- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Những cuộc gặp không mong đợi nơi 'tiền tuyến' Covid-19
Ở Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7, TP.HCM), có những cuộc hội ngộ không mong đợi đã diễn ra khi thân nhân của lực lượng tuyến đầu trở thành F0 và nhập viện.
- Người phụ nữ bị xe đâm văng xuống đường nằm bất động, thái độ của những người chứng kiến gây phẫn nộ
- Vụ nhân viên FPT Shop đánh cắp dữ liệu của khách hàng: Cần khởi tố nếu có dấu hiệu tội phạm, xử lý nghiêm để làm gương
- Đột nhập group ngã giá thân xác của "các bé" 2k4 - 2k5 tìm người bao nuôi: Hét giá 150 triệu/đêm, đặt cọc 50% để gặp, "boom hàng" thì sale
Từ dãy phòng dã chiến dành cho đội dân quân tự vệ, Nghĩa chạy thẳng ra cổng Bệnh viện dã chiến số 16. Cái vẻ sốt sắng của cậu khiến những người đồng đội nhận ra có chuyện không lành.
Cổng viện mở ra, một chiếc ôtô tiến thẳng vào khu nhận bệnh. Người lính dân quân không nhìn rõ mặt ai trên xe, nhưng qua dòng chữ "phường Tân Quy" ghi trên kính lái, cậu biết ba mẹ của mình đã đến.
Hôm ấy là trưa 18/8. Từ khi dịch bùng lên ở quận 7, đã 2 tháng Nghĩa không về nhà. Đến khi cậu và gia đình được đoàn tụ, đó lại là một hoàn cảnh trớ trêu. Nghĩa là chiến sĩ chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 16, còn ba mẹ và bà nội của cậu trở thành những bệnh nhân nhập viện.
Gặp hậu phương nơi tiền tuyến
"Em sững sờ, không biết nói gì nữa", Nghĩa kể lại lần đầu tiên nhìn thấy ba mẹ trong phòng bệnh, trên tay cậu khi đó vẫn cầm túi cơm chuẩn bị phát cho các bệnh nhân.
Nghĩa đang tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến 16 thì phải đón ba mẹ nhập viện. Ảnh: Ngọc Tân.
Chia tay gia đình đi chống dịch được 2 tháng thì Nghĩa nhận cuộc điện thoại của ba. Ông báo cả nhà đã thành F0. Bà nội, ba, mẹ, anh ruột, chị dâu và 2 cháu nhỏ, tất cả đều có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
"Em đã dặn gia đình đừng đi ra ngoài, cứ ở trong nhà thôi, trừ khi thiếu lương thực", Nghĩa kể. Nhưng không may, nhà Nghĩa ở trong một xóm lao động, nơi có đông công nhân từ khu chế xuất Tân Thuận đến thuê trọ. Dịch bùng lên trong khu chế xuất rồi lan về xóm.
"Đó là một tình huống 'hậu phương chiến sĩ'", đại úy Tuấn, sĩ quan chỉ huy lực lượng dân quân tại Bệnh viện dã chiến số 16 chia sẻ. Vị chỉ huy đã liên hệ với các y bác sĩ về trường hợp của gia đình Nghĩa. Ngày 19/8, cả bà nội và ba mẹ Nghĩa đều được nhập viện.
"Ba mẹ và nội cố lên, ráng giữ gìn sức khỏe để mau về. Có con rồi, con chạy ra chạy vô được", Nghĩa nói với người thân trong cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Bệnh viện 16. Vài ngày sau, lần lượt bà nội và ba của cậu phải chuyển sang phòng hồi sức và thở oxy.
Gia đình của Nghĩa không phải là trường hợp duy nhất được nhập viện theo chính sách "hậu phương chiến sĩ". Tại khu E7, chỉ cần hỏi thăm các phật tử là người ta sẽ chỉ tay về căn buồng nằm cuối dãy, nơi có 4 bệnh nhân lớn tuổi vừa nhập viện. "Hôm trước còn nấu cơm gửi cho bệnh viện, hôm nay đã thành bệnh nhân", chú Anh, người đàn ông tóc bạc tự giới thiệu là phật tử chùa Giác Huệ, chia sẻ.
Các phật tử chùa Giác Huệ hàng ngày nấu cơm cho bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến 16, trở thành bệnh nhân nhập viện. Ảnh: Ngọc Tân.
