Câu chuyện tình yêu cảm động đó được anh Đinh Văn Tín (sinh năm 1986) và chị Nguyễn Thị Thu Thảo (sinh năm 1983) viết nên khiến biết bao người dân xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) truyền tai nhau với sự khâm phục và ngưỡng mộ.
Những cánh thư mang tên tình yêu
Vừa mới sinh chẳng được bao lâu chị Thảo đã không may mắc phải những di chứng của chất độc hóa học do người cha từng đi bộ đội năm xưa. Đôi chân cô bé Thảo mặt mũi xinh xắn ngày nào càng ngày càng teo lại. Bác sỹ cho biết Thảo bị liệt nửa người và cánh tay phải không còn vận động. Vậy mà Thảo vẫn nằng nặc đòi mẹ đến trường khi thấy người chị họ ngày nào cũng tung tăng cặp sách trong chiếc áo trắng tinh tươm.
Thương con, mẹ đưa Thảo trên xe lăn đến trường và xin vào lớp. 12 năm đèn sách với Thảo là những chuỗi ngày khó khăn nhất cuộc đời để theo kịp bạn bè. Vậy mà năm nào Thảo cũng đạt học sinh khá giỏi. Vì không đủ điều kiện sức khỏe nên Thảo không thể tiếp tục giấc mơ với giảng đường đại học. Nhưng không vì thế mà cô gái khuyết tật nghị lực lại buông xuôi. Chị một thân một mình ra tận Hà Nội xin làm cho một công ty chế tác, gia công đồ trang sức tư nhân. Và mối duyên thầm với “anh lính” của đời chị bắt đầu nảy nở.
Tốt nghiệp trung học, chàng trai Đinh Trung Tính quê ở một vùng nông thôn nghèo khó huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) lên đường nhập ngũ. Sau những ngày tập luyện trên thao trường nắng gắt mệt mỏi anh lại chọn thú vui cho mình bằng việc đọc sách báo tại thư viện của đơn vị cục hậu cần (Quân Khu 5) đóng quân tại TP. Quy Nhơn. Những trang báo như chính là cầu nối xe duyên cho hai con người ở hai phương trời xa đến với nhau như duyên kiếp mà ông trời đã định.
“Đọc một bài viết về tấm gương tật nguyền nhưng biết vượt lên số phận để trở thành người có ích như Thảo thật sự làm cho mình cảm động và khâm phục. Đôi mắt Thảo trong veo rực sáng một khát vọng sống bất diệt đã làm mình thấy nhớ mãi, đêm đêm trằn trọc không ngủ được. Rồi mình lấy hết dũng cảm viết những dòng chữ làm quen đầu tiên. Gửi thư đi chờ đợi hồi âm mà lòng hồi hộp”- anh Tín bồi hồi nhớ lại.
Ở trung tâm chế tác trang sức tuy khuyết tật nhưng Thảo lại có vẻ ngoài xinh xắn cùng cách nói năng nhẹ nhàng nên nhiều người đồng cảnh ngộ để ý và muốn ngỏ lời yêu. Vậy mà chị gạt qua tất cả và chỉ ngày đêm thương nhớ anh lính thật thà mà mỗi lần nhớ lại chị lại dí dỏm: “Anh viết lá thư đầu tiên làm quen mình chỉ dài chưa đến nửa trang giấy. Làm quen người ta hết sức “chảnh” vậy mà mình lại thật sự cảm động vì sự chân thành của anh”.
Suốt thời gian dài hai người liên lạc với nhau bởi những cánh thư cứ mỗi ngày nhiều thêm như đong đầy tình cảm của hai trái tim hướng về nhau. Thoạt đầu chị Thảo vẫn còn mặc cảm, tự ti vì mình là người khuyết tật. “Sợ anh đến với mình chỉ vì lòng thương hại nên tỉnh cảm của mình cứ để trong lòng chứ không dám nói ra”- chị tâm sự. Dần cảm nhận được tình cảm chị dành cho mình qua những cánh thư tay nhưng anh cũng thấu hiểu được suy nghĩ đó của chị. Vậy là gần một năm trời những cánh thư tay đã không còn được gửi đi nữa để rồi hai người cùng suy ngẫm và kiểm nghiệm lại tình cảm của mình.
Và rồi, càng xa càng nhớ, anh quyết định thực hiện công việc quan trọng nhất của đời mình. Sau 2 năm trong quân ngũ, ngày đầu tiên rời doanh trại, anh Tín bắt xe ra Hà Nội thăm chị. Ngày đầu đến trung tâm, hai người ra ngồi ghế đá trước hiên tâm sự. Tình cảm bấy lâu dành cho nhau giờ như được kiểm chứng và rồi họ đã dành cho nhau những nụ hôn đầu tiên trong một đêm mùa đông giá lạnh trước những tràng vỗ tay của mọi người từ phía sau. Hạnh phúc vỡ hòa, họ chỉ biết mỉm cười e thẹn.
