Người đàn bà điên sống một mình 20 năm, câu nói của người chị dâu khiến tất cả xót xa

Nếu không tận mắt chứng kiến, khó ai có thể hình dung giữa làng quê Kiến Thụy (Hải Phòng) có một người đàn bà điên sống cô quạnh hơn hai chục năm qua.

Theo chân cán bộ xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), PV báo Gia đình và Xã hội có mặt tại nhà bà Hoàng Thị Nhẹ, sinh năm 1966, ở thôn Đoan Xá 2 (xã Đoàn Xá) để thấu hiểu hoàn cảnh thương tâm của người đàn bà này.

Người đàn bà điên sống một mình 20 năm, câu nói của người chị dâu khiến tất cả xót xa-1
Bên trong ngôi nhà tồi tàn là một kiếp người lay lắt đến tội nghiệp

Bà Nhẹ hiện đang "sống" cô độc trong căn nhà nhỏ chừng 20m2, lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng của làng ngay mặt đường nhựa của thôn. Hầu hết những người đi qua đây, ít ai biết trong ngôi nhà tưởng như bỏ hoang, không một cánh cửa, thông thống từ ngoài vào trong, trống trơn vật dụng lại có một kiếp người đang lay lắt sống. Miếng bạt cũ được treo lên che tạm lối vào, bên trong căn nhà có duy nhất một tấm nệm nhàu nhĩ, cũ nát kê dưới cửa sổ cho chủ căn nhà nằm nghỉ.

Người đàn bà điên sống một mình 20 năm, câu nói của người chị dâu khiến tất cả xót xa-2

Bà Nhẹ cười ngây dại trong góc nhà

Bước chân và trong căn nhà đó, chúng tôi không thấy ai mà chỉ thấy một mùi xú uế xộc lên. Thấy tấm chiếu cuộn tròn trong góc nhà động đậy, chúng tôi đang định cất tiếng gọi thì bà Phạm Thị Ngân - chị dâu bà Nhẹ - chạy sang lật mở tấm chiếu để lộ ra người đàn bà tóc cắt nham nhở, mặc duy nhất một chiếc áo mỏng, đang nằm lảm nhảm những câu vô nghĩa rồi ngước mặt lên cười ngây dại. Bà Ngân bảo: "Cô Nhẹ đấy!".

Người đàn bà điên sống một mình 20 năm, câu nói của người chị dâu khiến tất cả xót xa-3

Mỗi ngày đôi lần, bà Ngân mang đồ ăn sang và tắm rửa cho bà Nhẹ.

Rồi bà Ngân kể: "Bà Nhẹ là em út trong gia đình 6 anh em. Hầu hết anh chị em ruột của bà Nhẹ đều sống gần đây. Chồng bà Ngân là ông Hoàng Văn Triển, là anh cả của bà Nhẹ, ở đối diện nhà bà Nhẹ nên lo bữa ăn và tắm rửa cho em gái. Bà Nhẹ từng kết hôn với một người đàn ông quê ở Hải Dương, sinh được 2 cô con gái. Cả 2 cô đều sinh sống quanh đây, ngay trên con đường liên thôn này".

Bà Ngân tiếp tục kể: "Khi 17 tuổi, bà Nhẹ bỗng nhiên hóa điên làm cả gia đình chạy chữa cho bà khắp nơi. Khoảng vài năm thì thấy đỡ hẳn, không còn biểu hiện điên dại nữa. Năm 22 tuổi, bà Nhẹ kết hôn rồi theo chồng ra Móng Cái (Quảng Ninh) làm ăn, sinh sống. Những năm sau đó, qua 4 lần sinh nở, bà Nhẹ lần lượt sinh được 5 người con, trong đó lần sinh thứ 3 thì mang thai đôi. 