Đối với bác sĩ chuyên khoa 2 Vương Trọng Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến 16, các phật tử chùa Giác Huệ (quận 7) là ân nhân của bệnh viện. Ngôi chùa Nam tông nằm tại lối vào khu chế xuất Tân Thuận duy trì bếp cơm từ thiện trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất. Từ căn bếp của chùa, hàng trăm suất cháo đã được chuyển đến những bệnh nhân suy kiệt, không còn sức nhai cơm tại Bệnh viện 16.
"Chùa chỉ ăn chay trường, không bao giờ có thức ăn mặn trong bếp, nhưng vì dinh dưỡng cho người bệnh nên chúng tôi nấu cả đồ mặn", đại đức Thích Hoằng Ninh, phụ trách chùa Giác Huệ tâm sự với Zing. Cuộc trao đổi diễn ra vào ngày cuối cùng bếp ăn còn hoạt động. Hôm đó, chuỗi lây nhiễm được phát hiện ngay trong bếp chùa, khiến 7 phật tử trở thành bệnh nhân bất đắc dĩ tại Bệnh viện dã chiến 16.
Cả 2 nhóm F0 là gia đình dân quân Nghĩa và các phật tử chùa Giác Huệ đều có những thành viên trở nặng sau khi nhập viện và được cứu sống nhờ oxy y tế. Quyết định cho họ nhập viện được bác sĩ Hiếu đưa ra không chút do dự. Sau vài ngày, họ cai được oxy y tế và dần bình phục.
Khi bác sĩ nói lời thỉnh cầu
Tối 18/8, trong căn phòng nghỉ của Bệnh viện dã chiến 16, bác sĩ Nguyễn Hồng Khánh Duy nhận được cuộc gọi từ bác sĩ Hiền, một đồng nghiệp của anh tại Bệnh viện Hùng Vương.
"Duy ơi, làm ơn giúp mình vô coi chồng với mẹ mình sao rồi", chị Hiền van nài qua điện thoại.
Sau những ngày chăm sóc cho ba mẹ của dân quân Nghĩa và các phật tử của chùa Giác Huệ, bác sĩ Duy thấu hiểu tâm trạng của chị Hiền. Đó là tâm trạng của những người lính tuyến đầu khi nghe tin hậu phương của mình ngã bệnh.
Khu E3, nơi hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân suy hô hấp nhẹ tại Bệnh viện dã chiến số 16. Ảnh: Ngọc Tân.
Anh khoác đồ bảo hộ cấp 4 rồi bước xuống khu phòng bệnh E3 của Bệnh viện dã chiến số 16, nơi có chồng và mẹ chồng của chị Hiền đang điều trị vì mắc Covid-19.
"'Anh không sao đâu, em cố lên nhé', người chồng nói với chị Hiền qua màn hình video call của bác sĩ Duy. Anh còn cười đùa, làm trò với chị. Chính bác sĩ Duy cũng tin rằng bệnh nhân sẽ không sao. SpO2 trên mức nguy hiểm. Dù vẫn phải thở oxy nhưng tinh thần của anh rất tốt.
Một ngày sau, chồng chị Hiền rơi vào cơn suy hô hấp nặng, SpO2 chỉ còn 45%, nhịp tim loạn. Bác sĩ Duy tức tốc chạy đến, chỉ để thất vọng nhận ra rằng các huyết khối đã đi thẳng vào tim. "Đó là cơn bão cytokine, gây tắc mạch và khiến F0 ra đi rất nhanh", anh nói.
Bác sĩ Duy gọi điện báo tin cho chị Hiền, bảo chị chuẩn bị sẵn tinh thần. Sau 30 phút kể từ lúc chuyển biến nặng, người chồng của nữ bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương trút hơi thở cuối cùng.
Bác sĩ Duy chụp lại hình ảnh mạch đi ngang của một bệnh nhân Covid-19 vừa qua đời. Ảnh: Ngọc Tân.
Đã lâu không phải tiếp xúc với thi thể bệnh nhân, bác sĩ Duy chuẩn bị lặp lại trải nghiệm này khi chị Hiền gửi anh một lời thỉnh cầu.
"Chị ấy xin được nhìn mặt chồng lần cuối", Duy nói.
