“Mẹ” Trần Mai Anh: Số phận không may mắn của Thiện Nhân đã mở ra cánh cửa hy vọng cho nhiều cuộc đời khác

Đó là người phụ nữ đã có hai đứa con, lặn lội từ Hà Nội vào tận Đà Nẵng để nhận một đứa bé đỏ hỏn vừa sống sót 72 giờ sau khi bị thú ăn mất bộ phận sinh dục và một phần chân làm con

Đó là người phụ nữ đã có hai đứa con, lặn lội từ Hà Nội vào tận Đà Nẵng để nhận một đứa bé đỏ hỏn vừa sống sót 72 giờ sau khi bị thú ăn mất bộ phận sinh dục và một phần chân làm con. Và đứa con ấy đã mở ra một hành trình thật dài, và cũng thật đong đầy cảm xúc cho chị.

“Mẹ” Trần Mai Anh: Số phận không may mắn của Thiện Nhân đã mở ra cánh cửa hy vọng cho nhiều cuộc đời khác - Ảnh 1.

Tôi không lý giải được vì sao mỗi lúc nhìn Thiện Nhân mình đều có thể sụt sùi, dù trước đó chẳng hề có ý bi lụy thêm những câu chuyện về em. Có lẽ vì, Thiện Nhân quá đẹp, khôi ngô và có phần thông minh nữa. Chẳng phải là khó khăn lắm sao khi phải cố gắn kết những nét bình yên trên gương mặt thơ ngây ấy với những bất hạnh mà em phải đương đầu trong suốt 10 năm qua.

Nhưng Thiện Nhân không cô đơn. Trên hành trình tìm lại cuộc sống như một cậu bé và sau này là một người đàn ông đích thực của Thiện Nhân, cậu có mẹ Mai Anh.

Đó là người phụ nữ (đã có hai đứa con) lặn lội từ Hà Nội vào tận Đà Nẵng để nhận một đứa bé đỏ hỏn vừa sống sót 72 giờ sau khi bị thú ăn mất bộ phận sinh dục và một phần chân làm con. Sự nhiệt thành và tình yêu quá lớn ở giây phút ấy đã khiến mẹ Mai Anh không lường được rằng mình vừa bước chân vào một hành trình mà có lẽ chẳng bao giờ đến đích và thật khó đoán định: đi tìm hạnh phúc cho Thiện Nhân và những đứa trẻ giống em.


Ngoài vai trò làm mẹ của một cậu bé được cả xã hội yêu thương, nhà báo Mai Anh còn là người sáng lập, điều phối chương trình “Thiện Nhân và những người bạn”. Đầu năm nay, chị còn được Tạp chí Forbes uy tín tôn vinh là 1 trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam.

Với 1.000 hồ sơ những bé trai, bé gái bị khiếm khuyết cơ quan sinh dục chờ được thay đổi số phận mà ê kíp “Thiện Nhân và những người bạn” tiếp nhận, hành trình tuyệt vời của mẹ Mai Anh và những bác sĩ tâm huyết đang diễn ra, được khích lệ để tiếp tục và sẽ còn vươn xa.

“Mẹ” Trần Mai Anh: Số phận không may mắn của Thiện Nhân đã mở ra cánh cửa hy vọng cho nhiều cuộc đời khác - Ảnh 3.

Chị Mai Anh lý giải việc Thiện Nhân được sinh ra năm 2006 và gánh chịu nỗi đau tột cùng là một cột mốc đầu tiên nhưng chẳng ai mong muốn của chương trình “Thiện Nhân và những người bạn”.

“Thiện Nhân bị bỏ lại trên núi sau khi ra đời, bị con thú ăn chân, bộ phận sinh dục, tinh hoàn và con phải chịu thương tật 75% như thế, thì đó là một cột mốc không ai mong muốn cả. Và Thiện Nhân đã tồn tại 72 giờ sau bi kịch ấy để sống đến tận ngày hôm nay. Chính điều đó đã tạo nên khởi đầu cho câu chuyện dài, mà ở đó, nó gắn kết rất nhiều số phận không may giống như em trong một hành trình dài”, chị Mai Anh chia sẻ.

