Lời khai bất ngờ của đối tượng sản xuất 1 tấn mỹ phẩm giả: Làm để thỏa mãn đam mê, sẵn sàng làm theo mẫu khách đặt

Theo lời khai của Nguyễn Thị Giang (quận Nam Từ Liêm) cho biết bản thân có niềm đam mê pha chế hóa chất, sẵn sàng làm hàng giả theo mẫu thật mà người đặt hàng mang đến. Người phụ nữ này cũng thừa nhận sản phẩm và bao bì cơ quan chức năng vừa thu giữ là do cơ sở này làm giả.

Ngày 10/6, lãnh đạo Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) thông tin, qua công tác trinh sát nắm tình hình địa bàn, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận đã phát hiện, triệt phá đường dây chuyên tiêu thụ các loại mỹ phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó Đội Cảnh sát kinh tế, công an quận Bắc Từ Liêm thu giữ 1.500 hộp mỹ phẩm dưỡng da với trọng lượng gần 1 tấn khi các đối tượng vận chuyển đang tiến hành giao hàng trên địa bàn phường Phúc Diễn.

Cụ thể, nắm được nhu cầu sử dụng mỹ phẩm nhãn hiệu DAKAMI có trụ sở tại: số 16A, ngách 61, ngõ 230 phố Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội của người tiêu dùng, một nhóm người đã tổ chức sản xuất mỹ phẩm giả.

Bước đầu xác định Nguyễn Quang Huy, SN: 1997, ở 150 An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội từng làm việc tại các công ty mỹ phẩm, đã móc nối với Vũ Thường Thái, SN: 1990, ở thôn Thượng, Điền Xá, Nam Trực, Nam Định để đặt hàng Nguyễn Thị Giang SN: 1988, ở Yên Lộc, Ý Yên, Nam Định.

Nguyễn Thị Giang được biết đến là người chuyên kinh doanh mỹ phẩm tại số 10, ngách 82, ngõ 341 Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Giang đã sản xuất các loại mỹ phẩm giả của nhãn hiệu DAKAMI sau đó dự định đưa hàng giả nhãn hiệu DAKAMI ra thị trường tiêu thụ để kiếm lời bất chính.

Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng đã tiến hành khám xét ngôi nhà trên địa bàn phường Xuân Phương thu giữ nhiều loại mỹ phẩm, hóa chất và máy móc để sản xuất ra mỹ phẩm giả.

Lời khai bất ngờ của đối tượng sản xuất 1 tấn mỹ phẩm giả: Làm để thỏa mãn đam mê, sẵn sàng làm theo mẫu khách đặt-1
Lợi dụng sức hấp dẫn của sản phẩm thật, các đối tượng đã cấu kết làm giả hàng nghìn sản phẩm (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ các loại nguyên liệu cũng như giấy phép sản xuất mỹ phẩm.

Trong 1 phóng sự được phát sóng trên chương trình Chuyển động 24h, người phụ nữ tên Nguyễn Thị Giang (quận Nam Từ Liêm) cho biết có niềm đam mê pha chế hóa chất, sẵn sàng làm hàng giả theo mẫu thật mà người đặt hàng mang đến.

"Các bạn mang mẫu xuống cho mình và yêu cầu mình làm giống y chang như thế. Còn những hóa chất các bạn thấy ở đây đều là để thỏa mãn đam mê nghiên cứu mỹ phẩm của mình. Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm này, cái bao bì này đúng là bên mình làm giả", Nguyễn Thị Giang cho biết.

Lời khai bất ngờ của đối tượng sản xuất 1 tấn mỹ phẩm giả: Làm để thỏa mãn đam mê, sẵn sàng làm theo mẫu khách đặt-2
Nguyễn Thị Giang (quận Nam Từ Liêm) chủ cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả

Nắm được nhu cầu thị trường tiêu thụ nhiều loại mỹ phẩm dưỡng da, Nguyễn Quang Huy đã liên hệ với chủ xưởng để đặt sản xuất hàng giả theo mẫu thật. Dù giá hàng thật ngoài thị trường gần 800.000 đồng thế nhưng qua xưởng sản xuất bằng công nghệ xô chậu và hóa chất không rõ nguồn gốc thì giá thành phẩm chỉ 44.000 đồng. Lợi nhuận chênh lệch lên tới gần 20 lần khiến các đối tượng này bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Quang Huy (quận Tây Hồ) khai nhận, "Em nhận thức hành vi của mình là sai trái, em cũng lo ngại ảnh hưởng sức khỏe và làn da của người tiêu dùng nên em cũng chưa bán ra thị trường".

Lời khai bất ngờ của đối tượng sản xuất 1 tấn mỹ phẩm giả: Làm để thỏa mãn đam mê, sẵn sàng làm theo mẫu khách đặt-3Lời khai bất ngờ của đối tượng sản xuất 1 tấn mỹ phẩm giả: Làm để thỏa mãn đam mê, sẵn sàng làm theo mẫu khách đặt-4Lời khai bất ngờ của đối tượng sản xuất 1 tấn mỹ phẩm giả: Làm để thỏa mãn đam mê, sẵn sàng làm theo mẫu khách đặt-5
Hàng giả được sản xuất tinh vi, giống hệt sản phẩm thật (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Trung tá Đoàn Văn Đông, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết: "Hiện đã đủ căn cứ xác định các đối tượng này sản xuất hàng giả, cơ sở sản xuất không đảm bảo quy định của nhà nước".

Theo thông tin trên báo Vietnamnet, Căn cứ tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm quyết định tạm giữ hình sự các với Nguyễn Quang Huy, Vũ Thường Thái, Nguyễn Thị Giang để điều tra, làm rõ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

Công an quận Bắc Từ Liêm tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý tiếp với những người khác có liên quan vào công đoạn sản xuất hàng giả nêu trên.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doanhnghieptiepthi.vn/loi-khai-bat-ngo-cua-doi-tuong-san-xuat-1-tan-my-pham-gia-lam-de-thoa-man-dam-me-san-sang-lam-theo-mau-khach-dat-161211006172908691.htm

Mỹ phẩm

hàng giả


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.