Nghề đặc biệt ở bệnh viện 09

Những bệnh nhân đến điều trị và nằm nội trú tại đây đều là những người nhiễm HIV giai đoạn cuối. Cái chết với họ không phải là điều đáng sợ.

Bệnh viện 09 nằm ngay mặt đường 70 (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội). Những bệnh nhân đến điều trị và nằm nội trú tại đây đều là những người nhiễm HIV giai đoạn cuối. Cái chết với họ không phải là điều đáng sợ.

“Cái chúng tôi sợ chỉ là những ngày cuối đời đến với mình không dễ dàng, cơ thể lở loét, bong tróc, nằm liệt giường liệt chiếu…” - Đ.Q.T (bệnh nhân SN 1984, quê Từ Liêm, Hà Nội, đang điều trị tại bệnh viện) bộc bạch với PV.

Bệnh nhân Đ.Q.T đang điều trị tại bệnh viện

Theo T, bệnh nhân HIV/AIDS thường trải qua 3 giai đoạn diễn biến tâm lý: Hoang mang lo lắng, dần chấp nhận và coi căn bệnh đó như cuộc sống của mình.

Tại bệnh viện 09, các bệnh nhân đều đã ở giai đoạn tâm lý thứ 3. Do vậy, thông tin một người nào đó đang điều trị bỗng qua đời hiếm khi khiến mọi người hoảng hốt. Nhiều người còn coi chuyện sang bên kia thế giới của bạn cùng phòng là một sự giải thoát.

Sau 7 năm bám trụ ở bệnh viện, T cho biết, nhiều bệnh nhân đã có thêm nghề phụ. Đó là chăm sóc, tắm rửa và thay quần áo cho người bạn đã khuất.

“Nếu bệnh nhân không có người thân thì khi chết, các nhân viên y tế của bệnh viện sẽ lo cho họ từ A đến Z. Bắt đầu từ việc tắm rửa, thay quần áo… đến đưa thi thể đi hỏa thiêu. Trường hợp bệnh nhân có người thân đến nhận, khâu tắm rửa, chăm sóc trước và sau khi mất sẽ do người nhà. Tuy nhiên, người nhà thường không dám động vào tử thi nên sẽ thuê các bệnh nhân trong bệnh viện giúp đỡ. Khi hoàn tất, mỗi gia đình sẽ bồi dưỡng cho người hỗ trợ từ 2 đến 3 triệu đồng” - T chia sẻ.

T kể, từ khi vào viện, T nói anh đã tự tay tắm cho trên dưới 200 tử thi. Công việc khiến nhiều người rùng rợn. Thế nhưng, với T, công việc này vừa có thể giúp T kiếm thêm tiền, vừa giúp những người có bệnh tình giống mình có một cơ thể sạch sẽ, chỉnh tề để bước sang thế giới bên kia.

Nguyễn Đình Tụy - Điều dưỡng trưởng khoa Ngoại - Hồi sức đang chăm sóc cho bệnh nhân 

Theo lời T. 3, 4 năm trở về trước, ngày nào bệnh viện cũng có bệnh nhân qua đời. Có ngày, nhà đại thể (nhà xác - nv) của bệnh viện còn phải tiếp nhận tới 4, 5 bệnh nhân.

Lúc đó, ít người dám tắm rửa tử thi HIV nên T làm không hết việc. Thế nhưng sau này, nhờ sự phát triển của y học, số lượng người mất vì HIV/AIDS mỗi ngày giảm đi đáng kể. Số lượng người muốn kiếm thêm thu nhập từ nghề lo hậu sự cho bệnh nhân HIV lại tăng lên. Vì vậy, công việc làm thêm của T có thêm đối thủ.

“Có người đeo bám suốt mấy ngày nhưng không nhận được đề nghị của gia đình bệnh nhân thì tỏ ra bực bội, kiếm cớ hục hoặc với người được thuê. Tuy nhiên, cũng không có ai dám gây gổ, đánh đấm nhau trong bệnh viện” - T cho biết.

Lời trăng trối cuối cùng của bệnh nhân ám ảnh bác sĩ

Tại bệnh viện 09, bên cạnh những bệnh nhân có gia đình đến lo liệu phút lâm chung, số lượng bệnh nhân không được người thân thừa nhận cũng vô cùng nhiều.

BS Vũ Tiến Thọ, khoa Ngoại – Hồi sức, bệnh viện 09

BS Vũ Tiến Thọ, khoa Ngoại - Hồi sức, bệnh viện 09 cho biết, trong suốt 12 năm làm việc tại đây anh đã từng chứng kiến không ít những cái chết cô đơn và lặng lẽ.

Phút lâm chung của họ chỉ có mặt các y bác sĩ của bệnh viện. Thậm chí nhiều bệnh nhân có địa chỉ người thân rõ ràng nhưng khi nguy kịch, nhân viên y tế gọi điện thông báo, gia đình vẫn thẳng thừng chối bỏ.

“Họ từ chối nghe điện thoại và từ chối đến thăm con/em mình. Nhiều nhà, khi bệnh nhân đã qua đời, bệnh viện đã phối hợp với nhà tang kễ lo xong hậu sự, họ vẫn không đến để nhận tro cốt của người thân” - BS Thọ nói.

Trong đó, có một trường hợp khiến nam BS hết sức ám ảnh. Đó là một bệnh nhân nam. Khi bệnh tình nặng lên, mỗi lần BS đến thăm khám, người thanh niên này đều với tay nắm lấy vạt áo BS rồi nói nguyện vọng muốn được gặp mẹ.

“Chúng tôi cũng đã liên hệ gia đình. Gia đình đã nghe máy và tiếp nhận thông tin.Thế nhưng mặc cho chàng thanh niên mòn mỏi chờ đợi, miệng liên tục gọi mẹ, người mẹ và gia đình cậu ta vẫn không xuất hiện. Cuối cùng, cậu ta phải rời xa trần thế khi nước mắt vẫn đang lăn dài ở khóe mi” - BS Thọ nhớ lại.

Theo lời BS Thọ, vì ma túy, nghiện ngập nhiều bệnh nhân đã mang lại nỗi đau quá lớn đối với gia đình khiến người thân của họ không thể chấp nhận và tha thứ. Thế nhưng, trước cái chết cô đơn của những người một thời lầm lạc, anh vẫn thấy chạnh lòng.


Theo VietNamNet


HIV

Nhiễm HIV

Bệnh nhân HIV


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.