Mẹ Hà Nam 10 năm mong con mòn mỏi, khi sinh đôi lại chỉ biết đờ đẫn chẳng nhìn con

10 năm mong ngóng con yêu nhưng cuối cùng khi được làm mẹ rồi, chị Du Thị Sáu (Hà Nam) lại bị trầm cảm sau sinh, không nhớ cả các con mình.

10 năm mong ngóng con yêu nhưng cuối cùng khi được làm mẹ rồi, chị Du Thị Sáu (Hà Nam) lại bị trầm cảm sau sinh, không nhớ cả các con mình.

Gần 50 tuổi mới được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ đầu tiên nhưng đáp lại niềm vui đó, trên gương mặt chị Du Thị Sáu (Hà Nam) lại thẫn thờ. Chị nhìn 2 đứa con mới sinh được 4 tháng với đôi mắt vô hồn, không cảm xúc, mặc kệ chúng khóc, đòi ăn, mặc kệ đôi vai gầy của mẹ chồng 1 nách 2 cháu.

Có lẽ ở vùng quê Ngọc Lũ, Bình Lục, Hà Nam, đến bây giờ khi nhìn thấy trường hợp chị Sáu, mọi người mới hiểu rõ được căn bệnh “trầm cảm sau sinh” nguy hiểm đến mức nào. 

Chị Du Thị Sáu bị trầm cảm sau sinh, thẫn thờ ngồi bên cạnh 2 con.

Trái ngọt kép sau 10 năm mong mỏi con

Chị Du Thị Sáu lấy chồng vào tháng 3/2007. Cuộc sống của vợ chồng chị cứ êm đềm trôi qua với lợn gà, nhà cửa, với mấy sào ruộng mà thiếu vắng tiếng khóc cười trẻ thơ. Mẹ chồng chị, anh em, hàng xóm cũng giục có con bồng con bế nhưng chẳng hiểu sao vợ chồng chị cứ ngóng mong mãi mà không được. Vợ chồng chị cũng sốt ruột lắm nhưng chẳng biết làm thế nào.

Chồng chị đi làm hàn xì ở miền Nam, đến khi về nhà cũng rơi vào những cơn say. Một năm, hai năm, ba năm,… rồi đến 10 năm, thời gian cứ thế vùn vụt trôi qua trong ngôi nhà nhỏ 3 người (vợ chồng chị ở cùng mẹ chồng). Chị và chồng được người thân đưa ra Hà Nội rồi vào trong tận Sài Gòn để chữa bệnh nhưng vì không có tiền nên đành bỏ dở.

Mãi đến năm 2017, một người thân biết được chương trình hỗ trợ kinh phí thụ tinh trong ống nghiệm cho những cặp vợ chồng nghèo ở bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội), vợ chồng chị mới có được cơ hội làm bố, làm mẹ sau 10 năm trời ngóng trông.

“Chồng dì ấy cũng yếu nên mãi không có con mà cũng say xỉn suốt. Năm 2017, nhận được khuyến tặng thụ tinh trong ống nghiệm của Bệnh viện Bưu Điện, dì ấy làm thì được 4 phôi, sau cấy 2 phôi thì đậu cả 2.

Một tháng trời dì ấy ở trên đấy một mình điều trị, có bà chị đưa lên rồi lại về không ở cùng được. Dì ấy cũng khổ lắm, về lại làm suốt lợn gà, nhà cửa có được nghỉ ngơi lúc nào đâu”, cô Du Thị Đông – chị gái chị Sáu chia sẻ.

Niềm hạnh phúc được làm mẹ của chị Sáu ở độ tuổi ngoài tứ tuần khiến cho chị có động lực hơn. Thế nhưng, chồng tối ngày say xỉn, rượu chè không giúp gì được đôi lúc khiến chị tủi thân. Nghĩ đến con chị lại phải gạt nước mắt, một mình hoàn thành tất cả mọi công việc, chăm đàn lợn, đàn gà, đàn vịt dù “bầu đã to vượt mặt”.

Có lẽ vì làm lụng vất vả nhiều cũng như có con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm nên chị Sáu phải sinh non ở tuần thứ 32, một trai một gái, bé gái nặng 1,2kg, còn bé trai nặng 1,5kg.

Chị Sáu sinh đôi sau 10 năm mong ngóng con. Bé gái nằm nhiều nên đầu hơi méo.

Bị trầm cảm sau sinh, mẹ đờ đẫn chỉ muốn cho con đi

Hai bé nhà chị Sáu sinh ngày 25/2 (10/1 âm lịch). Vì 2 bé sinh non nên phải nằm trong lồng kính gần 1 tháng trời.

Trong khoảng thời gian đó, chị Sáu phải thuê nhà trọ ở gần bệnh viện để tiện qua lại với con. Một mình đôi vai chị lại phải lo toan mọi thứ giữa Hà Nội đắt đỏ. Cũng vì lo lắng về tình hình sức khỏe con cũng như về kinh tế gia đình, những buổi tối không ngủ được khi sữa về, trong khi không có ai ở bên khiến chị bị trầm cảm sau sinh.

“Các bé nằm lồng ấp nửa tháng được ra viện. Vì không có điều kiện nằm ghép mẹ ở viện nên các bé được cô chủ nhà trọ cũng là bác sĩ ở viện thương nhận đón về nhà theo dõi hộ. Lúc đó bé trai được 1,8kg còn bé gái 1,6kg.

Các bé nằm ở đó nửa tháng mới đón về quê nhưng về được 5 ngày sau lại phải lên viện Nhi Trung Ương gấp. Cả 2 bé đều bị viêm phổi cấp, bé trai bị thêm viêm màng não.