Một cột mốc tiếp theo của “Thiện Nhân và những người bạn” chính là việc tìm ra được bác sĩ Roberto De Castro ở Bệnh viện Bologna, Ý. Năm 2010, ông công bố công trình phẫu thuật và tái tạo thành công bộ phận sinh dục, giữ được chức năng, cảm giác và cả sự phát triển cùng với cơ thể.

Bác Đinh Tuệ và các bác sĩ khác ở Mỹ biết về câu chuyện của Thiện Nhân đã khuyến khích gia đình chị Mai Anh tiếp xúc với bác sĩ người Ý này. Bác sĩ Roberto đã nhận bé Thiện Nhân và gia đình sang Ý phẫu thuật. Đó là một cột mốc thứ hai, rất quan trọng trong việc tái tạo cơ quan sinh dục cho Thiện Nhân và các em bé khác.

“Mẹ” Trần Mai Anh: Số phận không may mắn của Thiện Nhân đã mở ra cánh cửa hy vọng cho nhiều cuộc đời khác - Ảnh 4.

“Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu không có một thằng bé bị bất hạnh như vậy, không có những câu chuyện tiếp theo xảy ra thì chẳng biết những số phận khác sẽ như thế nào...”, chị Mai Anh trầm tư khi nói.

Như có thứ cảm xúc nào đó chợt dâng lên trong lòng, chị tiếp tục câu nói mình bỏ lửng: “Nhiều lúc, mình cũng thương Thiện Nhân nhất trong cái hành trình này vì mọi thứ luôn luôn khởi đầu từ thằng bé, kể cả bất hạnh. Nếu thằng bé thành công tuyệt đối với ca phẫu thuật 1,5 tỷ đồng ở Ý năm ấy thì lại chẳng có ngày hôm nay.

Sau khi được rất nhiều người ủng hộ phẫu thuật, Thiện Nhân về Việt Nam đúng mùa nồm ẩm sau Tết. Vết thương bị nhiễm trùng. Con chim xinh xinh giá 1,5 tỷ mà bị thế thì tuyệt vọng lắm. Cả nhà khóc lã chã. Tôi lại cố gắng mời bác sĩ sang Việt Nam để khám cho Thiện Nhân. Lúc đó, giữa gia đình tôi và bác Roberto đã có tình cảm với nhau rồi.

Tôi thuyết phục bác: Bác sang đây đi, Việt Nam là một đất nước mới, tôi sẽ mời bác đi thăm vịnh Hạ Long. Sang đây thăm khám rồi bác sẽ đi du lịch một thể.

Tôi lại hỏi thêm rằng: Trong trường hợp bác sang đây mà tiện thể, nếu Việt Nam có những em bé khác tương tự như Thiện Nhân, thì bác có khám giúp không?

Bác Roberto rất tốt bụng, bác ấy bảo là có. Tôi bắt đầu đi tìm hiểu khắp nơi, tra cứu báo chí, tìm đến những gia đình có con bị khuyết bộ phận sinh dục. Thông báo trên báo chí rằng có bác sĩ sang đây thăm khám ai có nhu cầu không? Tôi bị bất ngờ khi cùng lúc có đến 110 hồ sơ gửi về. Nhiều hơn dự đoán ban đầu của tôi khá nhiều”.

“Mẹ” Trần Mai Anh: Số phận không may mắn của Thiện Nhân đã mở ra cánh cửa hy vọng cho nhiều cuộc đời khác - Ảnh 5.

Theo lời mời của chị Mai Anh, bác sĩ Roberto sang Việt Nam nhưng thay vì đi thăm thú vịnh Hạ Long, bác lại có 110 hồ sơ của các bệnh nhân đang chờ trước mặt.

