Đồng phạm Nguyễn Thái Luyện mong không bị "chôn vùi thanh xuân"

Các bị cáo khóc xin được xem xét giảm nhẹ hình phạt vì mức án tù mà đại diện VKSND TP HCM đề nghị có thể "chôn vùi tuổi thanh xuân" của họ.

Sáng 20-12, phiên tòa xét xử Nguyễn Thái Luyện (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Alibaba) cùng 22 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền" tiếp tục với phần tranh luận.

Trước đó, VKSND TP HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt các đồng phạm của Nguyễn Thái Luyện về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" từ 13-30 năm tù.

Lần lượt bào chữa cho các bị cáo, các luật sư cho rằng mức hình phạt được đề nghị là quá nặng so với vai trò của các đồng phạm. Theo các luật sư, dù giữ nhiều chức danh lãnh đạo của Công ty Alibaba cũng như nhiều công ty con trong hệ thống nhưng bản chất các bị cáo làm công ăn lương, hưởng lương như lương nhân viên, thể hiện vai trò "hữu danh vô thực". Chưa kể, các bị cáo có tuổi đời rất trẻ, không hiểu biết nhiều về pháp luật, nhất là những điều luật phức tạp như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản…

Luật sư của bị cáo Huỳnh Thị Ngọc Như (cựu Giám đốc đào tạo Công ty Alibaba) nói rằng các bị cáo chỉ nghĩ bản thân làm việc để cống hiến cho công ty dưới sự chỉ đạo của Luyện chứ không biết được những việc mình làm là phạm pháp.

Luật sư của bị cáo Đào Thị Thanh Lợi (cựu Phó tổng giám đốc phụ trách đào tạo) cho rằng VKS chưa cá thể hóa trách nhiệm của từng bị cáo. Về thân chủ của mình, luật sư cho rằng bị cáo Lợi có nhân thân tốt, sinh ra trong gia đình lao động thuần nông nghèo, "lỡ sa chân" vào Công ty Alibaba chứ không quyết tâm phạm tội như lập luật của VKSND TP HCM.

Đồng phạm Nguyễn Thái Luyện mong không bị chôn vùi thanh xuân-1
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện (bìa phải) và đồng phạm.

Bào chữa bổ sung, nhiều bị cáo khóc, xin HĐXX xem xét vì các bị cáo có nhân thân tốt.

Trước toà, bị cáo Huỳnh Thị Ngọc Như không cầm được nước mắt, nghẹn ngào kể về hoàn cảnh bản thân. Bị cáo nói dù sinh ra trong gia đình bần nông ở quê nghèo nhưng từ nhỏ đã được cha mẹ dạy dỗ về "nhân, nghĩa, lễ, trí, tín", phải sống sao để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội; không trở thành gánh nặng. Bị cáo ghi nhớ và luôn nỗ lực phấn đấu để gia đình "nở mày, nở mặt" chứ không có ý chí làm việc trái pháp luật, không ngờ tới thời điểm này bị cáo có mặt tại đây.

"Là người con ngoan trong gia đình chưa bao giờ nghĩ sẽ đứng đây. Nếu ban đầu bị cáo biết việc mình làm là sai, bị cáo không bao giờ làm để ba bị cáo ở suối vàng phải hổ thẹn với ông bà, đề mẹ đã hơn 70 tuổi phải hổ thẹn với hàng xóm, láng giềng" – Ngọc nói.

Luật sư của bị cáo Đào Thị Thanh Lợi cho biết dưới tác động của bị cáo, gia đình đã gom góp 10 triệu đồng trả cho bị hại. Luật sư nói số tiền này không thấm vào đâu đối với thiệt hại của vụ án nhưng là có giá trị rất lớn đối với gia đình bị cáo Lợi vì hoàn cảnh cha mẹ bị cáo rất nghèo.

Đào nói bị cáo từng học Quản trị kinh doanh, sau khi ra trường thì về làm tại Công ty Alibaba. Vì thấy môi trường làm việc năng động, phù hợp với bản thân nên phấn đấu lên vị trí cao hơn. Nhìn thấy nỗ lực của bị cáo, Nguyễn Thái Luyện tin tưởng cho đứng tên đất và ký các hợp đồng chuyển nhượng. Bị cáo nói bản thân không nhận lợi ích gì.

"Đối với một người trẻ tuổi không am hiểu pháp luật, không biết những hành vi của mình phạm pháp, cả tuổi trẻ chỉ biết đi làm để cống hiến nhiều cho công ty thì mức án tù từ 13-14 năm là chôn vùi cả tuổi thanh xuân" - bị cáo nói.

Theo Người lao động

Xem link gốc Ẩn link gốc https://nld.com.vn/phap-luat/dong-pham-nguyen-thai-luyen-mong-khong-bi-chon-vui-thanh-xuan-20221220132218636.htm

Nguyễn Thái Luyện


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.