Người làng Lại Đà mang quạt ra đường, lo chỗ nghỉ cho khách viếng Tổng Bí thư

Người làng Lại Đà mở rộng cửa để khách đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào nghỉ chân, mang quạt điện ra đường, tặng cả quần áo cho người chưa có đồ đen...

Sáng sớm 25/7, hàng nghìn lượt khách đã ghé thăm làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Nhà chị Ngô Thị Thuần ở đối diện nhà văn hóa, nơi tổ chức viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nên không ít người ghé lại nghỉ chân. Chị mở rộng cửa, bày sẵn bàn ghế, quạt cây, nước mát. Người tới càng lúc càng đông, chị vui lòng vì có thể giúp họ đỡ mệt mỏi, coi đây là việc nên làm để tiếp khách đến làng.

Chị tâm sự: “Thực ra, chúng tôi coi đây là công việc chung của cả nước, chứ không phải chỉ của riêng mình. Chúng tôi chỉ đơn giản là hoàn thành nghĩa vụ một người công dân, trọn vẹn tấm lòng của người dân quê bác Nguyễn Phú Trọng; có thể làm được cái gì thì cố hết sức để hỗ trợ các ban, ngành, đoàn thể và mọi người, cũng như thể hiện được tấm lòng của mình”.

Nhiều gia đình khác trong làng Lại Đà cũng giống như chị Thuần, hết lòng hỗ trợ khách thập phương trong ngày Quốc tang. Khi thấy nhiều người đứng xếp hàng dài chờ đến lượt vào viếng, chị Tống Thị Hiệu, sống cách nhà văn hóa chỉ vài trăm mét, liền đem ra tất cả những chiếc ghế nhựa trong nhà mời họ ngồi tạm, hy vọng họ có thể bớt chút mệt mỏi do đường xa, chờ đợi lâu.

Người làng Lại Đà mang quạt ra đường, lo chỗ nghỉ cho khách viếng Tổng Bí thư-1
Một người dân làng Lại Đà đem quạt ra cửa, hướng về dòng người đến viếng Tổng Bí thư.

Người làng Lại Đà mang quạt ra đường, lo chỗ nghỉ cho khách viếng Tổng Bí thư-2
Có nhiều chiếc quạt như thế dọc đường làng.

Còn chị Lê Thị Quy khi thấy càng gần trưa thời tiết càng nắng gắt đã nghĩ ra cách cắt tấm bìa carton thành những chiếc quạt cầm tay cỡ nhỏ. Chị đi dọc theo dòng người ngày càng kéo dài không thấy điểm cuối, trao cho họ những chiếc quạt tự chế của mình để họ dùng che đầu hoặc phe phẩy cho vơi đi sự oi ả.

Cũng với sự quan tâm ấy, ông Vương Hữu Thìn, chủ nhà số 119 đường Lại Đà, bê chiếc quạt cây ra đường. "Thấy nắng nóng quá, bà con chúng tôi tự bảo nhau mang quạt ra phục vụ đoàn viếng", ông nói.

Giữa buổi trưa nắng gắt, oi ả, người dân Lại Đà mướt mải mồ hôi chăm sóc những vị khách có lòng thành tới tưởng niệm, thắp hương cho người hàng xóm đáng tôn kính vừa từ trần của họ. Hầu như nhà nào trong làng cũng sẵn sàng chừa một chỗ nghỉ để người nào mệt sẽ có nơi chợp mắt, ngả lưng một chút.

"Tôi về đây không chỉ được xã giúp đỡ mà còn được dân làng hỗ trợ ăn ngủ, tôi vô cùng cảm kích", ông Phạm Xuân Thành (thôn 4, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội) nói. Vị khách cao tuổi này sợ con cái không cho đi vì sức khỏe kém nên đã trốn gia đình tìm về xã Đông Hội từ 16h hôm qua (24/7). Trải qua một đêm ở quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông được người dân ở đây mời vào nhà dùng bữa và nghỉ lại để tham dự lễ viếng vào sáng hôm sau.

