Nhận diện tội phạm hậu giãn cách: Bẫy lừa chằng chịt trên không gian mạng

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nơi phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội nên người dân dành nhiều thời gian “lang thang” trên mạng. Điều này cũng khiến không ít người sập bẫy lừa đảo do bị các đối tượng xấu bày binh bố trận.

Nhận diện tội phạm hậu giãn cách: Bẫy lừa chằng chịt trên không gian mạng-1

Bị can Trần Văn Lâm (ảnh góc trên phải) chủ Fanpage "Hỗ trợ trẻ em" đã lừa đảo chiếm đoạt 6,6 tỷ đồng của các nhà hảo tâm

Đủ chiêu lừa tiền "người tình"

Đầu tháng 6/2021, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng (SN 1981, trú tại Nam Sách, tỉnh Hải Dương) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo hồ sơ vụ án, sau khi ly hôn, Hồng sống như vợ chồng với một người đàn ông. Năm 2020, Hồng tham gia trò chơi trên mạng xã hội rồi rơi vào cảnh nợ nần. Khi chồng "hờ" đi làm, Hồng kết bạn qua zalo với nhiều người đàn ông, rồi hẹn hò, gặp gỡ với mục đích "moi tiền".

Khoảng giữa tháng 1/2021, Hồng lấy tên "Hoa Quỳnh" để làm quen với anh Nguyễn Khắc Vinh, (SN 1987, trú tại Hải Dương - tên nạn nhân đã được thay đổi). Sau một thời gian quen biết, Hồng biết rõ người đàn ông đã từng trải qua hai đời vợ, nên đã "đánh" vào tâm lý của người đàn ông đang thiếu thốn tình cảm bằng những cử chỉ quan tâm, lời đường mật. Khi thấy anh Vinh có sự tin tưởng ở mình, Hồng bắt đầu "diễn kịch", đưa ra đủ lý do để vay tiền như: cần tiền để nộp học cho con, cần tiền chữa bệnh… và đều được anh này đáp ứng.

Thấy dễ kiếm tiền, Hồng dựng màn kịch hết sức tinh vi để giăng bẫy "con mồi". Ngày 30/1, Hồng nhắn tin thông báo mình đang phải cấp cứu tại bệnh viện, nhờ anh Vinh vay tiền hộ để điều trị bệnh, sau này sẽ bán đất trả tiền anh Vinh.

Nhận diện tội phạm hậu giãn cách: Bẫy lừa chằng chịt trên không gian mạng-2
Nhóm đối tượng vờ giúp dân làm thủ tục "nhận tiền hỗ trợ do dịch COVID-19" để lừa đảo

Thậm chí, Hồng còn đóng giả con gái mình nhắn tin cho anh Vinh hỏi mượn tiền để trang trải chi phí điều trị bệnh cho mẹ. Trước đó, Hồng đã hứa hẹn sẽ gả con gái là Phạm Thị H. cho anh Vinh, nên anh Vinh càng tin tưởng.

Đỉnh điểm, ngày 13/2, trong vai con gái, Hồng nhắn tin thông báo với anh Vinh về việc "mẹ" bị ung thư phổi đã chết, nhưng không có tiền trả viện phí nên bệnh viện không cho về… Nhưng lần này, anh Vinh kịp nghi ngờ nên đã đến cơ quan công an trình báo về việc bị lừa đảo tổng cộng khoảng 550 triệu đồng.

Ở một vụ án khác, qua mạng facebook, bà M.T.Q (trú tại huyện Krông Nô, Đắk Nông) kết bạn và làm quen với một người đàn ông tự xưng người Mỹ đang đóng quân ở Afganistan tên là Sammichel. Một thời gian sau, người đàn ông này nhắn tin ngỏ ý muốn gửi cho bà Q. một món quà, trong đó có điện thoại Iphone, dây chuyền và tiền USD. Ngày 30/9 vừa qua, bà Q. nhận cuộc gọi từ một số điện thoại lạ, yêu cầu bà này chuyển cước phí vận chuyển để nhận số quà nêu trên. Nghĩ được nhận quà thật, bà Q. đã ra ngân hàng chuyển 534 triệu đồng vào số tài khoản của người lạ.

