Hà Nội: Hơn 40 y bác sĩ xuống đường cầm băng rôn "cầu cứu" vì bị nợ lương suốt 8 tháng

Mặc dù đã được lãnh đạo Học viện hứa hẹn tìm cách trả lương đầy đủ, thế nhưng gần 2 tháng qua 160 y bác sĩ tại BV Tuệ Tĩnh vẫn mòn mỏi chờ đợi.

Kết thúc giờ làm việc của mình, 16h30 phút, hơn 40 nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam) người cầm giấy, người cầm băng rôn ra trước cổng bệnh viện "cầu cứu" người đi đường lên tiếng bảo vệ các y bác sĩ.

Lý do là vì hơn 8 tháng qua, họ bị nợ 50% số lương cơ bản. Thậm chí, tháng 12, 50% số lương được xem là cố định sẽ trả hàng tháng họ vẫn chưa được nhận. Số tiền lương ít ỏi họ nhận hàng tháng quả thật không thể đủ cho cuộc sống mưu sinh.

Chị Lê Thanh Bình (kế toán viên của Bệnh viện Tuệ Tĩnh) cho biết, sau nhiều lần kêu cứu, gửi đơn, cuối tháng 11 vừa qua, mặc dù lãnh đạo Học viện đã làm việc với Bộ Y tế và các ban ngành để giải quyết quyền lợi cho hơn 160 y bác sĩ tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, phía bệnh viện chưa nhận được một động thái nào từ các lãnh đạo. Thậm chí, tiền lương tháng 12 vẫn còn nợ 100%.

"Gần 2 tháng qua, sau khi Bộ Y tế và các ban ngành vào cuộc, chúng tôi nhận được thông tin qua báo chí, rằng lãnh đạo Học viện hứa sẽ trả đủ số lương từ tháng 5 đến nay. Tuy nhiên kể từ đó, chúng tôi vẫn chưa nhận được một lời giải thích chính thức nào từ họ. Hiện tại, đã cận Tết anh chị em chúng tôi vẫn chưa có một đồng nào xoay sở", chị Bình tâm sự.

Hà Nội: Hơn 40 y bác sĩ xuống đường cầm băng rôn cầu cứu vì bị nợ lương suốt 8 tháng-1

Vì quá bức xúc khi bị nợ lương nhưng không được giải quyết, nhiều nhân viên y tế đã đứng lên đòi quyền lợi

Theo chị Bình, trong 8 tháng qua, cuộc sống của hơn 160 cán bộ, nhân viên của bệnh viện quá khổ sở với mức lương chỉ từ 1-3 triệu đồng như vậy. Đã có những người phải bỏ việc để mưu sinh bằng nghề khác.

Lý giải về nguyên nhân, theo chị Bình, trong một cuộc họp giao ban gần đây, Ban giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh thông báo thời điểm hiện tại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chưa tìm được nguồn thu, vì vậy chưa có tiền để trả lương tháng 11/2021 cho người lao động.

Một phần là do dịch, bệnh viện không có nguồn thu, phần khác là do từ năm 2019, Ban giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh tự ý xin chủ trương từ bệnh viện công sang tự chủ. Chính vì thế, 100% nguồn thu và hỗ trợ của bệnh viện đều đến từ lượng bệnh nhân đến khám. Tuy nhiên, nếu xét về năng lực thì bệnh viện Tuệ Tĩnh không đáp ứng đủ điều kiện để tự chủ, nếu tình trạng dịch bệnh này vẫn tiếp diễn, lượng bệnh nhân không có thì cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện sẽ sống như thế nào với đồng lương ít ỏi này.

"Nửa tháng trước, chúng tôi đã làm đơn xin nghỉ phép để ra ngoài kiếm thêm thu nhập phụ gia đình lo Tết chu toàn. Thế nhưng, lãnh đạo bệnh viện không đồng ý vì Bệnh viện không có người làm", chị Bình cho hay.

Theo chị Bình, hàng ngày các anh chị em mặc dù rất bức xúc nhưng vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Những ngày qua, khi bệnh viện tiến hành tiêm chủng vắc-xin cho thân nhân cán bộ của Học viện, các y bác sĩ vẫn không hề lơ là nhiệm vụ.

Lương chỉ đủ tiền xăng xe đi lại

Hô to cầu cứu người đi đường: "Xin mọi người hãy cứu lấy chúng tôi!", chị Đỗ Thị Duyên (điều dưỡng khoa Tâm thần kinh) bức xúc vì 8 tháng qua, mỗi tháng chị chỉ nhận được hơn 3 triệu đồng. Trong khi đó chị phải nuôi 3 con nhỏ đang tuổi ăn học, tiền sinh hoạt phải dựa vào chồng và 2 bên gia đình nội ngoại.

"Hàng ngày tôi vượt 30km từ Hưng Yên sang đây để làm việc, mỗi ngày tốn 50 nghìn tiền xăng, 20 nghìn đò qua sông. Số tiền ít ỏi kia chỉ đủ cho tôi đi đường, nếu xe trục trặc giữa đường không biết lấy tiền đâu để sửa", chị Duyên tâm sự.

