Hơn 37.000 người ở Bắc Giang thuộc diện F1, F2

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, địa phương này đang có 3 ổ dịch lớn với 411 F0 và hàng chục nghìn người thuộc diện F1, F2.

Sáng 18/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế đến làm việc với tỉnh Bắc Giang về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tại khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên), trao đổi cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay quan điểm của Việt Nam là đánh chặn, đánh nhanh, phải quây rộng ngay để "co vào lõi của dịch, từ đó chỉ phong tỏa lõi của dịch".

“Nếu không không chặn được dịch, virus lây rất nhanh cộng thêm môi trường khu công nghiệp”, ông Long nhấn mạnh.

F0 tiếp tục tăng nhanh

Sáng 18/5, theo báo cáo về tình hình trên địa bàn của UBND tỉnh Bắc Giang, tính đến hết ngày 17/5, địa phương này có 3 ổ dịch. Tổng số F0 là 411, 6.581 F1 và 30.654 F2. Tính riêng 2 ngày 16 và 17/5, tỉnh này có hơn 200 ca dương tính mới.

Cụ thể, tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (liên quan Bệnh viện K, Hà Nội), ổ dịch này có 6 ca F0, đã được khống chế, không còn khả năng bùng phát ra cộng đồng.

Tại Công ty Shin Young, khu công nghiệp Vân Trung (liên quan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2), ổ dịch này có 210 F0, F1: 4.499, F2: 22.077. Hiện nay, hàng ngày ổ dịch này vẫn gia tăng số lượng F0, tuy nhiên, các ca nhiễm mới chủ yếu đã được cách ly tập trung, ít có khả năng lây lan rộng sang doanh nghiệp khác và cộng đồng.

Hơn 37.000 người ở Bắc Giang thuộc diện F1, F2-1
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác chống dịch Covid-19 tại khu công nghiệp Quang Châu sáng 18/5. Ảnh: Đức Anh.

Tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, khu công nghiệp Quang Châu, từ 14/5 đến nay, ổ dịch này đã có 190 F0, F1: 1.736, F2: 4.813. Tất cả trường hợp F0 tập trung chủ yếu công nhân xưởng 4. Ngoài ra, các ca dương tính xuất hiện ở xưởng 1-4 nhưng số lượng ít hơn. Trên cơ sở kết quả xét nghiệm, tỉnh Bắc Giang xác định toàn bộ công nhân làm việc tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam là F1 (khoảng 4.000 người).

Trong những ngày tới, số lượng ca dương tính tại ổ dịch này vẫn tiếp tục tăng do các công nhân F1 đã tiếp xúc đến giai đoạn bệnh khởi phát. Ngoài ra, số lượng mẫu xét nghiệm được lấy tiếp tục chạy có kết quả, tuy nhiên, số công nhân này đã được đưa đi cách ly tập trung và trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, ổ dịch này từ ngày 17/5 đã xuất hiện rải rác 5 trường hợp F0 tại một số công ty thuộc khu công nghiệp Đình Trám, bao gồm Công ty cổ phần Vietnam Sunergy (3), Công ty Fuhong (1), Công ty ty Moatech (1). Tổng số công nhân của 3 công ty khoảng 10.825, bước đầu xác định liên quan đến F0 của Công ty TNHH Hosiden Việt Nam.

Hơn 37.000 người ở Bắc Giang thuộc diện F1, F2-2
Hàng trăm mẫu bệnh phẩm chờ xét nghiệm tại CDC Bắc Giang. Ảnh: Phạm Thắng.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bắc Giang tối muộn 17/5, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhận định chưa bao giờ dịch lại phức tạp như hiện nay. Trong các KCN, Quang Châu là khu vực nặng nhất, có nhiều ca dương tính lây lan mạnh. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng có công nhân mắc Covid-19.

Ông Dương cho biết 2 ngày qua, Bắc Giang tập trung lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ công nhân, người dân sống ở quanh KCN như: Quang Châu, Song-Nội Hoàng, Vân Trung, Đình Trám.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh chủng virus tỉnh này đang phải chống chọi có tốc độ lây lan nhanh. Những lần dịch trước Bắc Giang đều dập dịch thành công vì đó là chủng cũ, có thời gian ủ bệnh, lây chậm.

Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định ổ dịch tại Bắc Giang có tốc độ lây nhiễm rất nhanh. Đó là do có sự lây nhiễm chéo giữa phân xưởng với phân xưởng, công ty với công ty.

