BS. Nguyễn Minh Tiến – TK Hồi sức tích cực & Chống độc cho biết, cháu bé là con thứ 3, sinh mổ, nằm với mẹ, có biểu hiện sốt 2 ngày, ngày 3 bé lừ đừ, tay chân lạnh, tím, được chẩn đoán theo dõi sốc sốt xuất huyết ngày 3, được truyền dịch chống sốc ban đầu, sau đó chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1.
Tại đây ghi nhận bé lừ đừ, mạch nhanh nhẹ, xét nghiệm chẩn đoán nhanh sốt xuất huyết dương tính. Bé được điều trị truyền dịch chống sốc và được theo dõi tích cực.
Diễn tiến điều trị cho bé khá thuận lợi, bé đáp ứng với truyền dịch, tình trạng rối loạn đông máu rối loạn nhẹ, chỉ có tiểu cầu của bé giảm dần từ 109.000/mm3 xuống thấp nhất 11.000/mm3.
Sau đó tiểu cầu của bé trở về bình thường ở ngày thứ 8 của bệnh (bình thường số lượng tiểu cầu trẻ sơ sinh 150.000 – 400.000/mm3). Kết quả qua gần 1 tuần điều trị, đến nay sức khỏe của bé đã cải thiện dần tỉnh táo, bú khá. Đây là một trường hợp đặc biệt sốt xuất huyết xảy ra ở trẻ sơ sinh 5 ngày tuổi.
Cũng liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận 51.858 trường hợp mắc tại 54 tỉnh, thành phố, 32 trường hợp tử vong. Trong đó, bệnh nhân tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam (36.521 trường hợp mắc chiếm 70,4%, 29 trường hợp tử vong chiếm 90,6%); 78,9% là trẻ dưới 15 tuổi, 83,3% là nữ.
Được biết, dịch SXH không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà dịch bệnh này đang hoành hành trên toàn cầu. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 390 triệu người mắc, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi. SXH chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Từ đầu năm đến nay, SXH vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại một số quốc gia và trong khu vực.