Năm 2000, bệnh thần kinh của bà Nhẹ tái phát khi mấy đứa con còn đỏ hỏn, rất tội. Gia đình nhiều lần đưa bà Nhẹ đi Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng (phường Đông Khê, quận Ngô Quyền) chạy chữa nhưng cứ lên viện được vài ngày thì bà lại trốn viện về nhà. Mệt mỏi, chồng bà Nhẹ để vợ cùng 3 đứa con ở quê ngoại rồi rời khỏi địa phương. Hai đứa con còn lại do không có điều kiện chăm sóc, một đứa bị ốm chết, một đứa phải đem đi cho", bà Ngận nói.

Nhắc về em gái mình, ông Triển tiếp lời: "Thương hoàn cảnh của cô Nhẹ, năm 2000, Hội Phụ nữ xã Đoàn Xá cùng chính quyền địa phương đã đứng ra vận động, quyên góp và xây dựng một căn nhà tình nghĩa rộng chừng 20m2 trên đất mà mẹ tôi cho. Cô Nhẹ cùng 3 người con chuyển ra sống tại căn nhà này nhưng chỉ được mấy tháng, 3 người con cùng bảo nhau theo bố ra Móng Cái vì không thể chịu đựng được sự phá phách, điên dại của mẹ. 

Từ đó, vợ chồng chúng tôi phải đảm nhiệm chăm sóc, hàng ngày cơm nước, tắm rửa cho cô Nhẹ. Thi thoảng, mấy đứa con cô Nhẹ về thăm, tắm rửa, cho mẹ ăn uống rồi lại đi. Lần gần đây nhất cách đây 2 năm, con trai cả của cô ấy về thăm mẹ rồi lại đi, không kịp ăn với gia đình bữa cơm".

Về những vật dụng trong căn nhà đều trống trơn, rách nát, ông Triển lắc đầu ngao ngán kể: "Thời gian đầu tái phát bệnh, cô Nhẹ hay đi lang thang ra đường, ra chợ, lúc thì ca hát, khi lại quát mắng, chửi đổng... nhưng tuyệt nhiên không tấn công ai bao giờ. Gần chục năm nay, cô ấy chỉ ở lì trong nhà, không biết bằng cách nào mà đào được một cái hố to như ổ voi dưới nền nhà rồi nằm vào trong đó. Gia đình phải tôn nền, đổ bê tông rồi kê chiếc đệm cho nằm nhưng cô ấy toàn ra đất nằm. 

Quần áo lành lặn, đẹp đẽ người nhà mang sang, cô Nhẹ đều xé hết. Chỉ những chiếc cũ rách là cô Nhẹ chịu mặc. Ngay cả cái cửa ra vào, che mưa che gió cũng bị cô ấy phá hỏng, bao nhiêu đồ đạc trong nhà, người thân phải sơ tán hết, chỉ để lại chăn, chiếu đệm như hiện nay".

"Từ 6-7 năm trước, tôi đã bàn với các con của cô ấy đưa mẹ chúng nó vào Trung tâm Bảo trợ xã hội để được chăm sóc cả về y tế lần đời sống cho đỡ tội nhưng không đứa nào đồng ý. Đến bữa, thức ăn được cho vào những chiếc túi nilon mang sang treo ở góc nhà để cô ấy tự lấy ăn", ông Triển chua xót nói.

Chia sẻ với Gia đình và Xã hội về hoàn cảnh của bà Hoàng Thị Nhẹ, ông Phạm Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Đoàn Xá cho biết: "Chúng tôi đã báo cáo với huyện về những đối tượng bệnh tật, yếu thế tại địa phương để họ được hưởng chính sách trợ cấp của Nhà nước. Những dịp lễ tết, cùng với các nhà hảo tâm, chúng tôi thường tổ chức thăm hỏi, tặng quà những gia đình chính sách đó. 

Trường hợp của bà Nhẹ, vẫn có gia đình, người thân, lại không có đơn từ, hồ sơ, giấy xác nhận mức độ bệnh nên không đủ điều kiện xét duyệt vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội".

Theo Gia đình & Xã hội

Xem link gốc Ẩn link gốc http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-ve-nguoi-dan-ba-dien-song-mot-minh-hon-20-nam-o-hai-phong-20200504194835498.htm

tâm thần


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.