Một điều khó là, khám cho trẻ con xong thì bác sĩ không thể nói với chúng rằng bác đã khám xong rồi, cháu bị nặng lắm, cảm ơn cháu, mời cháu về. Như thế không được! Vậy là có phát sinh thêm chuyện mới: Bác sĩ phải sang Việt Nam lần hai, sau khi thăm khám, để tiến hành phẫu thuật. Và đó là cột mốc thứ 3, một cột mốc mở ra hành trình dài sau đó.

Các bác sĩ ở Mỹ và Ý chỉ có 10 ngày lưu lại Việt Nam để tiến hành 35 ca trong số hơn 110 ca bệnh. Chị Mai Anh và những người trong ê kíp ngược xuôi kêu gọi, kiếm tiền để mổ cho 35 ca đấy.

“Hành trình bắt đầu từ đấy. Nó mở rộng ra và mở rộng đến độ chẳng có cách nào mà dừng nó lại được nữa. Không ngừng được vì đến nay đã có hơn 1.000 hồ sơ cả bé trai lẫn bé gái đang chờ được phẫu thuật bộ phận sinh dục. Cũng có rất nhiều đứa trẻ đã tạm biệt chương trình trở nên lành lặn và không bao giờ gặp nhau nữa. Có những em bước qua tuổi 18, 20, trở thành bố và đón những đứa con chào đời. Một câu chuyện nó có cả bất hạnh lẫn những hạnh phúc như thế, có nhiều người chung tay góp sức như thế... Làm sao mình dừng bây giờ?”, người sáng lập “Thiện Nhân và những người bạn” trải lòng.

“Mẹ” Trần Mai Anh: Số phận không may mắn của Thiện Nhân đã mở ra cánh cửa hy vọng cho nhiều cuộc đời khác - Ảnh 6.

Chị Mai Anh đang là mẹ đơn thân. Người phụ nữ gầy nhom, tóc cắt ngắn, đôi mắt lúc nào cũng như đang nheo cười phía sau cặp mắt kính dày một tay lo cho 3 đứa con và ngày đêm trăn trở vì dự án thiện nguyện đầy nhân văn của mình.

Vẫn biết hành trình của chị và bé Thiện Nhân sẽ còn rất dài, không ai biết bao nhiêu khó khăn còn chờ 2 mẹ con chị ở phía trước, nhưng hơn ai hết, chị vẫn lạc quan, có những cách riêng để giữ cho bản thân vững về tinh thần, mạnh mẽ về sức lực và cùng với Thiện Nhân đi tiếp hành trình. Có rào cản chị sẽ vượt qua. Có trở ngại thì chị sẽ tìm cách khắc phục. Người mẹ bé nhỏ với tình thương và sự mạnh mẽ của mình đã từng bước mang lại cuộc sống hoàn thiện về hình hài cũng như hạnh phúc của cậu con trai mình, cùng những đứa bé chung hoàn cảnh khác như thế.

Biết tới câu chuyện của chị Mai Anh và bé Thiện Nhân, không một ai là không yêu thương, không xúc động, không ngưỡng mộ. Thế nhưng, tự trong bản thân mình, có những thời điểm chị Mai Anh cũng rất sợ khi nghe đứa trẻ xa lạ nào đó gọi mình bằng mẹ đầy âu yếm. Bởi chị không biết liệu bản thân có còn đủ sức làm trọn nghĩa vụ của tên gọi thiêng liêng ấy hay không. Đã có thời gian chị tránh không gặp bọn trẻ và phụ huynh, chỉ theo dõi công việc qua hồ sơ và làm đúng trách nhiệm của mình. Lúc ấy, dù đỡ gầy, đỡ mất thời gian nhưng chị thấy mình vô cảm không khác gì robot.


Chị Mai Anh tâm sự về những quãng thời gian trăn trở:

“Vì mình có một đứa con bị bệnh nên rất hiểu tâm lý của những người mẹ và những đứa con khác như thế nào. Nó bị thiệt thòi ra sao khi đến trường học, sống trong môi trường xung quanh.

