Hành trình của cặp vợ chồng hỏng thai 4 lần, có hai con nhờ mang thai hộ

Hạnh phúc đã mỉm cười với họ khi giờ đây, họ có một cô con gái và chuẩn bị đón đứa con thứ hai đều bằng phương pháp nhờ người mang thai hộ.

Mang thai 4 lần đầu bị hỏng, cặp vợ chồng này vẫn quyết tâm "tìm con". Và hạnh phúc đã mỉm cười với họ khi giờ đây, họ có một cô con gái và chuẩn bị đón đứa con thứ hai đều bằng phương pháp nhờ người mang thai hộ.

>>
Chuyện thật như đùa: Mẹ chồng nài nỉ con dâu mang thai hộ cho... em chồng

LTS: Hợp pháp hóa mang thai hộ đã mở ra nhiều hi vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn được hưởng niềm hạnh phúc có con. Luật đã có nhiều quy định để ngăn chặn việc mua bán khi mang thai hộ. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện mang thai hộ còn rất nhiều góc khuất mà khi đi thực tế chúng tôi mới thấu hiểu được, đó là nỗi bĩ cực của những người "cầu con" bằng con đường này cũng như "thị trường", "dịch vụ" mang thai hộ, và xót xa hơn cả là nỗi niềm những người đẻ thuê: rứt ruột sinh con nhưng không được nhận con.

Áp lực, khuyên chồng đi lấy người khác

Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Quang Chiến và chị Nguyễn Thị Liên (cả hai cùng 35 tuổi, quê Hải Dương).

Tình cờ chúng tôi gặp anh Chiến và chị Liên tại BV Phụ Sản Trung ương lúc anh chị đang đưa người mang thai đứa con của mình đi khám thai. Trong ánh mắt lấp lánh hạnh phúc của những người sắp được làm bố, làm mẹ, anh chị chia sẻ đây là đứa con thứ hai của anh chị được sinh ra từ tử cung của người khác. Với anh chị, người mang thai hộ là ân nhân, là cứu cánh cho hạnh phúc của gia đình.
 

Những người đi tìm người mang thai hộ luôn mang theo nỗi niềm thật khó tả

Chị Liên ngậm ngùi kể: “Vợ chồng mình lấy nhau đến nay đã 10 năm rồi mình vẫn chưa được bé nào. Hai vợ chồng đau khổ lắm. 10 năm không làm gì chỉ lo kiếm con. Trong những năm đầu mới lấy nhau mình cũng từng mang thai 4 lần nhưng tất cả thai đều ngoài tử cung. lần nào cũng hồi hộp đón con nhưng lại rơi nước mắt khi bác sĩ thông báo "thai hỏng". Không biết bao nhiêu nước mắt đã rơi. Mình tự trách mình, vừa thấy thương ông xã. Nhiều lúc mình động viên chồng đi lấy người khác để kiếm một đứa con, nhưng anh ấy vẫn yêu vợ và nói mình phải cố gắng lên. Hai vợ chồng cứ thế dìu nhau qua những áp lực từ họ hàng, gia đình, từ những ánh mắt dò xét, khinh bỉ”.

Thế rồi, anh chị lặn lội lên Hà Nội chữa vô sinh. Sau khi biết chính xác mình không thể mang thai, chị Liên như chết lặng. "Tôi quyết tâm bỏ chồng, để anh ấy đi lấy vợ khác. Lỗi ở mình mà. Thế nhưng, rất may, trong những lúc tuyệt vọng nhất vợ chồng tôi được bác sĩ tư vấn phương pháp mang thai hộ. Chúng tôi như tìm thấy ánh sáng nơi đường hầm. Hai vợ chồng bàn với nhau sẽ quyết tâm kiếm con bằng phương pháp này", chị tâm sự.

Khi tìm được người mang thai hộ, mọi việc khá suôn sẻ với vợ chồng chị Liên. Họ đón đứa con gái đầu lòng vào tháng 9/2015. Bé khỏe mạnh, xinh xắn và bây giờ đã hơn 8 tháng tuổi, rất quấn mẹ. Và mới đây nhất, vợ chồng chị lại tiếp tục nhờ người mang thai hộ và chuẩn bị đón đứa con thứ hai chào đời để nhà cửa thêm đông vui.

"Hạnh phúc lắm, có con vợ chồng tôi yên tâm và thấy cuộc sống ý nghĩa hơn nhiều. Tôi đã vứt bỏ được sự tự ti trước đây để vui sống bên chồng con. Chúng tôi rất biết ơn người đã đồng ý mang thai hộ cho mình." chị Liên vui vẻ cho biết.

Chị Liên cho biết, nói là “nhờ” nhưng chi phí dịch vụ cho lần đầu là 100 triệu đồng, chưa kể hàng tháng anh chị phải bỏ ra một khoản tiền ăn ở, sinh hoạt cho người mang thai hộ.

“Lần đầu mất hơn 100 triệu đồng. Lần thứ 2 là 120 triệu đồng và phí hàng tháng cũng là 3 triệu đồng. Giá cả này có thể thương lượng được. Hai lần nhờ mang thai hộ là hai người khác nhau. Tôi không quan trọng hình thức của họ, bởi lẽ, phôi đó là của mình. Nhưng cũng cần chọn người khỏe mạnh đẻ đảm bảo tính an toàn trong suốt quá trình mang thai”, chị Liên ngậm ngùi.

