Chuyện tình đẹp khó tin: Hạnh phúc người đàn bà đi hỏi vợ cho... chồng

Mong muốn người đàn ông từng “chung chăn, chung gối” có một tương lai tươi sáng hơn, người phụ nữ đó sẵn sàng cưới vợ cho chồng.

Mong muốn vẹn tròn đạo nghĩa, ước nguyện người đàn ông từng “chung chăn, chung gối” có một tương lai tươi sáng hơn, người phụ nữ đó sẵn sàng cưới vợ cho chồng.

Người đàn bà bất hạnh

Đối với phụ nữ, "chia chồng" với người khác chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Vậy mà có người đàn bà yêu thương người phụ nữ đến sau như em gái, thương con họ sinh ra như con đẻ mình. Bà là Nguyễn Thị Bích (Liệp Tuyết, Quốc Oai, Hà Nội). Câu chuyện về cuộc đời, việc làm của bà như cổ tích ở trần gian.

Nhiều người nói bà “dị’ lắm vì dám chia sẻ chồng mình cho người khác. Thế nhưng chỉ có ai rơi vào hoàn cảnh của bà mới thấu hiểu được nỗi đau không thể sinh cho chồng đứa con đúng nghĩa. Cũng bởi tình yêu với người chồng quá lớn nên bà mới làm cái việc ít ai làm ấy.

Chúng tôi tìm đến Liệp Tuyết khi người dân nơi đây đang tất bật với mùa gặt. Hỏi thăm về nhà bà Bích, ông Thư người dân địa phương chỉ dẫn tận tình. Trong ngôi nhà cấp bốn, tường bằng đá ong lâu đời, bà bích đang chậm rãi dắt tay đứa cháu nhỏ đi những bước đầu tiên.

Người đàn bà 70 tuổi có dáng người nhỏ thó, gương mặt khắc khổ, tấm lưng còng nhìn bà vất vả trong từng bước đi. Nói giọng địa phương nhẹ nhàng, bà bảo: “Tôi giờ không làm được gì nữa, chỉ ở nhà chơi với cháu thôi, mọi việc đều do một tay bà Duệ (bà vợ thứ hai) lo cả”.


Bà Nguyễn Thị Bích (bên phải) và bà Dương Thị Duệ. Ảnh: Ngọc Thi

Bà Nguyễn Thị Bích (bên phải) và bà Dương Thị Duệ. Ảnh: Ngọc Thi


Hồi tưởng lại về cuộc đời mình, người đàn bà tội nghiệp này không ngăn nổi những giọt nước mắt. Năm 1969, bà kết hôn cùng ông Nguyễn Văn Thư, lúc đó đang là bộ đội lái xe Trường Sơn đường 559. Đám cưới của họ được tổ chức nhân dịp ông Thư được nghỉ phép. Tiệc vui xong xuôi, người chồng lại vào chiến trường, tiếp tục nhiệm vụ với đất nước.

Hòa bình trở lại, ông Thư trở về mang theo thương tích của chiến tranh. Vốn là một chàng trai khỏe mạnh dường như không ốm vặt nay ông thường xuyên cảm lạnh mỗi đợt thời tiết thay đổi. Nhưng lúc đó ai cũng nghĩ đó chỉ là ốm vặt vẹo, không có gì đáng ngại. Không ai biết rằng ông mang trong mình chất độc vô hình.

Bốn đứa con, 3 gái, 1 trai lần lượt ra đời, nhưng không còn gì đớn đau hơn khi không một ai khỏe mạnh bình thường. Tất cả đều dị tật bẩm sinh. Nỗi đau chồng thêm nỗi đau khi người phụ nữ bất hạnh thường xuyên bị mẹ chồng đay nghiến cho rằng bà không biết đẻ. Hàng xóm, láng giềng cũng lời ra tiếng vào, bàn tán, dị nghị đủ điều. Duy chỉ có người chồng hiểu được nỗi đau, nỗi thống khổ của bà.

Sau này, trong một lần đi khám sức khỏe, bác sỹ kết luận ông Thư bị nhiễm chất độc màu da cam. Trọng tội “không biết đẻ” của người đàn bà bất hạnh bao năm đã được hóa giải. Nhưng có một nỗi đau lớn hơn bởi bà biết mơ ước về những đứa trẻ lành lặn mãi mãi là điều xa xỉ.

“Những đứa con của tôi, theo thời gian sức khỏe yếu dần. Chúng mất dần mất mòn, giờ chỉ còn cậu con trai 41 tuổi, không biết gì hết, chỉ ngồi một chỗ. Từ vệ sinh cá nhân, ăn uống tôi chăm như một đứa trẻ”, bà Bích tâm sự.

Hành trình cưới vợ cho chồng

Thương chồng chịu nhiều áp lực từ họ hàng bởi là con trưởng của dòng họ. Nhìn mấy đứa con tật nguyền, chẳng có tương lai thì gia đình sẽ tuyệt tự. Những đêm dài thức suy nghĩ, nuốt nước mắt bà nói với chồng: “Sự việc đã ra thế này, tôi nghĩ hay là ông đi bước nữa, may ra lại có được những đứa con lành lặn. Tôi không tránh gì, tất cả đều vì tương lai thôi”.

