Dùng điện thoại khi đang cắm sạc: Hành động tự sát

Nhiều người có thói quen sử dụng điện thoại khi đang cắm sạc, tuy nhiên, đây là một thói quen hết sức nguy hiểm, có thể dẫn đến những tai nạn chết người.

Dùng điện thoại khi đang cắm sạc: Hành động tự sát-1

Những tai nạn nghiêm trọng, thậm chí chết người vì dùng smartphone khi đang cắm sạc

Những năm gần đây ghi nhận nhiều vụ giật điện, cháy, nổ vì sử dụng smartphone khi đang cắm sạc. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, trong vài năm gần đây đã có hàng loạt trường hợp điện thoại bị rò điện, cháy nổ trong lúc đang cắm sạc khiến người dùng bị thương nặng, thậm chí tử vong.

Trường hợp gần đây nhất xảy ra vào ngày 6/8 tại Bắc Giang, khi người phụ nữ 37 tuổi đã phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương nghiêm trọng vì điện thoại phát nổ trong lúc đang cắm sạc.

Dùng điện thoại khi đang cắm sạc: Hành động tự sát-2
Nữ bệnh nhân 37 tuổi bị hỏng mắt, cụt tay và chịu nhiều vết thương vì smartphone đang sạc bất ngờ phát nổ (Ảnh: Hồng Hải).

Nữ bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trong tình trạng thương tích toàn thân và nguy hiểm đến tính mạng. Chồng bệnh nhân cho biết tai nạn xảy ra khi vợ đang ở một mình trong phòng. Khi điện thoại hết pin, bệnh nhân vừa cắm sạc vừa sử dụng và smartphone bất ngờ phát nổ.

Vụ nổ khiến bệnh nhân bị vỡ nhãn cầu mắt phải; dập nát bàn tay phải; dị vật cắm sâu vào khí quản; vùng hàm, mặt, bụng, ngực, 2 đùi cũng chi chít vết thương… Các bác sĩ đã phải tiến hành phẫu thuật cắt cụt các ngón tay ở bàn tay phải, múc nhãn cầu khiến bệnh nhân mất thị lực mắt phải…

Trước đó, vào ngày 14/10/2021, một nam sinh lớp 5 tại Nghệ An đã tử vong vì smartphone đang cắm sạc bất ngờ phát nổ khi em này đang học online.

Vào ngày 15/6/2020, một vụ tai nạn chết người khác xảy ra tại huyện Kim Bôi (Hòa Bình), khiến anh Q.V.A (sinh năm 1993) tử vong. Người thân phát hiện anh A. tử vong tại phòng khách của gia đình, chiếc điện thoại bị nổ dính vào vùng ngực của nạn nhân.

Dùng điện thoại khi đang cắm sạc: Hành động tự sát-3
Hiện trường vụ tai nạn khiến nạn nhân tử vong tại Hòa Bình ngày 15/6/2020.

Cơ quan chức năng sau đó xác định, nguyên nhân khiến anh A. tử vong là do vừa sạc pin vừa sử dụng điện thoại, thiết bị bất ngờ phát nổ khiến nam thanh niên 27 tuổi tử vong.

Đầu tháng 10/2019, một tai nạn tương tự đã xảy ra tại huyện Đam Rông (Lâm Đồng), khi người dân phát hiện Phạm Thế T. (18 tuổi) tử vong bên cạnh chiếc điện thoại iPhone bị nổ. Nguyên nhân được xác định thanh niên này vừa sử dụng điện thoại vừa sạc pin, điện thoại bất ngờ phát nổ khiến nạn nhân bị chấn thương nặng dẫn đến tử vong.

Trước đó một tháng, vụ tai nạn khác xảy ra tại huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi), khiến cho L.V.G chết trên giường ngủ. Bên cạnh G. là chiếc điện thoại đang cắm sạc bị cháy đen, trên ngực và bàn tay nạn nhân cũng có vết cháy. Kết quả điều tra cho thấy L.V.G sử dụng điện thoại trong lúc đang cắm sạc và thiết bị đã nổ khiến nạn nhân bị giật điện tử vong.