Hà Nội: Hơn 40 y bác sĩ xuống đường cầm băng rôn cầu cứu vì bị nợ lương suốt 8 tháng-2

Hàng ngày chị Duyên phải đi hàng chục cây số mới đến được cơ quan làm việc nhưng chỉ nhận được số tiền lương ít ỏi

Được biết, chị Duyên đã làm việc tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh hơn 14 năm nay. Làm nghề đã lâu nên chị muốn cống hiến và vì yêu nghề nên chị mới gắn bó lâu với bệnh viện như vậy. Hơn nữa, nếu nghỉ việc chị cũng không biết mình sẽ làm gì. Nhà xa, sáng đi rất sớm và tối về rất muộn nên chị không thể làm thêm công việc nào khác để kiếm thu nhập. Tình trạng nợ lương kéo dài hơn 8 tháng qua khiến chị và nhiều người vô cùng khổ sở.

Đứng gần chị Duyên, chị Nguyễn Thị Vân (điều dưỡng Khoa Khám bệnh) bức xúc vì rất nhiều lần khi đòi quyền lợi, chị và các đồng nghiệp khác đã bị lãnh đạo Học viện phê bình vì bãi công trong giờ làm. Tuy nhiên, là một y bác sĩ, chị cho biết, bản thân luôn tuân thủ và có trách nhiệm trong công việc, mặc dù chậm lương nhưng chưa một phút giây nào chị lơ là với bệnh nhân. Những lần biểu tình hay viết đơn cầu cứu, các cán bộ y bác sĩ đều đợi hết giờ làm mới tiến hành vì sợ ảnh hưởng đến bệnh nhân.

"8 tháng qua thực sự khổ sở với không chỉ riêng tôi, dịch bệnh tràn lan, chúng tôi cong lưng làm việc, thế nhưng số tiền nhận về không xứng đáng. Cùng một hệ thống, thế nhưng những người tại Học viện, thậm chí là lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh thì được nhận lương thưởng đầy đủ, vậy mà nhân viên chúng tôi lao lực cống hiến thì bị nợ lương và chậm lương rất nhiều tháng qua. Điều này khiến chúng tôi vô cùng bức xúc. Tôi chỉ hy vọng, Bộ, ban ngành sớm xử lý dứt điểm việc này để chúng tôi có thể an tâm làm đúng bổn phận của mình", chị Vân cho hay.

Hà Nội: Hơn 40 y bác sĩ xuống đường cầm băng rôn cầu cứu vì bị nợ lương suốt 8 tháng-3

Hết giờ làm, rất nhiều nhân viên y tế của Bệnh viện Tuệ Tĩnh đứng trước cửa Bệnh viện để cầu cứu người đi đường giúp họ

Trước đó, chiều ngày 19/11/2021, tại cuộc họp với lãnh Tổng liên Đoàn lao động Việt Nam, Học viện và Ban lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã đề xuất xin tạm dừng tự chủ để có nguồn cấp ngân sách chi trả cho cán bộ công nhân viên (CB CNV).

Tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết thêm Bệnh viện Tuệ Tĩnh tự chủ từ năm 2019 -2020, khi thực hiện chi thường xuyên chủ động tăng nguồn thu, tuy nhiên bệnh viện đã không đạt được kế hoạch như dự kiến. Do không đạt được kế hoạch nên nguồn thu của bệnh viện chỉ dành ưu tiên trả lương một số khoản chi nhất định, các chi thường xuyên khác phải tạm ứng từ bệnh viện và vay từ các nguồn khác để chi trả.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng bệnh nhân tới khám giảm khiến nguồn thu sụt giảm. Tình hình tài chính của bệnh viện đã khó khăn nay lại càng thêm khó hơn. Bệnh viện tiếp tục phải vay từ học viện để chi trả. Tính tới 31/12/2020, số tiền bệnh viên chi vượt quá là hơn 9 tỷ đồng.

Năm 2021, dịch bệnh bùng phát, bệnh viện thực hiện giãn cách và số lượng bệnh nhân giảm, tăng chi phí đảm bảo phòng chống dịch. Bệnh viện đã thực hiện nhiều cắt giảm, xin bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ từ công đoàn y tế, tuy nhiên, tình trạng nợ lương vẫn xảy ra trong 6 tháng vừa qua.

Theo ông Tuấn, với những khó khăn mà bệnh viện đang gặp phải, học viện đề xuất xin tạm dừng loại hình là đơn vị chi thường xuyên (tự chủ) sang tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.

Việc tạm dừng tự chủ sẽ giúp cho bệnh viện giải quyết được những khó khăn trước mắt, ổn định đời sống cho nhân viên y tế tập trung phát triển chuyên môn, phục vụ người bệnh.

Trước buổi biểu tình chiều 11/1 của các cán bộ nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh, một vị lãnh đạo Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam có ra chứng kiến và từ chối trả lời vấn đề khi phóng viên đề cập đến. "Việc này, chúng tôi cần bàn bạc và xin chỉ đạo của cấp trên nên sẽ cung cấp thông tin sau", vị lãnh đạo nói.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả.

Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doanhnghieptiepthi.vn/ha-noi-hon-40-y-bac-si-xuong-duong-cam-bang-ron-cau-cuu-vi-bi-no-luong-suot-8-thang-161221101215605879.htm

nợ lương


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.