Ý kiến của bà bị ông Thư thẳng thắn gạt đi mặc dù có lí. Bà Bích thì càng kiên quyết, thuyết phục. Sau bao cuộc nói chuyện chân tình, cuối cùng ông Thư cũng gật đầu chấp thuận.

Ngay sau khi chồng đồng ý, “bà mối” phao tin khắp xã, nhờ luôn bà con làng xóm biết ai góa chồng, khỏe mạnh, nết tốt bảo mình. Bà Bích tính, khi cưới được vợ cho chồng sẽ mang các con về nhà mẹ đẻ, một mình chăm sóc.

Nói thì nhẹ vậy nhưng tìm vợ cho chồng quả không dễ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng ốm dặt dẹo không làm được gì, nghe đến như thế nhiều người phụ nữ ái ngại.

Tình cờ, một người trong họ mách bà về một người phụ nữ ở xã bên, tuổi đã lớn nhưng chưa chồng, tốt người đẹp nết, bà Bích tìm đến. Đó là bà Dương Thị Duệ, nguyên là cán bộ Hợp tác xã Tuyết Nghĩa. Hai bà nói chuyện với nhau, tâm sự chân tình, bà Bích kể về cuộc đời mình, kể về hoàn cảnh hiện tại.

Bà không muốn giấu điều gì bởi cần một người cảm thông, sẵn sàng chịu khổ. Bản thân bà Bích cũng không dám tin người phụ nữ cao ráo, hiểu biết ấy lại đồng ý về làm vợ một gia đình khó khăn như nhà mình.

Lúc đó bà con họ hàng bà Duệ lời ra tiếng vào, những câu khó nghe như: “Bao năm không lấy chồng, giờ lấy một người đã có vợ, có con, lại còn ốm dặt dẹo, chả hiểu nó nghĩ gì…”. Bố mẹ bà thì mặc cho con gái tự quyết. Bỏ qua tất cả, người phụ nữ đó quyết định về làm dâu gia đình bất hạnh.


Bà Dương Thị Duệ cùng cháu đích tôn. Ảnh: Ngọc Thi

Bà Dương Thị Duệ cùng cháu đích tôn. Ảnh: Ngọc Thi


Năm 1985, đám cưới không tiếng pháo, ít tiếng cười, chỉ có những ánh mắt nhìn nhau ái ngại của bà con hai họ với 3 người trong cuộc diễn ra. Gia đình ông Thư làm 2 mâm cơm mời những người thân tín nhất. Ngày cưới, ông Thư ốm nặng, bà Bích đích thân đến đón bà Duệ, hình ảnh hai bà dắt nhau vào cổng đi vào tiềm thức của người dân nơi đây.

Ý định đưa những đứa con tội nghiệp về nhà ngoại của bà Bích không thành vì chồng bà không đồng ý. Biết ý, mấy mẹ con bà Bích ngủ một giường, nhường buồng cho bà Hai. Bao năm qua, họ ăn cùng mâm và cùng chăm sóc gia đình.

Ông trời thương xót, 3 đứa con của ông Thư, bà Duệ sinh ra đều khỏe mạnh. Khi cô con gái út tròn 3 tuổi thì ông Thư qua đời trong một trận ốm đột xuất. Từ ngày chồng nằm dưới suối vàng, gia đình vất vả hơn bởi mất đi tiền trợ cấp. Kinh tế khó khăn nhưng cả hai bà đều đồng lòng mong muốn các con được ăn học tử tế, nên người. Hai cô con gái của bà đều học Cao đẳng. Hiện đã ra trường và đang xin việc.

Sức khỏe bà Bích ngày một yếu, mọi việc nặng nhọc đều do bà Duệ gánh vác. Để có tiền nuôi 7 miệng ăn trong nhà bà phải làm gấp ba, gấp năm lần người khác. Đức hy sinh của bà Duệ đã xa dịu phần nào nỗi đau bà Bích. Các con của của bà Duệ cũng hết mực yêu thương các anh chị tật nguyền.

“Chúng tôi cũng có những bực dọc nhưng chưa bao giờ xảy ra cãi vã, nhìn con cái ngày một trưởng thành, lập gia đinh là niềm an ủi của hai người phụ nữ chúng tôi”, bà Bích tâm sự.

Cuộc sống của bà Bích, bà Duệ có khổ đau xen lẫn ngậm ngùi, nhưng tình người dưới một mái nhà của họ tạo nên một câu chuyện đẹp.

Trường hợp của các nhân vật trong bài viết đã xảy ra từ lâu, trong hoàn cảnh nhất định, không phù hợp với quan niệm và luật pháp ở thời hiện tại.

Theo N.Thi (Gia Đình & Xã Hội)


dị tật bẩm sinh

cưới vợ cho chồng

chuyện tình đẹp

chất độc màu da cam


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.