Theo cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Nông, trong vụ án này có nhiều đối tượng cùng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà Q. Người thứ nhất lập tài khoản, kết nối với bà Q. Người thứ 2 dùng sim rác giả danh cán bộ của sân bay, hàng không… trực tiếp gọi cho nạn nhân để lấy lòng tin. Người thứ ba đóng vai thu phí nhận quà của bà Q…

Lừa cả người nghèo và trục lợi từ lòng hảo tâm

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay cùng với chính quyền các cấp kêu gọi ủng hộ từ thiện. Những nghĩa cử cao đẹp của nhà hảo tâm được lan truyền trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Tuy nhiên, không ít đối tượng đã lợi dụng điều này để trục lợi.

Điển hình, ngày 31/10, Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) - Công an TP Hải Phòng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Văn Mạnh (SN 1996, trú quận Dương Kinh) để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", thông qua việc kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội.

Mạnh khai, do bản thân gặp khó khăn, nợ nần nên đã lập nhiều tài khoản facebook giả, sao chép các bài viết kêu gọi ủng hộ từ thiện của người khác rồi chỉnh sửa, ghép thông tin tài khoản ngân hàng vào bài viết để nhận tiền hỗ trợ. Bằng thủ đoạn này, Mạnh đã kêu gọi từ thiện và chiếm đoạt khoảng 600 triệu đồng của các nhà hảo tâm.

Với thủ đoạn tương tự, chủ fanpage "Hỗ trợ trẻ em" do Trần Văn Lâm (23 tuổi, quê Hà Nam) lập, điều hành đã kêu gọi được hàng nghìn người chuyển tổng số 6,6 tỷ đồng nhưng không làm từ thiện mà chiếm đoạt.

Trao đổi với Tiền Phong, đại tá Lê Hồng Thắng - Trưởng phòng CSHS (Công an TP Hải Phòng) nhận định, thấy nhiều người vận động từ thiện được số tiền lớn, một số đối tượng đã nổi lòng tham. Cùng với việc lập fanpage, sao chép bài viết, hình ảnh về những hoàn cảnh thương tâm để kêu gọi quyên góp tiền hỗ trợ, các đối tượng còn tạo hàng loạt tài khoản để bình luận "mồi" và chia sẻ nhằm thu hút sự chú ý. Với thủ đoạn này, hàng nghìn người dùng mạng xã hội đã "mắc lừa" chuyển tiền.

"Một số người cho rằng, số tiền quyên góp giúp người nghèo chỉ vài chục, vài trăm nghìn đồng nên ít theo dõi hoạt động từ thiện có đúng hay không. Thậm chí, có người khi biết bị lừa vẫn ngại đi tố giác nên việc điều tra xác minh cũng gặp nhiều khó khăn", đại tá Lê Hồng Thắng nói.

Ngoài các thủ đoạn trên, nắm được nhu cầu cần hỗ trợ kinh tế của người có hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm trong mùa dịch, một số đối tượng tìm đến khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa - nơi không có điều kiện tiếp cận thông tin kịp thời, bịa ra việc "nhận tiền trợ cấp" để lừa đảo.

Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ 6 đối tượng dùng chiêu trò dụ dỗ những dân nghèo, nhiều trong số đó là người dân tộc thiểu số, mang giấy tờ tùy thân đến ngân hàng làm thủ tục "vay vốn ưu đãi", "nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 từ nước ngoài"…

Nhưng thực chất họ đang bị các đối tượng tìm cách lấy hồ sơ của họ làm hợp đồng vay vốn tại các công ty tài chính để mua hàng trả góp. Khi nhận được hàng trả góp, các đối tượng mang bán lấy tiền chia nhau tiêu xài. Từ cuối tháng 4/2021 đến tháng 8/2021, các đối tượng trên đã dụ dỗ, đưa hàng trăm người tại hai huyện Thọ Xuân, Thường Xuân (Thanh Hóa) đi làm hồ sơ theo cách như trên, chiếm đoạt số tiền gần 5 tỷ đồng.

Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, trước những "cạm bẫy" luôn rình rập trên mạng xã hội hiện nay, cơ quan chức năng cần tuyên truyền sâu, rộng; đồng thời, siết chặt quản lý mạng xã hội, có thể áp dụng việc đăng ký tài khoản cá nhân theo danh tính CCCD để hạn chế tài khoản ảo.

>>> Mời độc giả xem tin tức mới nhất trong ngày chính xác nhất

Theo Tiền phong 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/nhan-dien-toi-pham-hau-gian-cach-bay-lua-chang-chit-tren-khong-gian-mang-post1391222.tpo

tội phạm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.