Đi chợ hộ và muôn vàn tình huống oái oăm: Bộ đội, TNV vẫn bị "bom hàng", mất tiền như thường vì "thử đặt xem có được đi chợ hộ thật không"!?

Nhiều tình huống hết sức "bất đắc dĩ" đã xảy ra trong những ngày triển khai mô hình đi chợ hộ tại TP.HCM.

Trong những ngày vừa qua, TP.HCM đang triển khai mô hình "đi chợ hộ" trong phương án siết chặt giãn cách "ai ở đâu ở yên đó". Người dân sẽ được hỗ trợ tối đa việc cung ứng lương thực thực phẩm tại nhà, hạn chế tối đa việc ra ngoài khi không cần thiết. 

Tuy nhiên, do mới triển khai cũng như nhiều yếu tố khách quan khác, mô hình còn một số lúng túng, nảy sinh những tình huống "bất ngờ" mà cả cán bộ đi mua hàng hộ lẫn người dân không mong muốn.

Dân nhắn tin "cháy máy", cán bộ canh điện thoại "chốt đơn" xuyên đêm

Do địa bàn rộng cùng với số lượng cư dân đông nên dù có sử dụng, kết hợp các ứng dụng công nghệ thì công việc của các chiến sĩ, tình nguyện viên vẫn rất vất vả. Hàng ngày, các tổ chốt đơn sẽ làm việc tại nhà để nghe điện thoại tiếp nhận thông tin từ người dân và lên đơn. Sau đó, tổ giao hàng mang đơn đến các siêu thị, phối hợp cùng nhân viên siêu thị lựa chọn, thanh toán và giao đến tận tay người dân.

Đi chợ hộ và muôn vàn tình huống oái oăm: Bộ đội, TNV vẫn bị bom hàng, mất tiền như thường vì thử đặt xem có được đi chợ hộ thật không!?-1
Công việc thống kê đơn hàng của người dân rất vất vả, đặc biệt tại những khu vực chưa ứng dụng công nghệ. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên không phải khu vực nào cư dân cũng sử dụng công nghệ. Trong những trường hợp như vậy, cán bộ phụ trách in các mẫu yêu cầu, phát tay cho người dân. Người dân sau khi điền xong sẽ chụp lại và gửi lại một lần nữa cho các đầu mối đi chợ hộ. Cách làm này tốn khá thời gian, vừa cực công cho các cán bộ phụ trách.

Nhưng dù theo phương thức nào, thì nhu cầu của người dân vẫn rất lớn, các đơn hàng liên tục được gửi đến "cháy máy", cán bộ phụ trách phải liên tục canh chừng điện thoại để tránh bị sót đơn theo yêu cầu.

Đi chợ hộ và muôn vàn tình huống oái oăm: Bộ đội, TNV vẫn bị bom hàng, mất tiền như thường vì thử đặt xem có được đi chợ hộ thật không!?-2
Đơn hàng dày cộp mà cán bộ phụ trách phải hoàn thành giúp người dân. Ảnh minh họa.

Thử đặt chơi chơi xem có được đi chợ hộ thật không?

Cả đêm vất vả "chốt đơn", chọn hàng, những tưởng công việc của tổ "đi chợ hộ" sẽ thuận lợi vì chỉ còn khâu cuối cùng là "giao hàng" thế nhưng chính công đoạn này khiến nhiều cán bộ phụ trách lo lắng bởi họ đối mặt với nguy cơ bị "bom hàng" và mất tiền với những lý do hết sức "bất đắc dĩ".

Không đâu xa, vào chiều 23/8, chị A. nhận được đơn mua thuốc gấp từ một phụ huynh có con bị đau bụng dữ dội. Chị ghé nhiều nhà thuốc hỏi mua nhưng đều không có loại thuốc như yêu cầu. Chạy đi tìm rất lâu chị mới thấy đúng loại thuốc đó. 

