Đập vỡ kính ô tô để đánh ghen: Hành vi nóng nảy, có thể đối diện án phạt tù

Luật sư nhìn nhận, bất luận vì lý do gì, hành vi đập phá cửa kính ô tô là vi phạm pháp luật. Giá trị tài sản hư hại sẽ là căn cứ xác định trách nhiệm pháp lý của người phụ nữ này.

Ngày 20/6, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một người phụ nữ dùng mũ bảo hiểm, đập liên tục vào kính ô tô rồi chui vào trong xe, nghi do đánh ghen. Theo nội dung đăng tải, chủ xe nói dối vợ đi công tác nhưng thực chất là đi cặp bồ và bị vợ phát hiện, chặn đường đánh ghen.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Công an phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) thông tin, vào chiều 20/6, đơn vị có nhận tin báo của người dân về vụ xô xát xảy ra trên địa bàn. Khi cán bộ tới hiện trường, mọi người đã giải tán, chiếc ô tô và những người trong clip cũng không còn ở hiện trường.

Đập vỡ kính ô tô để đánh ghen: Hành vi nóng nảy, có thể đối diện án phạt tù-1
Hình ảnh người phụ nữ dùng mũ bảo hiểm đập vào kính xe ô tô nghi đánh ghen (Ảnh: Hoàng Bảo).

Theo dõi video sự việc, độc giả Dân trí đặt câu hỏi, với hành vi đập phá cửa kính ô tô, người phụ nữ có thể bị xử lý ra sao? Ngoài ra, những người cổ vũ người này đập phá tài sản có thể chịu trách nhiệm trước pháp luật không?

Cần xác định mối quan hệ và vấn đề quyền sở hữu với ô tô bị đập phá

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, theo nội dung đăng tải trong clip thì bất luận vì lý do gì, việc người phụ nữ có hành vi dùng mũ bảo hiểm đập vỡ ô tô vẫn là hành vi không nên thực hiện. Dưới góc độ xã hội, đây là hành động thể hiện sự thiếu kiềm chế, mất kiểm soát, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh bản thân cũng như an ninh trật tự trên địa bàn.

Để có căn cứ xử lý về tội danh này, ngoài giá trị tài sản hư hỏng, ông Giáp cho rằng còn có hai vấn đề quan trọng khác cần làm rõ. Đó là giữa chủ xe và người phụ nữ trên có thực sự có mối quan hệ vợ chồng hay không, và chiếc xe được mua ở thời điểm nào.

Nếu có cơ sở cho thấy giữa hai người có quan hệ hôn nhân và chiếc xe được mua trong giai đoạn này, đây sẽ được coi là tài sản chung của hai vợ chồng. Khi đó, do người phụ nữ có quyền sở hữu đối với chiếc xe, khó có cơ sở để xử lý người này về tội Hủy hoại tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự. Trường hợp này, nếu xử lý hình sự, có thể xem xét trách nhiệm của người này về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự.

Ngược lại, nếu hai người không có mối quan hệ hôn nhân hoặc có quan hệ hôn nhân nhưng chiếc xe là tài sản riêng của người chồng, có cơ sở để xử lý người vợ theo Điều 178.

Dưới góc độ pháp luật, do ô tô là tài sản của người khác nên việc cố tình đập vỡ kính xe là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả gây ra, người phụ nữ này có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

"Cơ quan công an sẽ tiến hành xác minh, định giá phần tài sản bị thiệt hại. Giá trị tài sản thiệt hại sẽ là căn cứ xác định trách nhiệm pháp lý của người phụ nữ này. Cụ thể, nếu giá trị tài sản thiệt hại dưới 2 triệu đồng và không thuộc các trường hợp như người vi phạm từng bị xử phạt hành chính, xử lý hình sự hay hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự địa phương, người phụ nữ này sẽ bị xử phạt về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo khoản 2, Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Mức phạt áp dụng là 3-5 triệu đồng", luật sư Giáp phân tích.

Trường hợp giá trị tài sản từ 2 triệu đồng, luật sư cho rằng người phụ nữ có thể đối diện chế tài hình sự về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, nếu giá trị tài sản thiệt hại từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng, người phạm tội có thể bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp trị giá tài sản từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng, mức phạt áp dụng sẽ là 2-7 năm tù.

Về việc khởi tố theo yêu cầu của người bị thiệt hại, luật sư Giáp cho biết theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định này sẽ chỉ áp dụng với một số tội danh nhất định tại Bộ luật Hình sự 2015. Trong số đó, không có tội Hủy hoại tài sản theo Điều 178 Bộ luật này. Do đó, kể cả trong trường hợp không có yêu cầu của chủ phương tiện, cơ quan chức năng vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự để điều tra nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm trong vụ việc này.

Đối với những người đứng quay clip, cổ vũ người phụ nữ đập phá tài sản, luật sư Giáp cho rằng, chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm pháp lý đối với những người này. Họ có thể không ngăn cản, thậm chí cổ vũ hành vi vi phạm nhưng chưa thể khẳng định vai trò đồng phạm của những người này trong trường hợp vụ việc được xử lý hình sự.

"Từ sự việc trên, có thể thấy việc lên kế hoạch, bày ra các phương án để thực hiện đánh ghen là hành vi rất nguy hiểm. Những hành động đó không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tổn hại về tài sản, sức khỏe cho người khác mà còn có thể khiến chính người thực hiện hành vi vướng vòng lao lý.

Do đó, khi gặp phải những tình huống tương tự, người trong cuộc cần hết sức kiềm chế, hiểu biết và phải suy nghĩ đến những hậu quả pháp lý có thể xảy ra", luật sư Giáp khuyến cáo.

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/ban-doc/dap-vo-kinh-o-to-de-danh-ghen-hanh-vi-nong-nay-co-the-doi-dien-an-phat-tu-20230622071830784.htm?fbclid=IwAR1aPBJgjjkMzoc5FF4cs8AHgFtWTJFhqjRMAtaun0W25iy9fj1P9Gb6w1s

đánh ghen


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.