Dùng điện thoại khi đang cắm sạc: Hành động tự sát-4
Chiếc điện thoại của anh L.V.G. sau khi bị nổ khiến anh này tử vong.

Đầu tháng 7/2019, Phùng Văn C. (sinh năm 1998), trú tại thôn Nà Làng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) sử dụng điện thoại di động đang cắm sạc để nhắn tin trao đổi với người thân thì thiết bị bất ngờ phát nổ, rơi xuống ngực làm anh C. bị thương. Ngay khi phát hiện sự việc, người thân đã đưa anh C. đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, nạn nhân đã tử vong.

Ngoài những trường hợp tai nạn dẫn đến chết người, có không ít trường hợp điện thoại phát nổ khi đang cắm sạc khiến nạn nhân bị dập nát tay hoặc bị thương tích nặng.

Chẳng hạn như trường hợp xảy ra tại Lâm Đồng vào cuối tháng 5/2021, khi bệnh nhân Lương Thanh D. (37 tuổi) đã bị dập nát tay do smartphone đang cắm sạc bất ngờ phát nổ.

Vào cuối tháng 11/2019, một bệnh nhân 16 tuổi sống tại Thanh Hóa đã được đưa đến bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) khi chiếc smartphone phát nổ ngay trên tay. Nạn nhân bị nhiều vết thương nghiêm trọng, bao gồm vết thương ở mặt, ngực, đùi phải, dập nát toàn bộ bàn tay trái… Vụ nổ cũng xảy ra khi chiếc điện thoại đang cắm sạc.

Vừa cắm sạc smartphone vừa sử dụng - Thói quen tự sát nhiều người đang mắc phải

Ở trên mới chỉ là một vài vụ tai nạn thương tâm xảy ra tính riêng tại Việt Nam. Còn có hàng trăm vụ tai nạn tương tự khác xảy ra trên thế giới, mà nguyên do bắt nguồn từ thói quen vừa cắm sạc smartphone vừa sử dụng.

Vừa sử dụng smartphone vừa cắm sạc là thói quen của không ít người, khi smartphone đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người, buộc họ luôn phải cầm smartphone trên tay mọi lúc mọi nơi.

Tuy nhiên, đây là một thói quen hết sức nguy hiểm và luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn thương vong.


Khoảnh khắc người đàn ông bị giật điện ngay khi vừa cắm sạc điện thoại (Video: Facebook).

Trên thực tế, nguy cơ người dùng bị điện giật bởi smartphone hay máy tính bảng, ngay cả khi thiết bị đang sạc, là rất thấp vì các thiết bị sạc thường có bộ phận đổi điện áp, nên có đầu ra điện áp thấp.

Tuy nhiên, trong trường hợp dây cắm hở, đầu cắm bị lỗi hoặc sử dụng củ sạc/dây sạc kém chất lượng, vẫn có thể gây ra rò điện rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, nhiều mẫu smartphone sử dụng khung viền hoặc lớp vỏ bằng kim loại, là chất liệu dẫn điện, nghĩa là nếu có rò rỉ điện trong lúc đang cắm sạc, khi người dùng chạm tay vào sản phẩm sẽ dẫn đến tai nạn giật điện.

Bên cạnh nguy cơ bị giật điện, sử dụng smartphone khi đang cắm sạc có thể đối mặt với nguy cơ thiết bị bất ngờ cháy, nổ dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng.

Dùng điện thoại khi đang cắm sạc: Hành động tự sát-5
Dùng smartphone khi đang cắm sạc là thói quen của không ít người, nhưng đây là một thói quen nguy hiểm cần loại bỏ.

Nguyên do smartphone phát nổ khi sạc có thể do pin đã sử dụng lâu, khiến chất lượng pin bị xuống cấp hoặc do người dùng thay các loại pin không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng.

Đáng chú ý, do người dùng thường cầm smartphone sát mặt khi sử dụng, nên trong trường hợp điện thoại bị phát nổ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho vùng đầu, mặt, ngực hoặc bụng…

Vì sao smartphone, máy tính bảng có thể phát nổ?