"Trận chiến rất cam go, phức tạp"

Sáng nay, sau khi thị sát tại khu công nghiệp Quang Châu, Bộ trưởng Y tế đã đến thăm Bệnh viện dã chiến số 1 (đặt tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh Bắc Giang). Ông Nguyễn Thanh Long gửi lời chúc tới tất cả nhân viên y tế giữ vững tinh thần, quyết tâm điều trị bệnh nhân.

“Về chuyên môn, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tỉnh bằng việc khám, chữa bệnh từ xa. Ngoài ra Bộ Y tế sẽ thiết lập một bộ phận ICU riêng tại đây. Bệnh nhân diễn biến nặng sẽ không cần chuyển về Hà Nội và được điều trị tại chỗ”, ông Long cho hay.

Bộ trưởng cũng cam kết sẽ đảm bảo đủ cho ngành y tế Bắc Giang các trang thiết bị phòng hộ. Ông đề nghị lãnh đạo bệnh viện nếu thiếu có thể báo cho UBND tỉnh, Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ về thiết bị phòng hộ để đảm bảo không lây nhiễm từ bệnh nhân ra nhân viên.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành y tế đề nghị lãnh đạo bệnh viện lưu ý về dinh dưỡng, đời sống, chăm sóc bệnh nhân cũng như nhân viên y tế.

“Biết rằng trận chiến này rất cam go, phức tạp, đội ngũ y tế của tỉnh lại chưa quen với việc điều trị bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, Bắc Giang cũng đã nhanh chóng thiết lập bệnh viện dã chiến để điều trị là điều rất tốt”, Bộ trưởng nhận định.

Trước tình hình dịch cấp bách tại Bắc Giang, sau khi lãnh đạo tỉnh kêu gọi sự hỗ trợ về nhân lực xét nghiệm lấy mẫu, truy vết..., nhiều tỉnh, thành phố và các đơn vị đã cử lực lượng chi viện địa phương này dập dịch.

Ngày 15/5, các y, bác sĩ của tỉnh Quảng Ninh cùng thiết bị y tế đã lên đường đến Bắc Giang. 200 y bác sĩ của Quảng Ninh tình nguyện tới Bắc Giang cùng chống dịch. Họ phải làm việc với cường độ căng thẳng, bất kể ngày đêm, lấy hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm, truy vết tại khu công nghiệp Quang Châu và địa bàn huyện Việt Yên.

Hơn 37.000 người ở Bắc Giang thuộc diện F1, F2-3
Bệnh viện Nội tiết tỉnh Bắc Giang trở thành nơi chuyên điều trị người mắc Covid-19. Ảnh: Đức Anh.

Chiều 17/5, TP. Hà Nội thành lập "đội đặc nhiệm" gồm 20 người chi viện Bắc Giang do Phó giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát Bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn phụ trách.

Tỉnh Yên Bái chi viện 15 cán bộ, y, bác sỹ, nhân viên y tế lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch. Tỉnh này cũng hỗ trợ 2.000 bộ kit rRT-PCR xét nghiệm SARS-CoV-2 trị giá gần 1 tỷ đồng cho tỉnh Bắc Giang thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.

Không chỉ riêng ngành y tế, các lực lượng công an, quân đội cũng không đứng ngoài cuộc.

Sau khi nhận lệnh điều động từ Bộ Quốc phòng, đêm 16/5, 130 người gồm giảng viên, học viên năm cuối của Học viện Quân y đã lên đường giúp tỉnh Bắc Giang chống dịch Covid-19. Học viện Quân y cũng điều động 9 xe chở quân; 2 xe cứu thương, 3 xe tải nhẹ, 5 xe container chở thiết bị của 2 phòng xét nghiệm, một nhà bạt chuyên dụng của bệnh viện dã chiến.

Ngày 17/5, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) tổ chức lễ xuất quân chi viện 300 cán bộ, chiến sĩ để phối hợp, hỗ trợ Công an tỉnh Bắc Giang tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự và phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ Y tế đã 3 lần làm việc với Bắc Giang để thống nhất phương án chống dịch. Hiện tại, Bộ Y tế tập trung nguồn lực, xem xét thành lập bộ phận thường trực của Bộ tại Bắc Giang để kịp thời hỗ trợ phòng, chống dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định Bộ sẵn sàng hỗ trợ Bắc Giang chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất có thể.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/hon-37000-nguoi-o-bac-giang-thuoc-dien-f1-f2-post1216585.html?fbclid=IwAR0uQMmCAmAD7HzqXJYoZ6pNQln0r0fOKHkzZRxbikdGE_q6yHiuJJPEngY

Covid-19 Bắc Giang

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.