Chuyện nhà quan huyện đón dâu bằng trực thăng riêng

Mẹ quan huyện Nghi là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, là chủ một vựa buôn bán vải vóc rất lớn khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Cũng theo ông Tài, mẹ quan huyện Nghi là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, là chủ một vựa buôn bán vải vóc rất lớn khắp trong Nam, ngoài Bắc. Bà sinh được 3 người con trai, trong đó, quan huyện Nghi là con thứ hai.

Một lăng mộ cổ bằng đá nổi nằm ngay trong khu vực sân của UBND thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Theo nội dung khắc trên bia, đây là mộ của hai vợ chồng quan huyện Nghi, dưới triều nhà Nguyễn.

Lăng mộ “mọc” trong sân UBND thị trấn Văn Điển

Xung quanh khu lăng mộ này có rất nhiều lời đồn thổn. Để rõ thực hư, phóng viên đã về đây tìm hiểu qua UBND và Phòng Văn hóa của thị trấn Văn Điển cùng người dân xung quanh.

mộ cổ, lăng mộ, Văn Điển, Thanh Trì, Huyện Nghi
Lăng mộ quan huyện Nghi và vợ trong sân UBND thị trấn Văn Điển. Ảnh Diệu Bình

Bà Hà Diệu Thư - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Văn Điển, phụ trách văn hóa - xã hội, cho biết: “Năm 2008 UBND thị trấn mới chuyển về đây. Chúng tôi cũng chỉ biết đây là mộ quan tri huyện Nghi. 

Thỉnh thoảng vào ngày mùng 1, hôm Rằm hoặc Tết, người dân thường vào thắp hương. Hiện chúng tôi không có nhiều thông tin về khu lăng mộ này”.

Theo quan sát, toàn bộ khu lăng mộ cao khoảng 1 mét so với nền đất, được xây bằng các tảng đá xanh nguyên khối với kiến trúc khá tinh xảo.

mộ cổ, lăng mộ, Văn Điển, Thanh Trì, Huyện Nghi

Hai bên bậc tam cấp có hai con rồng uốn lượn, chạm trổ tinh tế. Ảnh: Diệu Bình

Hai bên bậc tam cấp có hai con rồng uốn lượn, chạm trổ tinh tế. Phần hương án và tấm bia bằng đá, khắc chữ Hán - Việt.

Phía sau chạm khắc hình một người đàn ông mặc áo và mũ cánh chuồn, tay cầm trượng.

Trên bia mộ, ngoài các dòng chữ khắc bằng tiếng Hán - Việt thì hai bên của đoạn chữ được khắc thêm chữ Quốc ngữ hiện nay.

Theo đó, quan tri huyện Thanh Trì (thường được gọi là quan huyện Nghi) sinh ngày 2/9 năm Kỷ Mão (1879), niên hiệu vua Tự Đức. Ông mất ngày 19 tháng Giêng năm Giáp Tuất, niên hiệu vua Bảo Đại, tên thật là Nguyễn Hữu Nghi, làm quan dưới thời nhà Nguyễn.

mộ cổ, lăng mộ, Văn Điển, Thanh Trì, Huyện Nghi

Mộ quan huyện Nghi bằng đá nguyên khối, chạm trổ tinh xảo. Ảnh Diệu Bình

Thời nhà Nguyễn, theo quan chế (phép tắc quy định tổ chức và quyền hạn của quan lại xưa) hệ thống quan lại được chia làm 2 ban văn - võ và 9 phẩm (Cửu phẩm Quan giai), thì chức của quan huyện Nghi thuộc hàm quan Thất phẩm (cao nhất là quan Nhất phẩm).

Theo anh Vũ Đức Thiện, cán bộ văn xã, cũng là người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, cho hay: “Ngày bé tôi thấy người ta hay nói mộ quan huyện Nghi từng bị đào trộm nhiều lần rồi, nhưng đào trộm làm gì thì tôi không rõ”.