Cuộc hội ngộ cuối cùng
Khi bóng đêm phủ xuống, ngọn đèn ở khu nhà xác trở thành một vùng sáng lẻ loi giữa con ngõ đen hun hút. Bác sĩ Duy tiến lại gần một thùng container và giật mạnh chốt cửa. Âm thanh ken két vang lên cùng với một luồng khí lạnh lùa ra bên ngoài. Anh dắt theo bác sĩ Hiền lần từng bước vào trong.
Phía bên ngoài, nơi đặt chiếc bàn thờ chung cho bệnh nhân mất vì Covid-19, người quản lý nhà xác dõi theo từng hành động của họ với vẻ căng thẳng. Ông để cho vị bác sĩ được làm theo ý mình nhưng vẫn lo âu những rủi ro có thể xảy đến.
Khi người phụ nữ quỳ sụp xuống một thi thể bọc vải trắng, bàn tay toan tháo lớp vải che mặt tử thi ra, người đàn ông đứng ngoài vội hét lên để ngăn họ lại.
Bác sĩ Hiền bước vào trong container lạnh để nhìn mặt chồng mình lần cuối. Ảnh: Ngọc Tân.
"Không được mở ra!", người đàn ông trông coi khu nhà xác của bệnh viện hét lớn bằng giọng hoảng sợ khi nhìn thấy bàn tay chị Hiền đang kéo phéc mơ tuya của túi đựng tử thi. Nhưng ông không thể làm gì khi người vợ đã ở rất gần cơ hội được nhìn chồng mình lần cuối.
Dưới ánh đèn flash từ chiếc điện thoại của bác sĩ Duy, chị Hiền lặng nhìn khuôn mặt người bạn đời qua một lớp nylon trong suốt. Khoảnh khắc cuối cùng của 2 vợ chồng chỉ kéo dài vài giây.
Nữ bác sĩ im lặng bước ra khỏi thùng container, đôi mắt mở to vô định. Chị đã giữ đúng lời hứa rằng sẽ không khóc, không la hét hay bộc lộ bất cứ cảm xúc gì ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Người đàn ông trông nhà xác thì không thể kìm nén được cảm xúc, ông trút trọn cơn bực tức vào bác sĩ Duy. "Tôi đã nói là không được mở ra, tôi tạo điều kiện mà sao anh chị lại làm như vậy?", người đàn ông nạt.
"Chúng tôi xin lỗi anh. Nhưng ở trong còn một lớp nylon bảo vệ, anh yên tâm", bác sĩ Duy rầu rĩ nói.
Người đàn ông coi nhà xác vẫn còn gắt gỏng thêm một lúc. Tiếng ông oang oang dọc theo cái hẻm tối nhất của Bệnh viện dã chiến số 16. Cái hẻm từng khiến mấy cậu dân quân yếu bóng vía ám ảnh vào những ca gác đêm.
"Lúc đó tôi chỉ muốn về nhà thôi. Mình ở yên trong nhà với người thân của mình, không muốn làm gì nữa", bác sĩ Duy trầm giọng.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Khánh Duy giúp nữ đồng nghiệp thực hiện cuộc hội ngộ lần cuối với chồng. Ảnh: Ngọc Tân.
Từ nhà xác bệnh viện đi qua 2 khúc cua nữa, bác sĩ Duy và nữ đồng nghiệp trở lại khu nhà điều trị bệnh nhân nhẹ. Sau giờ cơm tối, khung cảnh bệnh xá toát lên vẻ êm đềm. Bệnh nhân ló mặt ra khỏi cửa phòng và bắt đầu đi lại, tập thể dục. Một người ngồi trên chiếc máy đạp xe, vui vẻ với vợ qua điện thoại rằng mình vừa cai máy thở.
Không ai để ý người phụ nữ mặc đồ bảo hộ đang đứng chờ trước cửa nhà E3. Một nhân viên y tế mang ra cho chị chiếc balo đựng tư trang của người chồng vừa mất.
Người góa phụ mang theo di vật của chồng lặng lẽ rời khỏi bệnh viện. Bác sĩ Hiền cho biết mình sẽ phải sớm quay trở lại làm việc. Bệnh viện Hùng Vương đang rất thiếu người vì đội ngũ nhân lực bị chia đi các điểm điều trị Covid-19.
Bác sĩ Duy bước theo, an ủi chị đôi lời. Hai người tạm biệt khi điện thoại của anh đổ chuông. Vị kíp trưởng vẫn đang trong ca trực.
