Người mẹ mù lâm vào nguy nan vì giữ sinh mạng cho con

Lần cuối gặp hai đứa nhỏ, cái Hà cứ mò mẫm mãi trên mặt chúng rồi hứa sẽ sớm về nhà, nhưng hơn 1 tháng rồi con tôi vẫn nằm trơ như khúc gỗ.

Lần cuối gặp hai đứa nhỏ, cái Hà cứ mò mẫm mãi trên mặt chúng rồi hứa sẽ sớm về nhà, nhưng hơn 1 tháng rồi con tôi vẫn nằm trơ như khúc gỗ. Nợ nần chồng chất, hai đứa cháu ngày đêm mong nhớ khóc đòi mẹ khàn cả giọng, chỉ mong trời thương mà tha cho.

Bệnh tật vùi dập cô gái mồ côi

Tâm sự nghẹn đắng ấy là của bà Trần Thị Côi (62 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) mẹ chị Trần Thị Thu Hà (31 tuổi) hiện đang nằm điều trị tại khoa Ngoại Thần kinh, bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM. Bên giường bệnh, người mẹ nghẹn ngào cuối xuống thì thào: “Thu Hà ơi mẹ đây... con có nghe được tiếng mẹ gọi không con ơi. Hai đứa nhỏ chúng nhớ con hôm nào cũng khóc đòi, mẹ chẳng biết phải làm thế nào bây giờ. Con cố gắng chóng khỏi bệnh để về với chúng con nhé”.




Người mẹ nghèo nghẹn ngào bên giường bệnh của cô con gái khốn khổ

Người mẹ nghèo nghẹn ngào bên giường bệnh của cô con gái khốn khổ

Những tiếng gọi tha thiết từ người mẹ như chìm vào không gian tĩnh mịch của phòng bệnh, chỉ có tròng mắt đờ đẫn, vô hồn trên cơ thể bất động của người bệnh khẽ đưa qua, đưa lại. Bà Côi vừa sụt sùi đưa bờ vai áo gạt nước mắt rồi nắm lấy bàn tay đã teo tóp lại của cô con gái, bà nhẹ nhàng tranh thủ xoa bóp chân tay cho con trước khi hết thời gian thăm bệnh.

Mới hơn 30 tuổi, nhưng cuộc sống của Thu Hà là cả một quãng đường dài đầy chông gai, nghiệt ngã. Từ Vĩnh Phúc vào Đồng Nai lập nghiệp, khi bà Côi vừa sinh Thu Hà được vài tháng thì người chồng vĩnh viễn ra đi sau cơn bạo bệnh. Lấy con làm niềm vui sống, bà không đi thêm bước nữa mà quần quật làm việc cho Thu Hà được ăn học như các bạn.


Anh Thanh Sơn nắm chặt tay như muốn níu kéo sự sống của người vợ

Anh Thanh Sơn nắm chặt tay như muốn níu kéo sự sống của người vợ

Thấy cô con gái học giỏi, những tưởng sự hy sinh của người mẹ sẽ được bù đắp nhưng không ngờ tai họa ập xuống khi Thu Hà 18 tuổi. Sau những cơn đau đầu vật vã, đến thăm khám tại Chợ Rẫy, mẹ con chết lặng khi bác sĩ kết luận Thu Hà bị u não phải phẫu thuật.

Bán hết 5 sào đất rẫy nhiều năm vất vả khai phá, bà Côi cũng không lo nổi tiền phẫu thuật cho con nên phải vay mượn của chòm xóm. Những tưởng, khi con khỏe mạnh các khoản nợ rồi từng bước sẽ trả được, không ngờ sau phẫu thuật bóc khối u và đặt ống thông dịch não thất (dẫn từ não xuống ổ bụng) Thu Hà bị biến chứng dẫn tới mù hoàn toàn cả 2 mắt. Tương lai của mẹ con họ từ đó tối đen như mực.

Bóng tối, nghèo khổ bủa vây 3 thế hệ

Từ một cô gái đang phơi phới tuổi xuân, bỗng nhiên trở thành người mù lòa, Thu Hà bị sốc nặng. “Thời gian đầu, con bé ngày nào cũng khóc, nó co mình trong góc nhà không muốn tiếp xúc với ai. Nhìn con mò mẫm giữa ban ngày, tôi chỉ ước có thể cho nó cặp mắt của mình, nhưng bác sĩ nói không thay được nên đành chịu” - bà Côi nghẹn giọng.


Hai đứa trẻ tội nghiệp và những bữa cơm qua ngày nhờ sự đùm bọc của lối xóm

Hai đứa trẻ tội nghiệp và những bữa cơm qua ngày nhờ sự đùm bọc của lối xóm

Sau nhiều tháng chìm trong bóng tối, sức trẻ và ý chí của cô gái bắt đầu trở lại, Thu Hà xin mẹ cho đi học chữ nổi rồi theo học lớp đào tạo mát xa dành cho người mù. Cũng trong thời gian này, cô quen biết rồi mang lòng yêu thương với người cùng cảnh ngộ là anh Phan Thanh Sơn (32 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) với một mắt bị mù vĩnh viễn, mắt còn lại thị lực chỉ còn 2/10. Nhiều năm yêu thương, gắn bó hơn 8 năm trước, sau mâm cơm đạm bạc giữa hai gia đình cặp đôi có số phận hẩm hiu về nương tựa vào nhau dựng xây mái ấp.