>> Góc khuất đằng sau nghề "cho thuê tử cung" và dịch vụ "săn giống tốt"

Nơm nớp lo "họ" đòi con

Chị Liên cho biết, người phụ nữ mang thai hộ lần 1 kia khi biết gia đình chị có ý định nhờ dịch vụ ở đứa thứ 2, vẫn gọi điện mong muốn được tiếp tục hợp đồng lần 2. Theo chị, người phụ nữ này quê Thanh Hóa, hai vợ chồng li thân và đang phải nuôi con ăn học cấp 1. Tuy nhiên, vì sợ có những sự ràng buộc với đứa con đầu, lo sợ sinh thêm đứa con thứ hai khiến người mang thai lưu luyến con nên chị Liên từ chối.

"Chúng tôi rất biết ơn người mang thai đứa con của mình, nhưng quả thực tâm lí ông bố bà mẹ nào cũng vậy thôi, chẳng ai muốn san sẻ tình thương con mình cho người khác. Với lại tôi muốn con mình lớn lên bình thường, không phải lăn tăn suy nghĩ. Khi nào cháu lớn chúng tôi sẽ nói chuyện cho cháu biết. Vì vậy, dù hợp đồng rõ ràng nhưng tôi vẫn nơm nớp lo sợ người mang thai hộ có những suy nghĩ lưu luyến rồi đến đòi lại con" chị Liên tâm sự..
 

Dù việc mang thai hộ đã có hợp đồng nhưng người thuê cũng luôn luôn phải "áp sát" người đẻ thuê

Cũng theo chị Liên, nói là bản hợp đồng giữa hai bên sẽ không lo tới chuyện tranh chấp con, nhưng bản thân chị và chồng cũng không tránh khỏi lo lắng khi đối diện tình huống con mình được sinh ra tại bệnh viện.

“Dù chứng kiến, chờ đợi người khác sinh con mình, nhưng thật lạ, thấp thỏm, lo ngại về hình ảnh người đẻ ngoái nhìn đứa bé sau khi sinh. Thậm chí người phụ nữ ấy với vẻ mặt rất quyến luyến, rất muốn được thăm và nói chuyện với con”.

Rồi chị cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Lúc ấy tôi phải nhắc lại bản hợp đồng và những điều khoản trước đây hai bên thỏa thuận. Xong là xong và tôi không dùng từ mẹ ở đó vì đó là con của tôi. Sinh con xong một vài ngày, dần dần bạn ấy cũng hiểu ra vấn đề và thu xếp đồ đạc về quê luôn.

Theo chị Liên, trong suốt quá trình nhờ mang thai hộ lần một, chị thuê cho người phụ nữ ấy căn nhà riêng nhưng vẫn có những sự giao lưu với thế giới bên ngoài. Đến gần tháng sinh thì cho về nhà mình ở để tiện chăm sóc cho thai nhi.

“Tôi coi cô ấy như em gái đang mang bầu, từ quê ra chơi. Tất nhiên, cả khu không ai biết nó đang mang bầu giúp tôi. Sau đó, tôi có “thú thật” với gia đình nội ngoại. Ai cũng thoải mái vì biết đó là con mình”, chị Liên nở nụ cười khi nhắc lại câu chuyện.
 

Người thuê đẻ sẽ vẫn lo mất con khi "bà đẻ" ngoái nhìn đứa bé vừa sinh ra đời

Lần thứ hai này, chị Liên cũng làm tâm lí rất kĩ với người mang thai hộ để tránh sự quyến luyến con sau khi sinh. "Nói thì nói vậy, nhưng là phụ nữ với nhau, mình hiểu lắm chứ. Dù không phải là giọt máu của mình, nhưng 9 tháng mang nặng đẻ đau, ai chẳng thương đứa con đứt ruột sinh ra. Dù sao họ vẫn có những quyến luyến, buồn bã riêng. Vợ chồng mình vì vậy chăm sóc rất chu đáo, an ủi chia sẻ họ nhưng một mặt cũng rất kiên quyết không muốn họ ở lâu gần với con. Vì như vậy cả hai bên đều khổ chứ không được gì", chị Liên bày tỏ.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.


“Mang thai hộ” trong Luật Hôn nhân và gia đình là trường hợp sau khi lấy noãn của người vợ (vì lý do sức khỏe mà không thể mang thai) và tinh trùng của người chồng để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Khi noãn và tinh trùng gặp nhau chuyển thành phôi thì sẽ chuyển phôi vào tử cung của người phụ nữ khác. Người phụ nữ nhận mang thai hộ có quan hệ họ hàng, cùng huyết thống nhưng không vì mục đích lợi nhuận. Trong trường hợp này, tử cung của người phụ nữ mang thai hộ giống như một môi trường sống tốt nhất - một ngôi nhà cho một đứa trẻ - đứa con của người khác.

(Nguồn: Thông tin phổ biến giáo dục pháp luật về Y tế số 03 tháng 09/2014​)


Theo Minh Ngọc (aFamily.vn/Trí thức trẻ)


mang thai hộ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.