Đề xuất mới của Bộ Công an về ‘cấm tiếp xúc’, ngăn chặn bạo lực gia đình

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư Quy định công tác giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, với nhiều điểm mới. Theo quan điểm của luật sư, đây là việc cần thiết giúp tạo nên hành lang pháp lý vững vàng, bảo vệ tốt hơn cho các nạn nhân và ngăn chặn hiệu quả các hành vi bạo lực gia đình.


Đề xuất mới của Bộ Công an về ‘cấm tiếp xúc’, ngăn chặn bạo lực gia đình-1Bé gái 12 tuổi bị bạo hành trong gia đình xảy ra ở Hà Nội.

Theo Bộ Công an, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 đã có những bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ nạn nhân, trong đó việc quy định về biện pháp cấm tiếp xúc đóng vai trò then chốt.

Để bảo đảm biện pháp cấm tiếp xúc được thực hiện có hiệu quả, việc giám sát đóng vai trò rất quan trọng, góp phần ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình tái diễn; bảo vệ trực tiếp tính mạng, sức khỏe của nạn nhân; bảo đảm thực thi nghiêm minh pháp luật và góp phần xây dựng môi trường gia đình an toàn, lành mạnh. Việc giám sát cần được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, cần có sự phối hợp giữa các bên liên quan.

Giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc là biện pháp quan trọng bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình. Việc thực hiện hiệu quả công tác giám sát sẽ góp phần đẩy lùi bạo lực gia đình, xây dựng xã hội văn minh, an toàn.

Xuất phát từ các lý do trên, căn cứ quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 việc xây dựng và ban hành Thông tư “quy định công tác giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình” là cần thiết, bảo đảm việc thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc theo quy định của Luật có hiệu quả.

Dự thảo thông tư có nhiều điểm mới, cụ thể là ngay khi nhận được quyết định cấm tiếp xúc của Chủ tịch UBND cấp xã, trong thời hạn 6 giờ làm việc và trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định cấm tiếp xúc của Tòa án nhân dân đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa người bị bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình, công an xã, phường, thị trấn phải ra quyết định phân công người giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc sau khi trao đổi với Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố và tổ chức có liên quan ở cơ sở.

Việc ra quyết định phân công người giám sát phải căn cứ vào nhân thân, điều kiện, hoàn cảnh của người bị giám sát; căn cứ vào nhân thân, điều kiện, hoàn cảnh, năng lực và khối lượng công việc của người được phân công giám sát. Một người có thể được phân công giám sát nhiều người nhưng không quá 3 người trong cùng một thời điểm.

Trong quá trình thực hiện giám sát, nếu người giám sát không có điều kiện để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được phân công thì Trưởng Công an xã phải kịp thời phân công người khác thay thế.

Dự thảo cũng nêu rõ, khi phát hiện hành vi vi phạm quyết định cấm tiếp xúc thì người được phân công giám sát báo ngay cho công an cấp xã tiến hành kiểm tra, xác minh và lập biên bản...

Nêu quan điểm cá nhân, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch khẳng định không thể phủ nhận Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ nạn nhân khỏi những tổn hại và dập tắt khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế từ những thành viên khác trong gia đình, phản ánh sự quan tâm của Nhà nước đối với việc bảo vệ quyền con người và xây dựng môi trường gia đình an toàn, bình đẳng.

Tuy nhiên, sau một thời gian thi hành đã bộc lộ nhiều hạn chế và khó khăn trong thực tiễn. Đặc biệt là việc giám sát và ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình tiếp diễn vẫn còn vấp phải nhiều rào cản, chưa được hướng dẫn cụ thể, dẫn đến một số vụ việc chưa được can thiệp kịp thời.

"Việc xây dựng và ban hành Thông tư “quy định công tác giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình” là cần thiết nhằm cũng cố khung pháp lý trong việc bảo vệ nạn nhân và ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình tái diễn" - luật sư Tuấn Anh nói và cho biết, Thông tư không chỉ đảm bảo về tính nghiêm minh của pháp luật mà còn bảo vệ trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe nạn nhân, tạo điều kiện để họ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Đề xuất mới của Bộ Công an về ‘cấm tiếp xúc’, ngăn chặn bạo lực gia đình-2Luật sư Trần Tuấn Anh.

Nhiều cải tiến tích cực, hành lang pháp lý rõ ràng

Theo luật sư Tuấn Anh, dự thảo Thông tư mang trong mình những cải tiến vô cùng quan trọng, góp phần điều chỉnh sâu rộng và hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, thông tư đã quy định rõ ràng về công tác giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của các đối tượng cần bảo vệ, đồng thời điều khoản này thể hiện sự liên kết chặt chẽ với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành giúp việc triển khai được thực hiện hiệu quả và tuân thủ nghiêm túc.