Người làng Lại Đà mang quạt ra đường, lo chỗ nghỉ cho khách viếng Tổng Bí thư-3
Bàn tiếp nước trước cửa một nhà dân.

Người làng Lại Đà mang quạt ra đường, lo chỗ nghỉ cho khách viếng Tổng Bí thư-4
Dân làng Lại Đà rót nước mang tới mời những người xếp hàng chờ viếng.

Người làng Lại Đà mang quạt ra đường, lo chỗ nghỉ cho khách viếng Tổng Bí thư-5
Hai vợ chồng ở làng Lại Đà cùng cắt những miếng bìa để du khách làm quạt.

Khắp trục đường chính, người Lại Đà bố trí nhiều trạm tiếp bánh, tiếp nước miễn phí, ai cũng có thể tiện tay lấy một phần.

Chị Nguyễn Thị Trà, một người dân khác của thôn Lại Đà, đi dọc con đường làng dài cả cây số để mời nước đoàn viếng. "Bà con về đây, dành tình cảm cho Tổng Bí thư khiến chúng tôi rất xúc động và biết ơn. Mọi người vất vả, chúng tôi không biết làm gì để hỗ trợ, đền đáp ngoài cốc nước, chiếc khăn", chị chia sẻ.

Trong đoàn viếng có vài người khách bị đứt quai dép, hai bác chủ nhà số 143 đường Lại Đà liền đem những đôi dép của mình ra tặng. Thấy có người chưa kịp chuẩn bị trang phục đen, hoặc cháu bé mặc đồ có màu sắc không phù hợp, họ vào nhà lấy quần áo của con cháu mình ra tặng. Nhiều vị khách thấy ngại, muốn gửi chút quà, nhưng hai bác cứ xua tay rồi quay lưng lên gác.

Những chuyện như vậy diễn ra ở khắp làng. Chẳng ai bảo ai, họ đều coi tiếp đón, hỗ trợ khách đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nghĩa vụ của người làng. Họ không coi đây là việc tốt của cá nhân mình, luôn xưng "chúng tôi", vì đây là công sức của cả làng. Sự ấm áp của nghĩa tình dân làng Lại Đà khiến khách phương xa bớt mệt mỏi, họ xếp hàng tuần tự và hỗ trợ nhau nhiều hơn. 

Người làng Lại Đà mang quạt ra đường, lo chỗ nghỉ cho khách viếng Tổng Bí thư-6
Trời có cơn giông, những chiếc ô và áo mưa đã được đem ra bày sẵn.

Chiều đến, cơn giông kéo đến, có vẻ như mưa sắp trút xuống. Người thôn Lại Đà lại đem ra những chiếc ô và áo mưa để ở bàn bên ngoài cho khách thập phương sử dụng.

Nhiều vị khách cho biết, họ liên tục cảm nhận niềm xúc động khi đến Lại Đà, bên cạnh cảm xúc bùi ngùi, thương tiếc khi tiễn biệt Tổng Bí thư là sự ấm áp trước lòng tốt và chân tình của người dân nơi đây.

Một người chia sẻ: "Nhà tôi chỉ cách đây 10 km nhưng sáng nay đi sớm quá chẳng kịp chuẩn bị đồ ăn thức uống hay áo mưa, trong thời gian chờ viếng được mọi người tiếp đón nồng hậu, tôi rất ngạc nhiên và xúc động muốn khóc. Đến đây hôm nay, tôi phần nào hiểu ra, vùng đất này toàn những người tốt bụng, hiền lành như vậy mới sinh ra được một người đức độ, thương dân như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng".

Theo VTC News

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tintuconline.com.vn/tags/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-260873.vnn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng


Cảnh giác chiêu lừa của người nước ngoài giả vờ mua hàng, đổi ngoại tệ
Thủ đoạn của các đối tượng người nước ngoài lợi dụng các điểm bán hàng hoặc các điểm dịch vụ đổi tiền có ít người quản lý, giả vờ vào mua hàng hoặc đổi tiền, sau đó tạo các tình huống khiến người bán hàng phân tâm, mất cảnh giác để chiếm đoạt tài sản.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.