể cụ là một người thân trong gia đình của họ.
Sống đối diện với túp lều của cụ Mai, cô Bảy là người thường xuyên tắm rửa, giặt giũ cho cụ, chia sẻ: "Có gì đâu con, người dân trong hẻm này cũng chẳng ai giàu có, chỉ đỡ đần cụ được cái gì hay cái đó.
Thấy cụ già cả rồi mà cứ thui thủi một mình, không con cháu chăm sóc, ai cũng thương cả. Chỉ mong cụ vui vẻ mà sống, ở đây mọi người đều là con, là cháu của cụ cả". Nói đoạn, cô cười nhẹ, khẽ phẩy phẩy tay như kiểu có gì nghiêm trọng đâu mà hỏi hoài.
Nụ cười hiếm hoi của bà cụ Mai trong sự yêu thương của người dưng.
Cuộc đời của bà Mai, đau khổ từ thuở xa nhà đi ở đợ báo hiếu mẹ cha, trải qua biết bao đau khổ mà có lẽ khó ai tưởng tượng hết nổi.
Cũng làm vợ, làm mẹ, làm bà như bao người, nhưng những bất hạnh như thể không buông tha, cho đến ngày bà cụ chỉ còn một mình, neo vào cuộc đời như cánh hoa tàn trong gió bão.
Trải qua một đời vất vả, khổ đau, giờ đây, khi đã ở ngưỡng cuối của cuộc đời, bà cụ không mong gì hơn ngoài việc cơm no ngày ba bữa, sống vui vẻ cùng hàng xóm cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Dẫu chỉ còn một mình, chẳng người thân thích, nhưng có lẽ bà cụ không cô độc bởi xung quanh vẫn còn đó những tấm lòng của những người dân nơi con hẻm nhỏ đầy yêu thương.
-
Thời sự1 ngày trướcTại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vừa xảy ra vụ việc bé gái 5 tuổi bị chó nuôi của gia đình cắn tử vong thương tâm.
-
Thời sự1 ngày trướcNgày 21/11, lãnh đạo UBND xã Krông Năng (huyện Krông Pa, Gia Lai) xác nhận, có vụ việc một em bé 4 tuổi nghi bị gã đàn ông hàng xóm xâm hại. Cơ quan chức năng đang xác minh, làm rõ.
-
Thời sự1 ngày trướcNhận tin chồng cùng đồng nghiệp bị rơi theo chiếc xe xuống sông mất tích, chị K. đang mang bầu cũng đến hiện trường, ngóng đợi phép màu xảy ra.
-
Thời sự3 ngày trướcTheo người dân sinh sống ở các ngõ 127, 155 Nguyễn Trãi; 126, 144 đường Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), việc dùng barie chặn xe là "cực chẳng đã" để đảm bảo an toàn giao thông.
-
Thời sự3 ngày trướcCơ quan công an đang khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ 2 vợ chồng tử vong nghi bị thiêu sống bằng xăng
-
Thời sự3 ngày trướcSau khi được gia đình gửi tại trường mầm non, bé 4 tuổi được phát hiện cháu đã tử vong dưới hồ nước nhà dân, cách trường không xa.
-
Thời sự4 ngày trướcCơ quan khí tượng dự báo Hà Nội sắp hứng mưa, mưa rào và có thể có dông, trời chuyển lạnh từ đêm nay.
-
Thời sự4 ngày trướcSau cú va chạm với ô tô trên đường đê ở huyện Tiền Hải (Thái Bình), người phụ nữ đi xe máy bị hất văng xuống triền đê tử vong tại chỗ.
-
Thời sự4 ngày trướcNhóm học sinh lớp 8 Trường THCS Hiền Quan rủ nhau đi tắm sông, 5 em bất ngờ bị nước cuốn trôi mất tích.
-
Thời sự4 ngày trướcNguyễn Văn Vĩ quay lại quán nhậu, cầm dao lao vào đâm gục người đàn ông trước sự hoảng loạn của người xung quanh
-
Thời sự5 ngày trướcThi thể 2 học sinh lớp 7 mất tích khi tắm sông đã được tìm thấy và bàn giao cho gia đình để lo hậu sự.
-
Thời sự5 ngày trướcTài xế xe ô tô bán tải vượt ẩu khi qua cầu phao Phong Châu (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) được cơ quan chức năng xác định là ông N.H.H. (45 tuổi, trú tại xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông).
-
Thời sự5 ngày trướcNghe tiếng động mạnh, người dân sống gần khu vực chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TPHCM) chạy ra kiểm tra, phát hiện nam shipper tử vong, xe máy văng xa cách 20m.
-
Thời sự6 ngày trướcTriều cường đạt đỉnh vào chiều 16/11 khiến nhiều tuyến đường vùng trũng thấp ở TP.HCM ngập sâu, nước tràn cả vào nhà ảnh hưởng đến đời sống người dân.