Có rất nhiều lý do khiến smartphone, máy tính bảng bốc cháy hay phát nổ, nhưng nguyên do chủ yếu liên quan đến lỗi pin trên thiết bị. Các thiết bị di động ngày nay, từ smartphone, máy tính bảng đến laptop… đều đang sử dụng pin công nghệ lithium-ion, trong đó, lithium là một chất dễ cháy và có thể nổ khi tiếp xúc với không khí, đặc biệt là nước.

Nếu pin sử dụng lâu ngày dẫn đến xuống cấp hoặc xảy ra sự cố trong quá trình sử dụng, như smartphone bị rơi, vỡ… có thể khiến phần vỏ pin bị hỏng, làm cho các thành phần bên trong pin bị bay hơi, tiếp xúc với không khí rồi dẫn đến hỏa hoạn.

Dùng điện thoại khi đang cắm sạc: Hành động tự sát-6
Có nhiều nguyên nhân khiến smartphone phát nổ, nhưng chủ yếu do lỗi liên quan đến pin.

Một nguyên do phổ biến khác có thể khiến pin trên smartphone bốc cháy hoặc phát nổ, đó là nhiệt độ cao. Nếu nhiệt độ thiết bị tăng cao trong quá trình sạc hoặc sử dụng liên tục có thể tạo ra phản ứng dây chuyền trên pin và kết quả cuối cùng là pin bắt lửa hoặc phát nổ.

Ngoài ra, lỗi pin có thể bắt nguồn từ nhà sản xuất, khiến pin không đảm bảo được chất lượng và phát nổ khi đang sử dụng hoặc đang sạc. Tình trạng này hiếm khi xảy ra do pin trên smartphone thường phải được kiểm tra nghiêm ngặt trước khi xuất xưởng, nhưng vẫn có trường hợp sản phẩm đến tay người dùng với pin bị lỗi khiến thiết bị dễ cháy, nổ.

Để đề phòng nguy cơ cháy, nổ pin trên smartphone khi sạc, người dùng cần phải thay pin chính hãng và đảm bảo nguồn gốc. Ngoài ra, nếu pin smartphone đã bị "chai", bạn nên chủ động mang thiết bị đến các cửa hàng smartphone có uy tín để kiểm tra và thay pin kịp thời, tránh tình trạng pin bị phồng, dẫn đến nguy cơ cháy, nổ khi sử dụng hoặc khi sạc.

Nhìn chung, tai nạn giật điện hay cháy nổ pin khi sử dụng smartphone và máy tính bảng đang cắm sạc là khá hy hữu, nhưng có thể xảy đến bất cứ lúc nào và thường gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Do vậy, để đề phòng và giữ an toàn cho bản thân, bạn không nên sử dụng thiết bị di động khi đang cắm sạc. Nếu có cuộc gọi hoặc tin nhắn đến khi đang sạc thiết bị, bạn nên rút sạc pin trước khi chạm vào điện thoại để trả lời cuộc gọi hay tin nhắn.

Chai pin là tình trạng thường gặp với các thiết bị di động sử dụng pin lithium-ion như smartphone, laptop, máy tính bảng…

Tình trạng này khiến cho khả năng lưu trữ điện năng của pin không còn như ban đầu, từ đó làm giảm tuổi thọ và rút ngắn thời gian sử dụng pin. Thậm chí nếu mức độ chai của pin trở nên nghiêm trọng có thể dẫn đến những hư hỏng về pin, gây nguy cơ cháy, nổ pin trong khi đang sử dụng hoặc cắm sạc.

Bạn đọc có thể tham khảo bài viết của Dân trí tại đây để kiểm tra tình trạng và mức độ chai pin của smartphone (bao gồm cả smartphone Android lẫn iPhone), để có giải pháp thay thế pin phù hợp, tránh nguy cơ xảy ra cháy, nổ.

 

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/suc-manh-so/dung-dien-thoai-khi-dang-cam-sac-hanh-dong-tu-sat-20230809232958891.htm?fbclid=IwAR17sAotAnHV5_ROIJkw-X5OOhB6HyXmC1lcCa2tkEhQiZ94vEMTIv5yUMI

điện thoại di động


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.