Có rất nhiều người mẹ không đủ can đảm. Người ta thương con nhưng cũng rất yếu đuối. Đặc biệt là khi họ bị xã hội đổ lỗi rằng phụ nữ như thế nào mà lại sinh con ra như vậy.

Thay vì tôi chỉ phải giúp các bé mổ thôi, thì tôi lại đi động viên tâm lý những người mẹ để họ vững tinh thần. Bố mẹ có ổn thì mới lo cho con tốt được. Các mối dây liên hệ nó cứ hình thành từ đó. Tôi thuộc từng hoàn cảnh của các gia đình. Trước những đứa trẻ thông minh, ngoan ngoãn, hiểu chuyện nhưng kém may mắn, việc ngăn mình yêu chúng là rất khó”, chị Mai Anh chia sẻ.

Một này nọ, chị Mai Anh lên chiến lược vẫn giúp đỡ mọi người nhưng hạn chế yêu mọi người đi để bớt khổ tâm, bớt khiến những nỗi đau của người khác hiển hiện trong cuộc sống của mình.

Trong vòng 1 năm, chị Mai Anh không gặp bọn trẻ cũng như phụ huynh của chúng. Chị tránh không chạm mặt khi họ đến nộp hồ sơ khám bệnh, vì cứ nhìn thấy là thương lắm không bỏ qua được.

“Mẹ” Trần Mai Anh: Số phận không may mắn của Thiện Nhân đã mở ra cánh cửa hy vọng cho nhiều cuộc đời khác - Ảnh 8.

Chị Mai Anh giao công việc tiếp bệnh nhân, nghe điện thoại của người nhà bệnh nhân cho mẹ với đồng nghiệp nắm. Chị chỉ theo dõi công việc trên các bộ hồ sơ, làm đúng trách nhiệm của mình.

Và điều bất ngờ đã xảy ra!

“Đúng là làm thế thì tôi đỡ gầy, đỡ mất thời gian nhưng thực sự việc cố gắng sống khác đi với trái tim của mình lại khiến tôi tiêu hao năng lượng nhiều hơn, vô cảm như một con robot. Hay nói cách khác, tôi chỉ đang xài thứ năng lượng trước đây mà tôi có chứ không sản sinh ra thêm.

Tôi gặp bọn trẻ, có bọn nó làm niềm vui, rồi rối rít nói chuyện với phụ huynh... tình yêu và năng lượng làm việc được sản sinh trong lúc đấy. Có nó, tôi mới làm được nhiều việc hơn và cuộc sống của tôi mới vui hơn. Tôi không thể giúp người mà mình không đau cùng nỗi đau của họ”, chị Mai Anh nhận ra.

Sau thời gian thử ngừng yêu mọi người, chị quyết định trở về là chính mình, không làm robot nữa, làm người vậy.

Cuối cùng thì chỉ có tình yêu và cảm xúc thật xuất phát từ một trái tim biết thấu cảm mới có thể truyền năng lượng tích cực cho những người xung quanh, những đứa trẻ và bố mẹ chúng. Dù hành trình của Thiện Nhân và chị còn rất dài, nhưng điều đó chẳng thể khiến chị bỏ cuộc. Hai mẹ con vẫn mạnh mẽ bước tiếp bằng sức mạnh của tình yêu thương.  

“Mẹ” Trần Mai Anh: Số phận không may mắn của Thiện Nhân đã mở ra cánh cửa hy vọng cho nhiều cuộc đời khác - Ảnh 9.

“Con người không có khát vọng thì cuộc sống chán lắm. Các con đã bị bệnh rồi, nó phải có khát vọng sống nữa thì mới tồn tại được trên cái cuộc đời này. Không phải cứ chữa xong bệnh mà tồn tại được đâu. Nó cần phải học giỏi để cuộc sống đỡ vất vả hơn, để tự tin hơn với những người xung quanh vì cả một tuổi thơ rất dài đã ở trong tình trạng mất tự tin, bị kỳ thị”. Việc những ca mổ tái tạo bộ phận sinh dục thành công lại mở ra một hành trình mới mà chính các em phải tự chinh phục. Người mẹ này không muốn đẩy những đứa trẻ vừa bước ra từ bất hạnh này để đến một bất hạnh khác: không được định hướng tương lai, không có gia đình, không biết ước mơ của mình là gì.

