Hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em
Có hiệu lực từ ngày 20/2, Nghị định 06/2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.
Theo đó, trẻ em đang học tại lớp mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; Không có nguồn nuôi dưỡng; Là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 10% mức lương cơ sở/trẻ/tháng.
(Ảnh minh họa)
Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Việc chi trả kinh phí hỗ trợ ăn trưa được thực hiện 2 lần trong năm học: Lần một chi trả đủ 4 tháng vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm; lần 2 chi trả đủ 5 tháng vào tháng 2 hoặc tháng 3 hàng năm.
Quy định mới về bảo hiểm xã hội
Nghị định 161/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Điều 12 Nghị định 21/2016/NĐ-CP định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm của cơ quan bảo hiểm xã hội, có hiệu thi hành từ ngày 15/2 nêu rõ.
Từ 15/2, bỏ quy định về việc cho phép cơ quan bảo hiểm xã hội được trích một phần khoản phạt lãi chậm nộp phát hiện qua thanh tra để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng 3 loại bảo hiểm là bảo hiểm y tế, xã hội và tự nguyện.
Hướng dẫn tư vấn tâm lý cho học sinh trường phổ thông
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh (HS) trong trường phổ thông (có hiệu lực từ 02/02/2018).
Theo đó, việc tư vấn tâm lý cho HS trường phổ thông sẽ được thực hiện với các nội dung về: lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, sức khỏe sinh sản vị thành niên … dưới các hình thức tư vấn như:
- Xây dựng chuyên đề tư vấn tâm lý cho HS và bố trí thành các bài giảng riêng hoặc lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, tích hợp trong các môn học chính khóa …
- Tư vấn trực tuyến qua mạng nội bộ của trường, email, mạng xã hội, điện thoại…
- Thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh về diễn biến tâm lý và các vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ cho học sinh …
Trường hợp không tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Từ 1-2, phần chi vượt mức 3 triệu đồng/tháng/người (quy định cũ là 1 triệu đồng) để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định về BHXH, BHYT trích nộp cho các quỹ cho tính chất an sinh xã hội, quỹ BHYT và quỹ BHTN cho người lao động sẽ không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Ngoài ra, cơ sở kinh doanh có hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài, có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý.
Bán ô tô không phải thông báo với công an
Đây là nội dung đáng chú ý quy định tại Thông tư 64/2017/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2014/TT-BCA về đăng ký xe, có hiệu lực từ ngày 12/2/2018.
Theo đó, Thông tư 64/2017 đã bỏ quy định: Trước khi bán, cho, tặng xe, chủ xe phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký xe đó.
Thay vào đó là quy định: Xe đăng ký biển số nền màu xanh, chữ và số màu trắng; xe biển số ký hiệu 80 nền màu trắng, chữ và số màu đen, nay có quyết định điều chuyển, bán, tặng, cho thì trước khi bàn giao xe cho người mua hoặc người được điều chuyển, tặng, cho, chủ xe phải thu hồi, nộp lại đăng ký, biển số cho cơ quan đăng ký xe.
Thông tư này giữ nguyên nội dung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.