Trên đường giao hàng, chị nhận được cuộc gọi từ người dân báo không cần mua nữa vì họ đã tự tìm được. Trong trường hợp này, cũng có thể "thông cảm" cho người dân vì tình huống cấp bách. Thế nhưng trường hợp dưới đây lại khiến nhiều người không khỏi bất bình, bức xúc thay các cán bộ đi chợ hộ.

Đi chợ hộ và muôn vàn tình huống oái oăm: Bộ đội, TNV vẫn bị bom hàng, mất tiền như thường vì thử đặt xem có được đi chợ hộ thật không!?-3
Cán bộ phụ trách đối mặt với nguy cơ bị bom hàng vì nhiều lí do hết sức "bất đắc dĩ". Ảnh minh họa.

Theo đó, một tổ đi chợ hộ khác đã bị "bom" đơn hàng có giá trị hơn 400.000 đồng. Đứng trước cổng chung cư người nhận, dù cán bộ phụ trách gọi điện hàng chục cuộc nhưng vẫn không được phản hồi. Mãi đến chiều cùng ngày, người đặt đơn mới nhắn tin xin lỗi với lý do "đặt thử xem có được đi chợ hộ thật không", chứ không muốn mua hàng.

Đây cũng là một trong nhiều "lúng túng" mà mô hình đi chợ hộ đang gặp phải. Khi nhận đi chợ hộ, cán bộ phụ trách sẽ tự trả tiền trước cho các đơn hàng. Đến khi người dân nhận được, họ mới chuyển khoản trả lại. Vì thế, nguy cơ bị bùng đơn là vấn đề thường trực. Hơn nữa, các đơn hàng thường có giá trị cao. 

Bị lừa tiền chuyển tiền đi chợ hộ

Ngày 24/8 vừa qua, Sở Công Thương TP.HCM phát lên thông báo về việc có dấu hiệu lừa đảo người dân chuyển tiền đăng ký mua hàng để được "đi chợ hộ" trong thời điểm siết chặt giãn cách theo nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó".

Theo đó, đã có rất nhiều trường hợp tại phường 11, Quận 3 đã bị một tài tài khoản MXH có tên Nguyễn Văn Công lừa chuyển tiền 500.000 đồng/người.

Trước sự việc này, UBND phường 11 cho biết, nhóm "Đi chợ giúp dân" do Hội Liên hiệp phụ nữ phường lập ra nhằm hỗ trợ người dân mua nhu yếu phẩm. Số điện thoại, số tài khoản của người phụ trách "đi chợ hộ" được đăng tải cụ thể. Thế nhưng các đối tượng xấu vẫn thực hiện hành vi lừa đảo người dân.

Đi chợ hộ và muôn vàn tình huống oái oăm: Bộ đội, TNV vẫn bị bom hàng, mất tiền như thường vì thử đặt xem có được đi chợ hộ thật không!?-4
Nhiều người dân tại TPHCM đã bị tài khoản Nguyễn Văn Công lừa chuyển tiền (Ảnh: Đ.V).

Ngoài ra, theo lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM cho biết, trong ngày thứ 2 TP siết chặt giãn cách xã hội theo nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó", có 74.033 hộ dân đăng ký đơn hàng để cơ quan chức năng hỗ trợ mua giúp, trong tổng số hơn 2.18 triệu hộ dân toàn TP.

Số đơn hàng tăng 50.385 hộ so với ngày đầu tiên.


Theo Nhịp Sống Việt 

Xem link gốc Ẩn link gốc http://nhipsongviet.toquoc.vn/di-cho-ho-va-muon-van-tinh-huong-oai-oam-bo-doi-tnv-van-bi-bom-hang-mat-tien-nhu-thuong-vi-thu-dat-xem-co-duoc-di-cho-ho-that-khong-22202127861521613.htm

đi chợ hộ

Covid-19


Người đàn ông bị đánh hội đồng dã man tại cây xăng
Công an thành phố Lai Châu đang điều tra vụ việc người đàn ông bị đánh hội đồng dã man ở một cây xăng trên địa bàn. Người dân và cộng đồng mạng rất bất bình về tính côn đồ, hung hãn của nhóm người sau khi clip được chia sẻ trên mạng xã hội.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.