Cựu Phó TGĐ Faros "lập công lớn" để bóc mẽ thủ đoạn của cựu Chủ tịch FLC

Thời gian là kế toán trưởng Công ty Faros, Phú giúp ông Trịnh Văn Quyết niêm yết bán cổ phiếu ROS. Khi làm việc với cơ quan điều tra, bị can này tích cực hợp tác, thành khẩn khai báo.

Trong vụ án Thao túng thị trường chứng khoán, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS, Công ty cổ phần Xây dựng Faros và các công ty liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố Nguyễn Thiện Phú (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Faros) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo kết luận điều tra, Phú có trình độ hiểu biết về lĩnh vực kế toán, tài chính, chứng khoán. Ngoài việc giữ chức danh là Phó Tổng giám đốc Công ty Faros, Phú còn kiêm kế toán trưởng Công ty Faros từ ngày 27/5/2015 đến ngày 12/8/2016.

Nghe theo chỉ đạo của ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Công ty Tập đoàn FLC) và ông Doãn Văn Phương (Tổng Giám đốc Công ty FLC), Phú đã đứng tên hộ là cổ đông góp vốn bằng cách ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 855.000 cổ phần từ Nguyễn Văn Mạnh (Nhân viên Phòng vật tư Công ty TNHH MTV FLC Land), dù không phát sinh thanh toán.

Sau khi trở thành cổ đông, Phú ký 4 ủy nhiệm chi, chuyển 72,2 tỷ đồng góp vốn vào Công ty Faros. Hành động này, theo kết luận điều tra, cũng chỉ là khống. Thực tế, Phú không góp tiền mà chỉ ký chứng từ, còn thủ tục nộp tiền, chuyển khoản đều do Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) thực hiện.

Cựu Phó TGĐ Faros lập công lớn để bóc mẽ thủ đoạn của cựu Chủ tịch FLC - 1
Bị can Nguyễn Thiện Phú (Ảnh: FLC Faros).

Trước khi niêm yết mã cổ phiếu ROS, Phú đã trả lại toàn bộ số cổ phần đứng tên hộ ông Quyết, chuyển nhượng gần 10 triệu cổ phần mang tên ông Phú cho cựu Chủ tịch FLC.

Với vai trò là kế toán trưởng, Phú bị cáo buộc ký nháy hơn 115 hợp đồng ủy thác đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh khống; ký 94 chứng từ ủy nhiệm chi, giấy rút tiền mặt để Huế làm thủ tục chuyển, rút gần 3.000 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty Faros sang tài khoản của Tập đoàn FLC và các công ty khác.

Mục đích của Huế là quay vòng góp vốn khống, từ 1.125 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Kết luận điều tra cũng chỉ ra, Phú là người ký 3 Báo cáo tài chính, ký bản Cáo bạch, ký cam kết nắm giữ cổ phiếu để làm hồ sơ đề nghị các cơ quan quản lý chấp thuận cho niêm yết cổ phiếu ROS của Công ty Faros trên sàn giao dịch chứng khoán.

Ngoài ra, từ ngày 12/1/2015 đến ngày 25/2/2020, Phú ký 466 ủy nhiệm chi, chuyển hơn 12.200 tỷ đồng từ tài khoản Công ty Faros, Công ty RTS đến tài khoản các công ty khác nhau với nội dung ủy thác đầu tư, đầu tư góp vốn để hợp thức, che giấu số vốn góp khống.

Điều này đã giúp ông Quyết cùng đồng phạm thực hiện hành vi nâng khống vốn điều lệ, niêm yết bán cổ phiếu nhằm chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Sau khi thực hiện hàng loạt các hành vi nêu trên, Phú được chia thưởng 30.000 cổ phiếu, rồi được chia thêm cổ tức là 9.600 cổ phiếu. Ngày 11/5/2021, Phú bán 39.600 cổ phiếu nắm giữ, thu về hơn 260 triệu đồng. Số tiền này, Phú đã tự nguyện nộp lại vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.

Theo kết luận điều tra, Phú thành khẩn khai báo hành vi của bản thân và đồng phạm.

Đặc biệt, bị can này "tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, lập công lớn trong việc làm rõ dòng tiền góp vốn khống để làm rõ bản chất vụ án".

Trong vụ án này, Phú được đánh giá là phạm tội do thực hiện theo chỉ đạo của ông Quyết, vai trò đồng phạm giúp sức.

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tintuconline.com.vn/tags/trinh-van-quyet-219446.vnn

Trịnh Văn Quyết


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.