Không chùn bước
Hai lần mỗi ngày, các chiến sĩ dân quân tự vệ phục vụ tại Bệnh viện dã chiến 16 lái những chiếc xe điện 4 bánh đến trước tòa nhà 3 tầng duy nhất tại bệnh viện. Đó là nơi nghỉ ngơi của y bác sĩ, phòng hội chẩn, kho thuốc... Tại lối vào tòa nhà có một cái sảnh đủ rộng để tập kết các suất cơm cho bệnh nhân.
Từ đó, những chiếc xe điện chất đầy cơm hộp sẽ đi một quãng đường vòng men theo tường rào của bệnh viện, qua khu hồi sức tích cực (ICU) cho bệnh nhân nặng, thêm một vòng cua qua khu nhà xác dã chiến, trước khi dừng bánh tại dãy nhà tôn của bệnh nhân F0.
Các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ trước khi xuống khu điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Ngọc Tân.
Dãy nhà lợp tôn được xây đua dần về phía bờ sông Nhà Bè, cho đến khi căn phòng cuối cùng chỉ cách mép nước vài bước chân. Trên khuôn viên thoạt nhìn giống xưởng sản xuất này, hơn 1.000 giường bệnh đã được thiết lập cho Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 16.
Những ngày đầu vận hành Bệnh viện dã chiến 16, bác sĩ Duy và các đồng nghiệp phải chứng kiến rất nhiều ca bệnh chết ngay trước mắt mình. Những bác sĩ sản khoa trước giờ quen với cảnh sự sống chào đời, giờ đây giáp mặt thường xuyên với những phút hấp hối.
Khi số F0 nhập viện tăng lên, các y bác sĩ cảm nhận rõ ranh giới chuyên môn không có ý nghĩa gì. Đối với bệnh nhân, chỉ cần thấy có một cái phao cứu sinh để bấu vào là cả niềm mơ ước.
"Tụi tôi không được phép chùn bước, cho dù có yếu tay nghề thì luôn có một nhóm chuyên môn hỗ trợ lẫn nhau, không chắc cái gì thì hội chẩn. Không ai sợ ngu dốt, chỉ sợ không dám cứu bệnh nhân, để lỡ mất thời gian vàng của họ", vị kíp trưởng nói.
Bên trong khu hồi sức E3, điều dưỡng Nguyễn Thị Thùy Linh đang hé chiếc mặt nạ oxy qua một bên rồi đút từng thìa cháo cho một cụ già. Ông cụ không thể đi lại, phải mặc tã giấy.
"Có những bệnh nhân chỉ cần được chăm sóc đầy đủ là sẽ tốt lên", Thùy Linh chia sẻ trong lúc vò chiếc khăn mặt để lau người cho ông lão.
Chiếc bồn oxy lỏng cao sừng sững vừa được dựng lên tại bệnh viện, ngay kế bên 2 dãy nhà điều trị công suất 700 chỗ. Sự xuất hiện của hệ thống oxy trung tâm khiến đội ngũ y bác sĩ tạm quên những ngày phải khom lưng vác bình oxy nặng hàng chục kg vào tận phòng cấp cứu.
Một sản phụ mắc Covid-19 cùng bé gái mới sinh được Bệnh viện dã chiến số 16 cho xuất viện khi khỏi bệnh. Ảnh: Ngọc Tân.
Sau 10 ngày thở oxy, ba của dân quân Nghĩa khỏi bệnh và xuất viện. Tên của ông được đọc to qua loa phóng thanh vào trưa 2/9. Niềm vui của Nghĩa nhân đôi khi quận 7 của cậu tuyên bố kiểm soát được dịch bệnh trong cùng ngày.
Chỉ có một điều không may. Hôm đó nam dân quân được test nhanh và phát hiện mình đã phơi nhiễm với SARS-CoV-2.
"Em đã bị phơi nhiễm một lần vào tháng 6, nên lần nhiễm thứ 2 trải qua rất nhẹ nhàng, em biết là mình sắp khỏi", Nghĩa nói với phóng viên. Ba mẹ cậu đều đã xuất viện. Nam dân quân bình thản bước vào khu điều trị, nơi bà nội của cậu đang hồi phục sau chuỗi ngày thở oxy.