Chương trình “Gia đình Thiện Nhân”, một bước tiến nối dài của “Thiện Nhân và những người bạn”. Đây chính là một nơi kết nối các gia đình bệnh nhân lại với nhau, những đứa trẻ từng chữa bệnh lại với nhau, yêu thương và hiểu nhau nhiều hơn.

“Mẹ” Trần Mai Anh: Số phận không may mắn của Thiện Nhân đã mở ra cánh cửa hy vọng cho nhiều cuộc đời khác - Ảnh 10.

Các bé từng đến với chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” sẽ được các bố mẹ nhận đỡ đầu đến năm 18 tuổi. Các bố, mẹ sẽ chu cấp cho các bé một số tiền hàng tháng. Mỗi bố mẹ sẽ được thông tin về con của mình.

Mẹ Mai Anh và ê kíp đã đi khảo sát xem các bé cần gì

“Mỗi một đứa trẻ có một mong muốn rất khác nhau. Bởi vậy người ta mới nói, chỉ có mẹ mới thật sự biết con mình cần gì để giúp. Có đứa thì nó cần ăn, có những đứa cần học, có đứa ăn học tạm đủ rồi nó cần có ước mơ.

Ví dụ như một bạn nhỏ người Campuchia bị bệnh rất nặng. Nó mơ ước được học tiếng Anh để có thể tự mình trình bày những nỗi khổ với bác sĩ, mà không bị người phiên dịch lược bớt thông tin của nó. Và nó nói khi lớn lên muốn làm việc cho chương trình, sẽ giúp mẹ và các cô dịch thuật. Đó là một ước mơ chính đáng và mình phải nghĩ cách cho hắn học tiếng Anh.

“Mẹ” Trần Mai Anh: Số phận không may mắn của Thiện Nhân đã mở ra cánh cửa hy vọng cho nhiều cuộc đời khác - Ảnh 11.

Có những đứa trẻ lớn lên phải di chuyển chỗ ở từ nơi này sang nơi khác vì không muốn người ta biết quá khứ của mình mặc dù đã chữa bệnh xong. Trong quá trình thay đổi ấy, những bạn trẻ cần có công việc làm, cần một nghề để tự sống được... Và mình lại phải lo xem là con muốn học nghề gì, thích học nghề gì để tìm chỗ học nghề đấy”, chị Mai Anh nói để người nghe hình dung ra hành trình chẳng có điểm dừng mà mình đã bước chân vào 10 năm trước.

Hiện tại, đã có hơn hai mươi đứa trẻ (đứa nhỏ nhất chỉ 2, 3 tuổi) có bố, mẹ nhận đỡ đầu. Cuộc sống của em từ đây đến 15, 16 năm nữa được các bố mẹ và người trong ê kíp Thiện Nhân đảm bảo. Đó là một tin vui mà chị Mai Anh và ê kíp của mình muốn khoe với mọi người.

Như đã nói, đó là một hành trình dài và khó đoán định - hành trình kiến tạo hạnh phúc. Tương lai là điều không thể nói trước nhưng có thể tin cuộc hành trình của chị sẽ không bao giờ ngừng lại khi có những đứa con, có mọi người để tạo ra hạnh phúc cho rất nhiều Thiện Nhân như thế của đời thường.

“Mẹ” Trần Mai Anh: Số phận không may mắn của Thiện Nhân đã mở ra cánh cửa hy vọng cho nhiều cuộc đời khác - Ảnh 12.

Theo Trí Thức Trẻ

con nuôi

bị bỏ rơi

bé Thiện Nhân


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.