Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết não ở Hà Nội: Luật sư nhận định vai trò của người bố trong sự việc

Luật sư cho rằng cần phải xem xét vai trò đồng phạm của người bố trong vụ việc nam sinh lớp 8 bị đánh chết não ở phường Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội).

Liên quan đến vụ nam sinh N.H.Đ. (14 tuổi, học sinh lớp 8 Trường THCS Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) bị đánh chết não, ngày 26/3, gia đình nạn nhân đã hoàn tất thủ tục để đưa cháu Đ. từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để duy trì sự sống.

Theo thông tin ban đầu từ phía gia đình cung cấp, chiều 17/3, cháu Đ. chơi bóng rổ tại sân đình Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên). Tại đây, Đ. mâu thuẫn với cháu K. (12 tuổi, học sinh lớp 6). Sau đó, cháu K. về nhà gọi anh ruột là M. (học lớp 10) và bố là T. chở nhau bằng xe máy đến sân đình gặp cháu Đ. Tiếp đó, K. và anh trai K. lao vào đánh cháu Đ. khiến thiếu niên này bất tỉnh tại chỗ.

Nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang rồi chuyển lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và trải qua 2 lần phẫu thuật.

"Con tôi nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, khám ngoài không có dấu vết tổn thương, rách da, chảy máu nhưng khám trong cháu bị chấn thương sọ não nặng, xuất huyết dưới mạng nhện. Cháu được phẫu thuật 2 lần nhưng do vết thương quá nặng dẫn tới chết não, sự sống của cháu gần như không còn, cố duy trì từng ngày bằng máy thở", chị L. (mẹ cháu Đ.) nghẹn ngào.

Chị L. cho biết, gia đình chị quê gốc ở Phú Thọ, cách đây khoảng chục năm, cả nhà xuống Hà Nội làm ăn và thuê trọ ở phường Thượng Thanh (quận Long Biên). Cách đây 3 năm chồng chị qua đời do tai nạn giao thông, để lại chị và Đ. Hàng ngày chị đi bán hàng rong để kiếm tiền nuôi Đ. ăn học. Thương mẹ vất vả nên cháu Đ. rất ngoan và chăm chỉ học tập.

Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết não ở Hà Nội: Luật sư nhận định vai trò của người bố trong sự việc-1
Nạn nhân đã được đưa về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để duy trì sự sống

Liên quan đến sự việc trên, Công an quận Long Biên đã mời những người liên quan đến trụ sở để làm việc, lấy lời khai. Cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để xử lý vụ việc theo quy định.

Sau khi sự việc được đăng tải trên các kênh truyền thông, ngoài việc bày tỏ sự đau xót, tiếc nuối, nhiều người đã lên án người bố của 2 cháu K. và M. trong sự việc này, khi đã không can thiệp kịp thời dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Trao đổi với PV Báo PNVN dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, đối với vai trò của người bố, cần xem xét vai trò đồng phạm bởi những căn cứ sau: Biết con xảy ra mâu thuẫn nhưng do bênh con đã cùng 2 con đi xe máy đến gặp cháu Đ. để giải quyết.

Đáng lẽ ra với việc nhỏ nhặt trẻ em mâu thuẫn thì người bố cần phải hỏi rõ cháu bé sự việc, khuyên giải, ngăn chặn các con có hành vi nguy hiểm nhưng người bố này đã không làm được điều đó, dẫn tới sự việc đau lòng.

Cũng theo ông Thơm, nếu người bố có mặt, đứng ngay gần mà để mặc con xông vào đánh cháu bé thì là người giúp sức, ủng hộ về tinh thần. Xét về tương quan lực lượng, bên phía đối tượng có 3 người áp đảo, bên phía cháu Đ. chỉ có một mình, lo sợ không dám chống lại hay bỏ chạy đã bị đánh chấn thương sọ não. Hành vi của người bố trong trường hợp này cần xem xét với vai trò đồng phạm.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/vu-nam-sinh-lop-8-bi-danh-chet-nao-o-ha-noi-luat-su-nhan-dinh-vai-tro-cua-nguoi-bo-trong-su-viec-2024032615153063.htm

chấn thương sọ não

đánh người


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.