Anh Thiện cho biết thêm, hiện còn rất nhiều con cháu của gia tộc Nguyễn Hữu vẫn sinh sống ở khu vực này.

Giai thoại đón dâu bằng trực thăng 

Theo chỉ dẫn của bà Nguyễn Thị Thịnh (74 tuổi), nhà ở gần UBND Thị trấn Văn Điển, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hữu Tài (75 tuổi), là cháu họ của quan huyện Nghi.

Ông Tài cho biết, quan huyện Nghi thuộc gia tộc họ Nguyễn Hữu ở huyện Thanh Trì, thuộc Phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay là Thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì.

Theo ông Tài, quần thể nhà thờ của dòng họ được xây dựng trước năm 1930. Khu lăng mộ nằm trong quần thể gồm lăng mộ, dinh thự, nhà thờ… của dòng họ Nguyễn Hữu, có diện tích lên tới hàng nghìn héc-ta.

Lăng mộ quan huyện Nghi nằm phía trước khu nhà thờ chính. Trải qua quá trình biến động của lịch sử, quần thể khu lăng mộ, đền thờ, dinh thự gần như bị phá hỏng, chỉ còn lại một vài vết tích, trong đó có lăng mộ đá ở sân UBND Thị trấn Văn Điển.

mộ cổ, lăng mộ, Văn Điển, Thanh Trì, Huyện Nghi

Ông Nguyễn Hữu Tài, cháu gọi quan huyện Nghi bằng bác. Ảnh: Diệu Bình

Nhưng điều khiến dân gian vẫn còn nhắc cho đến ngày nay chính là sự giàu có và bề thế của gia tộc Nguyễn Hữu lừng lẫy đất Thanh Trì một thời.

Ông Tài kể: “Dòng họ Nguyễn Hữu có 3 chi, quan huyện Nghi là chi thứ nhất, bố tôi là chi thứ hai, chi thứ ba là nhà ông Nguyễn Hữu Khâm. Tôi gọi quan huyện Nghi là bác. Chủ yếu gia tộc làm nghề buôn bán, kinh doanh vải”.

Cụ thân sinh ra tôi kể rằng, khu nhà thờ của gia tộc rộng đến một nghìn héc-ta, còn điền sản thẳng cánh cò bay không đo hết được”.

Cũng theo ông Tài, mẹ quan huyện Nghi là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, là chủ một vựa buôn bán vải vóc rất lớn khắp trong Nam, ngoài Bắc. Họ có 3 người con trai, con thứ nhất là Nguyễn Hữu Hựu, con trai thứ hai là Nguyễn Hữu Nghi, cũng được học kinh doanh, buôn bán từ nhỏ nhưng lớn lên, ông  có chí hướng theo nghiệp quan trường.

Ông bỏ công việc kinh doanh mà đi học rồi đỗ đạt, được phong chức quan tri huyện, cai quản huyện Thanh Trì. Còn con trai thứ 3 trong gia đình là ông Nguyễn Hữu Hợp, theo nghề buôn vải của mẹ.

Ngày con ông Hợp lấy vợ, mẹ ông Hợp cho máy bay trực thăng riêng của gia đình đi đón dâu. Khi về đến huyện Thanh Trì, bà lệnh cho máy bay bay vài vòng trên bầu trời, ở đâu có điền sản của gia đình thì bay đến đó.

Ngoài ra, của hồi môn cho hai vợ chồng cháu ông Hợp là rất nhiều vàng ròng, của nả, phải vài xe chở mới chở hết. 

Câu chuyện đón dâu bằng trực thăng của nhà quan huyện Nghi và của hồi môn khi ấy đã trở thành kí ức không thể nào quên đối với nhiều người dân nơi đây, về sau còn được lưu truyền như một giai thoại cho đến ngày nay.

(Còn nữa)

Theo VietNamNet


tài sắc vẹn toàn

đón dâu bằng trực thăng

quan huyện


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.