"Người Việt giữ Tết như… trẻ con giữ món đồ chơi"

Người Việt giữ cái Tết nguyên đán như trẻ con giữ món đồ chơi: Lúc có trong tay thì chê nhạt, chê chán, nhưng khi người ta toan tước nó đi thì gào thét đòi giữ.

Cứ đến Tết là y như một cuộc… "chạy đua vũ trang" khi nhà nhà cố lo cho cái Tết thật tươm tất.

Nếu cứ theo lý thuyết mà định nghĩa thì Tết cổ truyền là tất cả những gì tinh túy nhất của văn hóa. Nó là truyền thống dân tộc, là những ngày gia đình sum họp, là cơ hội để những kẻ tha hương nhớ về cội nguồn, là cơ hội làm ăn cho biết bao gia đình...

Suy nghĩ bỏ Tết cũng vì thế vấp phải hàng loạt những sự phản đối dữ dội. Người Việt không muốn mất đi một hoạt động đã trở thành bản sắc văn hóa cả nghìn năm qua.

Thật ra luận điểm của những người muốn giữ Tết là đúng. Làm việc quần quật cả năm, Tết có cái bánh chưng, quyển lịch mang về quê biếu bố mẹ, họ hàng, có thời gian tề tựu, hàn huyên với đám bạn thời thơ ấu… là việc hoàn toàn chính đáng.

Tội của cái Tết là vì nó tên là… Tết - Ảnh 1.

Tết ấm áp là khi cả nhà cùng quây quần gói bánh

Bỏ Tết là bất công với những người nông dân quanh năm chăm sóc, cắt tỉa cho cây đào, cây quất, đến cuối năm mới có dịp kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Bỏ Tết là bất công cả với trẻ em, bất công với rất nhiều người.

Và vì tất cả những lý do trên, kẻ đề xuất bỏ Tết Nguyên đán, ăn chung Tết Dương lịch với thế giới là ích kỷ, vong bản. Nền văn hóa Á Đông vẫn có những nét riêng, không thể cứ lấy quy chuẩn phương Tây để áp dụng được.

Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn tán thành ý tưởng không ăn Tết Nguyên đán.

Tôi cho rằng, "tội" của cái Tết là vì nó tên là… Tết. Vì nó là Tết, nên người ta muốn nó thật khác những ngày thường. Cứ đến Tết là y như một cuộc… "chạy đua vũ trang" khi nhà nhà cố lo cho cái Tết thật tươm tất.

Tuy nhiên, có một thực tế thế này: Những nhóm người thật sự dư dả về tài chính lại tận dụng dịp Tết để xả hơi ở nhà hoặc bằng những chuyến du lịch. Họ đã lao động thật sự vất vả trong năm và muốn tận dụng những ngày nghỉ không cần xin phép cơ quan để đi du lịch.

Cuộc chạy đua vũ trang lo cho cái Tết tươm tất đa phần lại thuộc về những nhóm người không quá có điều kiện. Vô hình trung, cái Tết lâu dần trở thành gánh nặng cho xã hội, chí ít là với những thành phố lớn.

Tội của cái Tết là vì nó tên là… Tết - Ảnh 2.

Cứ mỗi dịp Xuân về là người người, nhà nhà "chạy đua" đi sắm Tết

Dịp tết, tắc đường trở thành món đặc sản mà ai – dù có ham hố với Tết hay không, thì cũng phải nếm trải trọn vẹn, ngày này qua ngày khác.

Mật độ tăng vì dân các tỉnh lao lên Hà Nội biếu xén, buôn bán, dân đã sống ở các thành phố lớn thì chạy đôn chạy đáo mua mua sắm sắm. Những quy luật ngày thường bị phá vỡ và tạo nên bức tranh giao thông kinh hoàng.

Tai nạn giao thông thì tăng vì hễ đến Tết là đủ các thể loại tiệc lớn, tiệc nhỏ. Bia rượu uống thả ga, say xỉn lao ra đường gây tai nạn, khổ vợ khổ con, khổ bố mẹ, khổ người dọn dẹp.

Sản xuất thì đình trệ vì tâm lý của dân vốn lười, chỉ chờ đến Tết để xả hơi. Tầm nửa tháng trước Tết và nửa tháng sau Tết, đa phần dân có tâm lý xả hơi, không muốn làm gì cả.

Ông bà ngày xưa dặn bao nhiêu điều hay, ý đẹp thì không bao giờ nhớ, nhưng riêng cái câu: Tháng Giêng là tháng ăn chơi, thì nhớ vô cùng.

Ngay cả các cơ quan cũng tạo điều kiện để nhân viên lười biếng sau Tết. Các hoạt động như chúc tụng, đi lễ, du xuân diễn ra dày đặc.

Trong bối cảnh cả thế giới điên cuồng lao theo một cái guồng quay thì Việt Nam luôn tự cho phép mình chậm lại vì cái Tết. Khi thế giới vận động mà ta đứng yên vốn đã là tụt lùi rồi.

Tội của cái Tết là vì nó tên là… Tết - Ảnh 3.

Tắc đường ngày Tết, cảnh tượng năm nào cũng thấy

Bỏ ăn Tết Nguyên đán là không phải là một ý tồi. Tuy nhiên, để đảm bảo tình trạng xung đột lợi ích của những người hưởng lợi vì Tết và tận dụng cái Tết để đoàn tụ gia đình, thăm thú cố hương, ta nên thay thế Tết bằng những kỳ nghỉ như nghỉ Đông, nghỉ Xuân.

Dân tình vẫn có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Người có hiếu vẫn có thể về quê đoàn tụ gia đình. Người thích đi du lịch có thể xách va ly lên thăm thú, và hễ dân được nghỉ thì các hoạt động ăn theo vẫn có thể kích cầu thị trường, tạo nên nhiều công ăn việc làm mới.

Nếu Tết không mang tên là Tết nữa người ta sẽ không phải áp lực chuẩn bị, dân lười biếng cũng không thể nhân cớ cái Tết để tự thả lỏng bản thân quá lâu, nhậu nhẹt cũng không thể nhân danh sự kiện gì mà diễn ra triền miên.

Chỉ cần Tết không tên là Tết nữa thôi!

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Theo Thời đại


Tết cổ truyền

Người Việt giữ Tết


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.