Hà Nội: Phát hiện giấy đi đường có QR code nhưng... viết tay, quét mã thì ra "râu ông nọ cắm cằm bà kia"

Một người đàn ông đi giao hàng đã bị mời lên công an phường làm việc vì phát hiện mẫu giấy đi đường của anh được viết tay, nhiều nét khác biệt so với mẫu giấy chung. Tổ công tác làm nhiệm vụ đã quét mã QR code thì phát hiện thông tin từ mã này lại là một người khác (?).

Bắt đầu từ hôm nay (8/9), theo kế hoạch đã được công bố, Hà Nội chính thức áp dụng giấy đi đường mẫu mới, căn cứ vào Chỉ thị số 20/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đến ngày 21/9. Tuy nhiên, giấy đi đường cũ vẫn có tác dụng trong một thời gian nhất định.

Mặc dù có độ trễ 2 ngày so với thời điểm áp dụng sự phân tách vùng dịch tại Hà Nội (từ ngày 6/9), việc cấp và kiểm tra giấy đi đường có mã QR vẫn gây nhiều tranh cãi, "khó" cho cả phía quản lý cũng như đối tượng được quản lý.

Hà Nội: Phát hiện giấy đi đường có QR code nhưng... viết tay, quét mã thì ra râu ông nọ cắm cằm bà kia-1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đơn cử như mới đây là trường hợp của một người đàn ông tên Hoàng Văn P., nhân viên giao hàng của một công ty ở Bắc Từ Liêm, anh P. đã sử dụng giấy đi đường theo mẫu mới có mã QR. Tuy nhiên, một số thông tin ghi trên giấy này lại được viết tay, khác với mẫu giấy của Công an TP Hà Nội ban hành.

Lực lượng chức năng sau đó đã tiến hành quét QR code để xác định danh tính thì hoàn toàn bất ngờ khi thông tin hiển thị khi quét mã QR lại là một người khác.

Hà Nội: Phát hiện giấy đi đường có QR code nhưng... viết tay, quét mã thì ra râu ông nọ cắm cằm bà kia-2
Người giao hàng gặp khó vì giấy đi đường mẫu mới được viết tay nhưng lại có mã vạch QR của người khác

Để làm rõ hơn về vấn đề này, lực lượng chức năng đã bàn giao anh P. cùng số giấy tờ trên tới Công an phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, để xác minh theo thẩm quyền.

Tại trụ sở Công an phường Phúc Diễn, anh Hoàng Văn P. cho biết, anh nhận được giấy đi đường này từ bộ phận kế toán của công ty vào ngày 6/9. Khi nhận, giấy đã được viết tay như vậy, anh P. cũng không nghĩ có việc nhầm lẫn như vậy nên không quét lại mã QR.

Mặc dù khi nhận giấy, anh đã thấy có một dòng chữ viết tay với nội dung: "Ngày 6/9/2021 do phần mềm lỗi nên chưa cấp được mã QR".

Hà Nội: Phát hiện giấy đi đường có QR code nhưng... viết tay, quét mã thì ra râu ông nọ cắm cằm bà kia-3
Người giao hàng cho biết, chữ viết tay trên giấy đi đường của công an phường ghi, anh khẳng định và sẵn sàng cùng lực lượng chức năng đối chất.

Trước thông tin này, Công an phường Phúc Diễn đã liên hệ với nơi cấp giấy là Công an phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) để xác minh, làm rõ để có hướng xử lý. 

Đại diện Công an phường Phúc Diễn cho biết, nếu trường hợp anh P. sử dụng giấy tờ giả để đi lại thì sẽ lập hồ sơ, báo cáo cấp trên làm rõ.

Cho biết trên tờ Vietnamnet, Trung tá Đào Trọng Nghĩa, Trưởng Công an phường Mai Dịch xác nhận, đã biết thông tin về trường hợp anh Hoàng Văn P. sử dụng giấy đi đường theo mẫu mới nhưng được viết tay và lỗi QR code.

Ông Nghĩa khẳng định, đây là giấy đi đường được cấp đúng. Nguyên nhân Công an phường phải viết tay cho công dân khác với mẫu của Công an thành phố ban hành là do trong ngày 6/9 phần mềm cấp mã QR bị lỗi. Trong khi đó có hàng trăm đơn vị lên xin cấp giấy đi đường nên buộc Công an phường phải tự viết tay để giải quyết cho người dân, kèm theo lí do ở phía dưới giấy.

Tờ Phụ nữ Việt Nam thông tin thêm, vì phần mềm cấp mã QR bị lỗi nên đã có nhiều trường hợp được cấp theo hình thức viết tay, trùng mã QR như anh P..

Trước sự việc này, nhiều người cho rằng, nếu phần mềm lỗi thì có thể tạm dừng việc cấp giấy để khắc phục, thay vì lại cấp ra nhiều giấy tờ không đúng quy định, nhầm lẫn "râu ông nọ cắm cằm bà kia", ảnh hưởng đến người dân cũng như lực lượng chức năng.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phapluat.suckhoedoisong.vn/ha-noi-phat-hien-giay-di-duong-co-qr-code-nhung-viet-tay-quet-ma-thi-ra-rau-ong-no-cam-cam-ba-kia-162210809220733991.htm

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.