Gia đình nội ngoại đều khốn khó, với hy vọng sẽ tự lo được cho cuộc sống của mình, vợ chồng Thanh Sơn ra thuê nhà trọ ở riêng rồi sắm thêm chiếc giường mở dịch vụ mát xa người mù. Nhưng phòng mát xa chật chội lại không đủ các tiện nghi nên ngày nào may mắn cơ sở của họ cũng chỉ có vài người khách.


Bác sĩ Tuyến cho biết việc điều trị của chị Thu Hà rất tốn kém và khó khăn

Bác sĩ Tuyến cho biết việc điều trị của chị Thu Hà rất tốn kém và khó khăn

Cuộc sống càng trở nên bấp bênh hơn khi Thu Hà mang thai đứa con đầu lòng năm 2008. Cơ thể vốn gầy yếu lại mang ống thông dịch não thất, khi thai nhi phát triển đến tháng cuối thai kỳ ống thông bị tắc, các bác sĩ phải phẫu thuật khẩn để cứu cả hai mẹ con. Thương con, xót cháu, bà Côi về ở cùng cho tiện việc chăm sóc.

Để trả những khoản nợ hàng chục triệu đồng vay mượn từ lối xóm cho 2 lần phẫu thuật của con, ngoài việc chăm sóc con, cháu thường ngày, bà Côi đi nhặt ve chai (chai lọ nhựa, vỏ lon bia, sắt vụn,...) và thức dậy từ 3 giờ sáng nhận nhặt lá rau muống (2.000đ/kg) cho các tiểu thương làm rau muống bào ở chợ... các việc trên cũng giúp bà kiếm được vài chục nghìn đồng trả nợ dần.


Nếu gia đình không lo được chi phí, cơ hội sống của người mẹ trẻ còn mong manh hơn

Nếu gia đình không lo được chi phí, cơ hội sống của người mẹ trẻ còn mong manh hơn

Hơn 3 năm trước, vợ chồng Thu Hà vỡ kế hoạch, mang thai lần thứ 2. Các bác sĩ khuyên nên bỏ thai để tránh nguy hiểm, nhưng không đành lòng bỏ đi giọt máu của mình, người mẹ mù kiên quyết giữ con dù biết điều tồi tệ nhất có thể xảy đến. Nhờ sự hỗ trợ của các bác sĩ, cậu bé Phan Trần Minh Thái cùng mẹ vượt cạn thành công. Nhưng cũng từ đây, ống dẫn dịch não thất bị tắc nhiều lần khiến Thu Hà thường xuyên phải phẫu thuật. Cách đây 2 tháng, người mẹ khốn khổ bắt đầu rơi vào tình trạng nguy nan.

BS Trần Kim Tuyến, khoa Ngoại Thần kinh, bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, đến nay bệnh nhân Thu Hà đã bị tắc ống dẫn lưu dịch não thất 4 lần, mỗi lần tắc đều phải thực hiện phẫu thuật, thay ống khác. Để cải thiện tình trạng tắc ống tái đi tái lại cho người bệnh, chúng tôi quyết định chuyển đầu dẫn lưu não thất từ vị trí ở phúc mạc sang tim (đặt vào tâm nhĩ).


Khao khát được về bên con thơ của người mẹ mù đang xa dần trong cảnh khốn khó

Khao khát được về bên con thơ của người mẹ mù đang xa dần trong cảnh khốn khó

Tuy nhiên, 10 ngày sau đặt ống, bệnh nhân bị sốt liên tục, kết quả xét nghiệm máu xác định người bệnh bị nhiễm trùng huyết với loại vi khuẩn đa kháng thuốc. Các bác sĩ buộc phải chuyển ống dẫn lưu trở lại vị trí phúc mạc dưới ổ bụng. Tuy nhiên, ổ phúc mạc hấp thu không tốt nên bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, việc điều trị rất khó khăn, tốn kém (viện phí đã hơn 300 triệu đồng - PV).

Khi khỏe mạnh, cả hai vợ chồng mù hợp sức làm việc cũng không đủ lo cho con ăn học, nay chị Thu Hà lâm vào nguy kịch, anh Thanh Sơn chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu xin trời tha cho vợ mình. “Vợ em có bảo hiểm bảo trợ nhưng việc điều trị phát sinh nhiều chi phí, em giờ không còn đồng nào cả, nhờ người vay mượn không được. Các con em giờ có bữa ăn qua ngày cũng là nhờ sự giúp đỡ của bà con lối xóm”.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Anh Phan Thanh Sơn (chồng chị Thu Hà) khoa Ngoại Thần kinh, bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM. Điện thoại: 0902 440 992. Hoặc bà Trần Thị Côi (mẹ chị Thu Hà) số nhà 2815/15, ấp Phú Tân, Phú Bình, Tân Phú, Đồng Nai. Điện thoại: 0994 129 533

Theo Dân trí


Người mẹ mù


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.