Dấu hiệu hình sự vụ bé trai 9 tuổi chậm phát triển nghi bị bạo hành

Theo luật sư, nếu cô giáo bị kết luận có hành vi bạo hành cháu bé, người này có thể bị xử phạt 10-20 triệu đồng hoặc xử lý hình sự về tội Hành hạ người khác.

Như đã đưa tin, ngày 26/6, Công an phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân (Hà Nội), tiếp nhận thông tin và giao cán bộ phụ trách hình sự xác minh sự việc một bé trai 9 tuổi chậm phát triển nghi bị bảo mẫu bạo hành.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị V.A. (mẹ cháu bé) cho biết con trai bị tự kỷ. Qua các hội nhóm trên mạng xã hội, chị tìm được cô giáo tên Th. (28 tuổi), được giới thiệu là thạc sĩ chuyên ngành sư phạm, để gửi con.

Chị A. cho biết tới trước ngày 20/6, con trai không có biểu hiện bất thường nhưng tới ngày này, chị phát hiện cơ thể con trai có nhiều vết bầm tím, đặc biệt ở mông. Ngoài ra, cháu bé còn có dấu hiệu hoảng loạn, sợ hãi.

Dấu hiệu hình sự vụ bé trai 9 tuổi chậm phát triển nghi bị bạo hành-1
Phần mông bị bầm tím của cháu bé (Ảnh: MXH).

Ban đầu, chị A. cho biết cô giáo nói con bị ngã. Tuy nhiên, qua tham khảo nhiều người, chị khẳng định con trai bị đánh. Tới ngày 21/6, qua trao đổi, chị cho biết cô Th. đã thừa nhận đánh bé trai và được yêu cầu viết cam kết không đánh con nữa. Vài ngày sau, do bé trai vẫn khẳng định bị 2 cô giáo đánh nên chị A. tố giác sự việc với cơ quan công an.

Độc giả Dân trí đặt câu hỏi, với hành vi này, cô giáo có thể bị xử lý hình sự hay không?

Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 4 Luật Trẻ em 2016 quy định bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Theo thông tin mẹ bé trai chia sẻ, cô Th. đã đánh đập, xâm hại sức khỏe cháu bé nên đây là hành vi có dấu hiệu bạo lực trẻ em, căn cứ quy định của Luật Trẻ em 2016.

Trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục củng cố lời khai để làm rõ tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi này. Tùy thuộc các căn cứ trên, cô giáo có thể bị xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dưới góc độ hành chính, hành vi bạo hành trẻ em nếu không gây ra thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân thì người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt 10-20 triệu đồng về hành vi Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, căn cứ khoản 1, Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Dấu hiệu hình sự vụ bé trai 9 tuổi chậm phát triển nghi bị bạo hành-2
Luật sư Lưu Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm).

Dưới góc độ hình sự, luật sư Trang cho rằng cần làm rõ nhiều vấn đề như thực sự có hành vi đánh đập đối với cháu bé hay không; nếu có, cô giáo đã bạo hành bé bằng hình thức nào, tác động vào những bộ phận nào trên cơ thể, tần suất, cường độ lực tác động ra sao hay ý chí chủ quan của cô giáo khi bạo hành bé là gì?...

Tùy thuộc kết quả xác minh của cơ quan chức năng, trong trường hợp xử lý hình sự, cô giáo có thể bị xem xét các tội danh theo Bộ luật Hình sự 2015 như Hành hạ người khác (Điều 140), Cố ý gây thương tích (Điều 134) hay Giết người (Điều 123). Ngoài ra, người thực hiện hành vi hành hạ, ngược đãi đối với trẻ em còn phải bồi thường cho cha mẹ hoặc người giám hộ của các bé số tiền để bù đắp những tổn thất vật chất thực tế và tổn thất tinh thần.

Còn luật sư Tạ Anh Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia luật và liên danh) nhìn nhận, dưới góc độ khoa học pháp lý, để hành vi cấu thành tội Hành hạ người khác cần có 4 yếu tố cấu thành như sau:

Về mặt khách thể, người thực hiện hành vi đã đánh đập, dùng lời lẽ dọa nạt, uy hiếp tinh thần, xâm phạm đến quyền được bảo hộ đến tính mạng, sức khỏe, tự do, danh dự của người bị lệ thuộc là các cháu ở tuổi mầm non được Luật Trẻ em bảo vệ.

Về mặt khách quan, cô giáo thực hiện hành vi bạo lực như dùng chân tay, vật dụng khác để đánh đập bé, dùng lời lẽ dọa nạt, uy hiếp, gây đau đớn về thể xác, đè nén, áp bức về mặt tinh thần, khiến cháu lo sợ, hoảng loạn.

Về mặt chủ thể, người thực hiện hành vi phạm tội từ đủ 16 tuổi trở lên còn nạn nhân phải là người bị lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần, công việc, giáo dục hay tín ngưỡng…

Về mặt chủ quan, hành vi được thực hiện với lỗi cố ý.

Từ những phân tích trên, luật sư Tuấn nhìn nhận theo lời kể của mẹ cháu bé, hành vi có dấu hiệu của tội Hành hạ người khác. Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục thu thập lời khai, củng cố chứng cứ để làm rõ dấu hiệu hình sự trong vụ việc này.

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/ban-doc/dau-hieu-hinh-su-vu-be-trai-9-tuoi-cham-phat-trien-nghi-bi-bao-hanh-20230704040733402.htm?fbclid=IwAR3zKlI1TzEkK9yq5Fa6bBmk6gf-lopRtim4tQUl9QwsFkhRoWr1I6skc1Y

bạo hành trẻ em


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.