'Đi suốt đêm chưa tìm hết người tiếp xúc với bệnh nhân 714 ở Hà Nội'

Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết lực lượng y tế các xã, phường được huy động để rà soát toàn bộ người tiếp xúc với bệnh nhân 714 nhưng vẫn chưa hết do lịch di chuyển dày đặc.

Sáng 6/8, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông tin Việt Nam có 4 bệnh nhân mắc Covid-19 mới. Các trường hợp này đều liên quan Đà Nẵng. Trong số này, Hà Nội có 1 bệnh nhân và là ca mắc thứ 3 ngoài cộng đồng từ đầu tháng 7 đến nay.

Bệnh nhân 714 là B.Đ.T. (nam, 42 tuổi), ở Hà Nội, nhân viên điều hành xe buýt. Ông từng đi du lịch cùng gia đình tại Đà Nẵng từ ngày 14-17/7. Ngày 19/7, bệnh nhân sốt nhẹ, viêm họng. Ngày 4/8, ông được lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Đông Anh, Hà Nội) và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Đi suốt đêm chưa tìm hết người tiếp xúc với bệnh nhân 714 ở Hà Nội-1
Ca bệnh 714 được đánh giá có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao. Ảnh: Việt Linh.

Trao đổi với Zing, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC), đánh giá đây là trường hợp rất đáng ngại. Bệnh nhân này có biểu hiện bệnh từ rất sớm (ngày 19/7) nhưng đến ngày 5/8 mới được xác định dương tính và cách ly. Tức là bệnh nhân có khoảng 2 tuần di chuyển ngoài cộng đồng.

Từ khi về Hà Nội cho đến khi được cách ly, ông T. đến nhiều nơi đông người như liên hoan với bạn tại 168 Trần Vỹ, Mai Dịch và hát karaoke tại A99 Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm.

Từ ngày 3-4/8, bệnh nhân đến rất nhiều bệnh viện như Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an (tại Trung Văn, Nam Từ Liêm), Bệnh viện Hà Đông, Bệnh viện Phổi Hà Nội rồi sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2 xét nghiệm, cách ly.

Bệnh nhân đi nhiều nơi tại quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm với lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc rất nhiều người. "Người này đi rất nhiều nơi, lực lượng y tế, cán bộ của các xã, phường toàn thành phố đi suốt đêm qua để rà soát mà vẫn chưa hết được số trường hợp tiếp xúc", ông Tuấn nói.

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp ban chỉ đạo tối 4/8, đây là trường hợp có nhiều nguy cơ. Người bệnh về từ Đà Nẵng, có triệu chứng thoáng qua nhưng không chuyển biến nặng khiến bệnh nhân chủ quan không xét nghiệm.

Bên cạnh đó, kết quả test nhanh cho âm tính nên bệnh nhân không có các biện pháp bảo hộ, đeo khẩu trang. Đến ngày 3/8, khi chụp X-quang thì phổi đã có nốt mờ. "Người này trước đó có thể đã ủ bệnh trong người, chụp X-quang có nốt mờ thì có nghĩa là lượng virus rất nhiều, khi đi lại lây lan càng dễ và càng nguy hiểm", người đứng đầu TP phân tích.

Trước các diễn biến phức tạp của dịch, ông Chung yêu cầu xét nghiệm lại toàn bộ người về từ Đà Nẵng từ ngày 15/7 bằng phương pháp RT-PCR, kể cả đối với người đã có kết quả âm tính qua test nhanh. Ông nhấn mạnh test nhanh chỉ có kết quả tương đối và tỷ lệ chính xác chỉ khoảng 70%. Người có biểu hiện sốt, ho, khó thở phải báo ngay cho các cơ sở y tế để được theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm.

Đánh giá về vết mờ trên phổi của bệnh nhân 714, ông Khổng Minh Tuấn cho rằng chưa thể khẳng định đây là các tổn thương do Covid-19 gây ra. Ông cho rằng bất kỳ loại viêm phổi nào, hoặc một số bệnh liên quan đến đường hô hấp cũng có thể để lại các vết mờ phát hiện thông qua chụp X-quang.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/di-suot-dem-chua-tim-het-nguoi-tiep-xuc-voi-benh-nhan-714-o-ha-noi-post1116137.html?fbclid=IwAR3Y09fJj14EdiaFIV3UlLIVXWXZ1WWaoDVV8jr8URVGFIyIsh7BGfJ0gfE

Covid-19

dịch bệnh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.