Chia sẻ với phóng viên tối ngày 6/11, người nhà cụ Hoàng Thị Minh Hồ xác nhận thông tin trên.
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ sinh năm 1914 tại Hà Nội. Thân sinh là cụ bà Hoàng Đạo Phương, vừa là nhà nho vừa là một thương gia giàu có ở phố Hàng Đào.
Năm 18 tuổi, bà kết hôn với nhà tư sản Trịnh Văn Bô – một thương nhân nổi tiếng giữa thế kỷ 20.
Nhà tư sản Trịnh Văn Bô và vợ Hoàng Thị Minh Hồ khi còn trẻ.
Hai vợ chồng được cha mẹ cho ở riêng tại nhà số 48 Hàng Ngang và kế thừa hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi. Công việc kinh doanh tiến triển, việc buôn bán tơ lụa mở rộng sang cả Lào, Campuchia, Thái Lan; có cả giao dịch buôn bán với thương nhân Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản…
Đến Cách mạng Tháng Tám 1945, vợ chồng cụ dành ngôi nhà 48 Hàng Ngang để cán bộ cách mạng làm việc.
Ngôi nhà 48 Hàng Ngang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. Sau đó gia đình cụ cũng hiến căn nhà này cho Nhà nước để làm di tích cách mạng.
Hưởng ứng "Tuần lễ vàng" do Chính phủ phát động, vợ chồng bà đã ủng hộ 5.147 lượng vàng, tương đương với 2.000.000 đồng Đông Dương (thời giá lúc đó).
Ngoài ra, y phục của các lãnh đạo Việt Minh trong ngày lễ Độc lập, hầu hết do gia đình 2 cụ cung cấp.
Bà Hoàng Thị Minh Hồ là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Xã hội Việt Nam và cũng là một trong những người đầu thời kỳ thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà làm công tác phụ nữ đến năm 1974 thì nghỉ hưu.