Thời gian đó, dì ý cũng bị trầm cảm rồi nhưng bà chủ nhà trọ cho uống thuốc cũng đỡ và ổn định. Người nhà thỉnh thoảng lên đỡ cho vài hôm còn đâu một mình dì phải lo lắng suốt một tháng ở đó”, cô Đông kể.

Hiện nay, bé trai được 5kg, bé gái được 4kg. Cả 2 bé đều chưa biết hỏi chuyện.

Cũng kể từ ngày các con lên viện Nhi, mệt mỏi với những ngày chăm con ở viện, cộng với việc lo nghĩ quá nhiều về kinh tế nuôi con, trả nợ nên bệnh trầm cảm sau sinh của chị Sáu càng nặng hơn, gương mặt chị thẫn thờ, lúc nào chị cũng lẩm bẩm lấy tiền đâu mua sữa, bỉm cho con.

Tình hình chị như vậy nên gia đình phải cho chị về nhà khi bé gái được xuất viện sau 14 ngày nằm viện. Còn bé trai tình hình nặng hơn nên phải nằm ở viện 1,5 tháng để theo dõi.

“Dì về nhà tỉnh táo được 2-3 ngày rồi sau đó là đờ đẫn không biết gì. Khó khăn có con là thế mà bị trầm cảm có đôi lúc em gái tôi bảo: “Em làm sao ý chẳng có cảm tình gì với con” và đa phần bảo cho đi. Chồng dì thì say xỉn, lên viện chăm con uống rượu say quên cả cho con ăn, các bác sĩ phải thường xuyên cho ăn hộ”, cô Đông rưng rưng.

Mẹ chồng 73 tuổi lọm khọm, gầy nhom 2 tay bế 2 cháu, nuôi 4 người trong nhà

Hiện nay, mặc dù 2 bé sinh đôi nhà chị Sáu đã được về nhà 2 tháng nhưng mọi công việc chăm bẵm đều do bà Lại - mẹ chồng chị Sáu lo liệu. Thậm chí, ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng bà Lại vẫn phải lo lắng cho cả 2 vợ chồng chị Sáu.

Đôi vai gầy còm, trơ xương của bà dù bị đè nặng bởi con cái, 2 cháu sinh đôi, lợn gà, vườn tược nhưng bà vẫn phải cố gắng để lo liệu.

“Dì Sáu bị trầm cảm cứ u u mê mê, đi ra ngoài đường mẹ chồng còn phải tìm dắt về, dì cũng chẳng nhớ được tên mẹ đẻ với đường về nhà nữa. Còn người chồng vẫn tối ngày say xỉn. Từ lúc các con về đến giờ chồng dì có ngày nào tỉnh đâu, họa chăng được 1-2 ngày giúp đỡ bà chăm con một ít nhưng không đáng kể”, cô Đông thở dài.  

Cô Đông tâm sự, suốt mấy tháng nay, anh em cô đã giúp hết sức nhưng cũng không thể giúp được, đến bây giờ mọi người phải đi làm để kiếm tiền, vì vậy, đôi vai của bà nội 73 tuổi phải gánh gồng tất cả, phải còng lưng bòn từng mớ rau ngoài vườn nhờ người bán để nuôi cả gia đình, nuôi các cháu bé bỏng, rồi tất tả đi xin sữa cho các cháu.

Bà Lại lọm khọm, gầy hom hem chăm 2 cháu.

Đáng nhẽ, ở cái tuổi của bà sẽ được nghỉ ngơi nhưng bà vẫn phải luôn tay luôn chân chăm con mọn. Mỗi khi đêm xuống, bà lại phải thức trọn đêm để trông cả 2 cháu, cứ 2 tay 2 bé, một tay bế một bé cho ăn, còn một tay cầm bình giữ cho bé nằm giường ăn, rồi thay quần cho các cháu. 

“Trộm vía 2 bé ngoan và biết thương bà nên không trớ hay sặc gì hết. Ban ngày, anh em hàng xóm cũng đỡ bà được ít để bà lợn gà, rau cỏ sống qua ngày. Nhiều người cũng thương còn mang sữa vắt được đến cho. Tôi cũng đi sang làng bên xin sữa của các mẹ khác nữa.

Bé gái còn được uống sữa mẹ đi xin chứ còn bé trai ăn hoàn toàn bằng sữa ngoài. Mọi người cũng mang quần áo đến cho các cháu nên các cháu cũng có quần áo mặc”, cô Đông chia sẻ.

Cô Đông tâm sự mặc dù khó khăn vất vả là vậy, mỗi ngày phải lo toan cho 2 cháu nhỏ và công việc gia đình rồi cả lo cho 2 vợ chồng chị Sáu nhưng bà vẫn cố gắng vượt qua. Dù thế nào bà vẫn quyết tâm nuôi các cháu lớn lên được khỏe mạnh và mong muốn con dâu có thể sớm khỏi bệnh.

---

Vào Ngày hội tư vấn hiếm muộn 2018 với chủ đề “Vô sinh Nam – Cơ hội được làm cha” tháng 8 tới, Bệnh viện Bưu Điện sẽ hỗ trợ kinh phí làm thụ tinh trong ống nghiệm cho 80 cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của BV.

Theo đó, mỗi cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đủ điều kiện xét duyệt sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng. Điều kiện để được hỗ trợ kinh phí điều trị phải là bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn có chỉ định của bác sĩ phải làm thụ tinh trong ống nghiệm. Gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và chưa có con lần nào.

Bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn có thể nộp hồ sơ từ ngày 2/7/2018 đến ngày 31/8/2018 (trong giờ hành chính)  hoặc liên hệ trực tiếp đến Bệnh viện Bưu Điện để được tư vấn cụ thể.


Theo Khám Phá


hiếm muộn

trầm cảm sau sinh

mẹ trầm cảm sau sinh

thụ tinh trong ống nghiệm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.