Giữa tháng 9, bác sĩ Duy thông báo lại cho phóng viên về tiến triển tại Bệnh viện dã chiến 16. "Từ 600 bệnh nhân, bây giờ chỉ còn 400. Số ca chuyển biến nặng giảm một cách đáng kinh ngạc. Không còn bệnh nhân nào phải thở Mapleson C, tin được không!", anh hào hứng nói.
Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 16. Ảnh: Ngọc Tân.
3 năm trước, bác sĩ Duy đọc lời thề Hypocrat bằng tiếng Hungary tại Đại học Debrecen, trước khi cầm tấm bằng thạc sĩ đa khoa về TP.HCM làm việc. Anh bảo cơ hội thực hành mới là quan trọng. Số ca sinh nở ở Hungary một tháng không bằng số ca một ngày ở Bệnh viện Hùng Vương.
"Cơ hội thực hành sản phụ khoa quan trọng với anh như vậy thì những ngày tháng điều trị Covid-19 có ý nghĩa gì với anh không?", phóng viên hỏi.
"Có chứ. Nó cho mình một ý thức hệ về công việc đang làm, về lời thề Hypocrat. Đã theo ngành y thì phải cứu chữa đồng bào bằng mọi cách", bác sĩ Duy trả lời.
Theo Zing
-
Thời sự1 ngày trướcTại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vừa xảy ra vụ việc bé gái 5 tuổi bị chó nuôi của gia đình cắn tử vong thương tâm.
-
Thời sự1 ngày trướcNgày 21/11, lãnh đạo UBND xã Krông Năng (huyện Krông Pa, Gia Lai) xác nhận, có vụ việc một em bé 4 tuổi nghi bị gã đàn ông hàng xóm xâm hại. Cơ quan chức năng đang xác minh, làm rõ.
-
Thời sự1 ngày trướcNhận tin chồng cùng đồng nghiệp bị rơi theo chiếc xe xuống sông mất tích, chị K. đang mang bầu cũng đến hiện trường, ngóng đợi phép màu xảy ra.
-
Thời sự3 ngày trướcTheo người dân sinh sống ở các ngõ 127, 155 Nguyễn Trãi; 126, 144 đường Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), việc dùng barie chặn xe là "cực chẳng đã" để đảm bảo an toàn giao thông.
-
Thời sự3 ngày trướcCơ quan công an đang khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ 2 vợ chồng tử vong nghi bị thiêu sống bằng xăng
-
Thời sự3 ngày trướcSau khi được gia đình gửi tại trường mầm non, bé 4 tuổi được phát hiện cháu đã tử vong dưới hồ nước nhà dân, cách trường không xa.
-
Thời sự4 ngày trướcCơ quan khí tượng dự báo Hà Nội sắp hứng mưa, mưa rào và có thể có dông, trời chuyển lạnh từ đêm nay.
-
Thời sự4 ngày trướcSau cú va chạm với ô tô trên đường đê ở huyện Tiền Hải (Thái Bình), người phụ nữ đi xe máy bị hất văng xuống triền đê tử vong tại chỗ.
-
Thời sự4 ngày trướcNhóm học sinh lớp 8 Trường THCS Hiền Quan rủ nhau đi tắm sông, 5 em bất ngờ bị nước cuốn trôi mất tích.
-
Thời sự4 ngày trướcNguyễn Văn Vĩ quay lại quán nhậu, cầm dao lao vào đâm gục người đàn ông trước sự hoảng loạn của người xung quanh
-
Thời sự5 ngày trướcThi thể 2 học sinh lớp 7 mất tích khi tắm sông đã được tìm thấy và bàn giao cho gia đình để lo hậu sự.
-
Thời sự5 ngày trướcTài xế xe ô tô bán tải vượt ẩu khi qua cầu phao Phong Châu (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) được cơ quan chức năng xác định là ông N.H.H. (45 tuổi, trú tại xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông).
-
Thời sự5 ngày trướcNghe tiếng động mạnh, người dân sống gần khu vực chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TPHCM) chạy ra kiểm tra, phát hiện nam shipper tử vong, xe máy văng xa cách 20m.
-
Thời sự6 ngày trướcTriều cường đạt đỉnh vào chiều 16/11 khiến nhiều tuyến đường vùng trũng thấp ở TP.HCM ngập sâu, nước tràn cả vào nhà ảnh hưởng đến đời sống người dân.