Trong đó, việc quy định phân công người giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc đã cụ thể hơn về trình tự thực hiện khi đã quy định rõ về thời hạn để đưa ra quyết định giám sát trong thời gian 6 giờ làm việc kể từ khi nhận được quyết định cấm tiếp xúc của Chủ tịch UBND cấp xã và trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định cấm tiếp xúc của Tòa án nhân dân đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa người bị bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình. Công an xã phải đưa ra Quyết định phân công người giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc sau khi trao đổi với Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố và tổ chức có liên quan ở cơ sở. Điều này vừa giúp thúc đẩy quá trình thực thi lệnh cấm tiếp xúc được thực hiện nhanh chóng vừa phù hợp với tính chất khẩn cấp của các vụ bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, việc đặt ra tiêu chuẩn để phân công người giám sát phải đáp ứng được yêu cầu về nhân thân, điều kiện hoàn cảnh của người bị giám sát cũng như năng lực, hoàn cảnh, khối lượng công việc của người được phân công giám sát và giới hạn số lượng người giám sát được đánh giá là vô cùng sáng tạo, điều này giúp chọn lựa người giám sát phù hợp, đảm bảo tính hiệu quả trong công tác giám sát và tránh gây quá tải.

Luật sư Tuấn Anh cho biết, điểm mới tiếp theo của Thông tư là việc yêu cầu xây dựng, phê duyệt và ban hành kế hoạch thực hiện việc giám sát. Việc yêu cầu lập kế hoạch chi tiết giúp đảm bảo rằng công tác giám sát có cấu trúc rõ ràng, có định hướng và không mang tính hình thức. Kế hoạch giám sát sẽ dự liệu các tình huống có thể xảy ra và biện pháp xử lý, từ đó nâng cao tính hiệu quả và độ chính xác của công tác giám sát. Đồng thời, kế hoạch này cũng là một tài liệu quan trọng giúp cơ quan chức năng theo dõi và điều chỉnh quá trình giám sát khi cần thiết.

Ngoài ra, việc xử lý khi người bị giám sát vi phạm quyết định cấm tiếp xúc cũng được quy định vô cùng chặt chẽ giúp tăng cường hiệu quả và tính răn đe của lệnh cấm.

Trước đây, theo quy định tại Khoản 2 điều 27 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, khi phát hiện người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc, người được phân công giám sát phải tự yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện nghiêm quyết định cấm tiếp xúc, trường hợp tiếp tục vi phạm mới báo cho Trưởng Công an xã xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhưng theo như thông tư quy định, nếu người bị giám sát có hành vi vi phạm, người được phân công giám sát phải báo cáo ngay cho Công an xã tiến hành kiểm tra, xác minh và lập biên bản. Điều này rất quan trọng trong việc ngăn chặn các hành vi bạo lực tiếp tục xảy ra hoặc leo thang. Những biện pháp xử lý từ báo cáo, tạm giữ hành chính đến xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm, đều là những cơ chế bảo vệ thiết yếu cho nạn nhân. Quy định này không chỉ thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật mà còn tăng cường trách nhiệm cá nhân, góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho mọi thành viên trong gia đình.

Việc quy định rõ về trình tự kết thúc giám sát trong các trường hợp cấm tiếp xúc liên quan đến bạo lực gia đình cũng là một điểm mới đáng chú ý, nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của các bên liên quan... Quy định này đảm bảo quá trình giám sát được thực hiện một cách nghiêm túc, có sự kiểm soát chặt chẽ từ nhiều cấp độ, đồng thời duy trì tính kịp thời và nhất quán trong quá trình giám sát.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp thực hiện việc giám sát, nhìn chung, Điều 11, 12, 13 và 14 dự thảo Thông tư này đã phân định rõ ràng trách nhiệm của từng bên trong việc phối hợp giám sát, tạo ra một hệ thống giám sát đồng bộ, hiệu quả và đảm bảo tính khả thi trong thực hiện việc giám sát.

Theo quan điểm cá nhân của luật sư Tuấn Anh, so với trước đây, dự thảo Thông tư này có thể mang đến nhiều cải tiến tích cực, giúp tạo nên hành lang pháp lý vững vàng, bảo vệ tốt hơn cho các nạn nhân và ngăn chặn hiệu quả các hành vi bạo lực gia đình. Những cải tiến này không chỉ thể hiện sự tiến bộ trong tư duy lập pháp mà còn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/de-xuat-moi-cua-bo-cong-an-ve-cam-tiep-xuc-ngan-chan-bao-luc-gia-dinh-post1687832.tpo

bạo lực gia đình


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.