Hành vi dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu học sinh có thể bị khởi tố

Theo luật sư, cảnh sát đánh 2 học sinh có thể bị xử lý về hành vi Cố ý gây thương tích, tội Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe khi thi hành công vụ.

Chiều 28/9, lãnh đạo Công an thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) làm việc với lực lượng của Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự và Cơ động để làm rõ clip có nội dung cảnh sát tuần tra giao thông đánh 2 học sinh.

Cùng ngày, mạng xã hội lan truyền clip dài hơn 5 phút có nội dung một cảnh sát giao thông (CSGT) và một cảnh sát trật tự dùng dùi cui đánh 2 thiếu niên đi xe máy. Sau khi đánh gãy dùi cui, cảnh sát trật tự đã dùng tay đánh và đá vào người một trong 2 học sinh. Một lúc sau, thêm 2 cảnh sát trật tự chạy môtô đến. Một trong 2 cảnh sát này đã đánh nam sinh.

Căn cứ kết quả giám định để xử lý

Trao đổi với Zing về vụ việc, luật sư, tiến sĩ Nguyễn Thành Tô (Tạ Quang Huy & Cộng sự, TP.HCM) cho biết cảnh sát chỉ được dùng vũ lực với 2 nam sinh trong trường hợp để ngăn chặn nếu 2 người này tiếp tục chạy xe ẩu, lạng lách và có thể gây nguy hiểm với những người xung quanh. Trong video, 2 nam sinh đã dừng xe và không gây tổn hại gì, cảnh sát chỉ được quyền xử phạt tại chỗ hoặc thu giữ xe máy để xử lý.

Theo luật sư Tô, hành vi của cảnh sát trong trường hợp này là hoàn toàn sai và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 hoặc tội Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác khi thi hành công vụ theo Điều 107 Bộ luật hình sự năm 1999.

Hành vi dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu học sinh có thể bị khởi tố-1
Hình ảnh cảnh sát đánh 2 học sinh được camera của một nhà kho ghi lại.

“Trường hợp cảnh sát gây thương tích khi đang thi hành công vụ phải chứng minh được mình đang thi hành công vụ. Họ được chỉ đạo từ cấp trên hay lịch trực công tác. Trường hợp không thi hành công vụ, cảnh sát sẽ bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích. Trong cả 2 trường hợp, kết quả giám định thương tật sẽ là căn cứ để xử phạt”, luật sư Tô phân tích.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 107 BLHS 1999, luật sư Tô cho biết người nào trong khi thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép, gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Trường hợp cảnh sát trật tự ngồi sau đánh cả 2 nam sinh có thể bị xử phạt theo khoản 2 Điều 107 BLHS 1999, hình phạt là 2-7 năm tù.

Ngoài ra, theo điều luật này, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.

Còn trong trường hợp cảnh sát đang không thi hành công vụ, sẽ xử phạt theo Điều 134 BLHS 2015. Mức độ xử lý cũng phụ thuộc vào kết quả giám định thương tật. Người phạm tội có thể bị xử phạt nhẹ nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, mức độ xử phạt còn có thể là phạt tù 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Có thể bị khởi tố về tội giết người

Theo đoạn clip ghi lại, nam sinh lái xe ngồi trước đã tháo mũ bảo hiểm, nhưng người cảnh sát trật tự vẫn cầm mũ bảo hiểm đập vào đầu nam sinh này.

Luật sư Tô cho rằng hành vi này của người cảnh sát trật tự hoàn toàn có thể bị khởi tố về tội giết người.

Theo luật sư Tô, mũ bảo hiểm nếu đạt chuẩn sẽ rất cứng, có thể cản được những vật cứng tác động. Đây có thể coi là hung khí nguy hiểm. Còn đầu là phần trọng yếu của cơ thể, quyết định sự sống chết của con người nếu bị tác động.

“Phải xét đến yếu tố người cảnh sát có cố ý muốn gây tổn hại sức khỏe tới người bị hại hay không. Nếu hành vi diễn ra liên tục, việc cảnh sát cầm mũ bảo hiểm (hung khí nguy hiểm) đánh vào đầu nam sinh (vùng trọng yếu cơ thể) đã cấu thành tội giết người”, luật sư Tô phân tích.

Trong trường hợp này, người cảnh sát trật tự dùng mũ bảo hiểm đánh nam sinh có thể bị khởi tố theo Điều 123 BLHS 2015 về tội giết người.

Ngày 28/9, mạng xã hội lan truyền clip dài hơn 5 phút có nội dung một cảnh sát giao thông (CSGT) và một cảnh sát trật tự dùng dùi cui đánh 2 thiếu niên đi xe máy. Sau khi đánh gãy dùi cui, nam cảnh sát trật tự đã dùng tay đánh và đá vào người một trong 2 học sinh. Một lúc sau, thêm 2 cảnh sát trật tự chạy môtô đến. Một trong 2 cảnh sát này đã đánh nam sinh.

Nói với Zing, đại úy cảnh sát trật tự C.M.T. (Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự và Cơ động Công an Vĩnh Châu) cho biết vụ việc xảy ra chiều 25/9. Khi đó, đại úy này ngồi sau môtô do một thượng úy CSGT cầm lái.

Khi 2 cảnh sát này phát hiện 2 nam sinh đi xe trên 100 phân khối, nên ra lệnh dừng phương tiện để kiểm tra giấy tờ. Nam sinh cầm lái đã tăng tốc bỏ chạy trên đường Nam Sông Hậu, từ phường Vĩnh Phước đến xã Vĩnh Hải thì dừng lại trước nhà kho. Camera của nhà kho đã quay lại cảnh đại úy T. và thượng úy CSGT đánh 2 học sinh.

“Hai học sinh không có giấy phép lái xe, chạy xe trên 100 phân khối. Em cầm lái chạy lạng lách, ép xe CSGT, nên chúng tôi nóng giận”, đại úy T. nói với Zing.

“Người chạy xe máy đã chèn ép môtô của CSGT, không cho vượt lên. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì mình đã sai, để có báo cáo, tường trình rõ vụ việc mới tính được”, đại tá Lâm Thành Sol, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ.

Lãnh đạo Công an thị xã Vĩnh Châu cho biết đã đình chỉ công tác 4 cán bộ của Đội CSGT - Trật tự và Cơ động trong 2 tháng.

 

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/hanh-vi-dung-mu-bao-hiem-danh-vao-dau-hoc-sinh-co-the-bi-khoi-to-post1359621.html?fbclid=IwAR3amETzt6dafrwpIRXhscWtCf0vZb9NEnj_eDWoLl7HfUPnXVVzMY8mWYE

cảnh sát giao thông

đánh người


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.