Đi qua bão dông cuộc đời
Tình yêu đẹp của hai người đứng trước sóng gió khi gia đình anh Tín một mực phản đối vì chị là người khuyết tật, anh lại là con trai trưởng độc đinh của đại gia đình. Họ lo rằng con trai mình sẽ khổ khi lấy chị và nghĩ sẽ không có cháu đích tôn để nối dõi tông đường vì chị quá yếu. Anh chị đã cùng nắm tay nhau về nhà xin phép bố mẹ được nên vợ nên chồng trước những anh mắt khó chịu của người nhà dành cho chị. Chị tâm sự: “Nhiều đêm mình đã khóc. Mình thương anh vì mình mà đã làm trái ý mẹ cha”. Rồi trong một phút nông nổi chị nói “hay là bọn mình…”, anh ngay lập tức áp tay vào môi chị: “Mình yêu nhau mà, phải cùng vượt qua thử thách chứ”.
Cuối cùng, dù gia đình anh không đồng ý đám cưới của hai người vẫn được tổ chức vào tháng 11/2010 tại quê hương của chị Thảo. Cô dâu ngồi trên xe lăn tiến đến anh, nắm lấy tay anh trong niềm hạnh phúc vô bờ xen lẫn những giọt nước mắt tủi thân vì ba mẹ anh không có ai đến dự. Đám cưới nhỏ chỉ có bạn bè hai người, gia đình nhà gái và đại diện duy nhất của nhà trai chỉ có em trai của anh.
Sau đám cưới, hai anh chị đồng cam cộng khổ đi buôn bán bằng chính chiếc xe máy dành cho người khuyết tật mà chị có được. Mỗi buổi sáng anh bế chị lên xe. Hai vợ chồng chở nhau bán buôn bán đủ thứ hàng từ bánh tráng, trứng vịt lộn, gà đến cả bánh kẹo, nước uống…
Lặng lẽ trên chiếc xe nhỏ bươn chải mưu sinh, nhìn anh cặm cụi chở hàng rồi trải cả bạt ni lông đứng bán giữa đường làng bụi bặm, chị thương anh đến nghẹn ngào “anh vì mình mà vứt bỏ hết cả sỹ diện của một người đàn ông, một mình bán ở lề đường, thật sự những lúc đó mình cảm thấy yêu anh hơn bao giờ hết”.
Số phận run rủi, sự tần tảo của hai vợ chồng anh được bà con chòm xóm biết đến. Rồi một người bạn họ hàng xa của chị thuê anh lái xe cho công ty họ với mức lương ổn định. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ tạm qua cơn bĩ cực.
Khổ cực chưa qua thì nỗi buồn đã kéo tới. Hai người đã tốn rất nhiều tiền để chạy chữa cho chị vì trước đó chị Thảo bị bệnh, không thể sinh con. Vợ chồng anh đã ra tận Hà Nội chữa trị nhiều tháng trời nhưng trớ trêu thay, bệnh tình của chị vẫn không thể khỏi. Sức lực đã cạn, ba tháng trời hai vợ chồng ăn vật nằm vờ ở bệnh viện, tiền về quê nhà 200.000 đồng cũng phải đi mượn người thân. Anh chị phó mặc cho ông trời. Và như có một phép nhiệm màu, chị Thảo bất ngờ có thai chỉ sau 2 tháng anh chị về nhà không điều trị nữa.
Hạnh phúc thật sự vỡ òa khi anh chị Thảo-Tín đã có thai đứa con đầu lòng chưa chan niềm hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn ở phía trước. “Lúc mới lấy nhau bọn mình đã nghĩ tới là sau này đứa con có thể mang dị tật nhưng chúng mình vẫn tin rằng ông trời luôn có mắt cho những người lương thiện. Và quả thật đúng như vậy. Cầm kết quả siêu âm thai nhi, bác sỹ cho biết thai nhi là bé trai phát triển bình thường nên vợ chồng mình mừng chảy nước mắt”- anh Tín vui vẻ nói.
Và rồi, hạnh phúc như được nhân lên khi mẹ anh Tín từ Bình Định gọi ra hỏi thăm tình hình sức khỏe cháu đích tôn của mình.
Chị Thảo nói: “Đó là lần đầu tiên mình nghe được lời hỏi thăm hai mẹ con của bà nội sau nhiều năm im lặng”. Anh Tín nhỏ nhẹ cầm tay chị Thảo nói: “Đường về quê nội đã gần hơn trước nhiều rồi em à”
Lúc chúng tôi viết bài này cũng là lúc anh Tín báo tin, đứa con trai của anh chị đã chào đời khỏe mạnh khiến chúng tôi cũng mừng rơi nước mắt trước một câu chuyện cổ tích giữa đời thường đã đơm hoa kết trái. |