Những nỗi niềm phía sau vụ mẹ ném con

Trang nói mình nhớ con, mong được cho chăm nuôi con và cô rất hối hận về hành vi nông nổi của mình

Trong phòng trọ ở xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, Lưu Thị Huyền Trang (23 tuổi) bần thần ngồi nhìn chiếc điện thoại: “Em mong nhận cuộc gọi của mẹ chồng, mong bà nghĩ lại rồi trả con cho em. Em nhớ Y. lắm”. Cô chảy nước mắt. Bà Luyến - 61 tuổi, mẹ Trang - hốt hoảng: “Đừng khóc. Bác sĩ dặn khóc là mù luôn đó”.

Những nỗi niềm phía sau vụ mẹ ném con-1
Trang nói mình nhớ con, mong được cho chăm nuôi con và cô rất hối hận về hành vi nông nổi của mình

Bấn loạn, ném con

Trang buồn bã kể: “Bữa đó là trưa 26/2, vợ chồng em đi nhậu về lên gác nằm, cãi vã vài chuyện rồi anh Sang (Lê Văn Sang - chồng Trang, 33 tuổi) đánh em tới tấp. Tới giờ, em chỉ nhớ được vậy”. 

Bà Luyến kể, khi bị chồng đánh, từ trên gác, Trang nhảy theo bậc thang xuống đất. Thấy con gái là bé Y. (4 tháng tuổi) nằm ngáng cửa phòng trọ, Trang thốc con đặt mạnh ra cửa phòng. Đứa trẻ khóc thét. Sang lao trên gác xuống, vật vợ nằm ra đất, ngồi trên bụng vợ, đấm liên hồi lên đầu, mặt, mắt của Trang. 

Bà Luyến lao đến đẩy Sang ra. Trang vùng dậy ôm đầu, hai mắt nhắm nghiền, chạy vào một phòng trọ hàng xóm. Cô hoảng loạn quơ quào áo quần, bàn ghế, nồi chảo ném tứ tung. Va phải người hàng xóm, Trang đánh túi bụi. Sang tiếp tục lao theo đấm, đá vợ tới tấp. Trang chạy về phòng trọ của mình, mắt nhắm mở thấy bà Luyến đang ngồi dỗ dành Y. ngoài cửa. Cô giật đứa trẻ mang lên gác, ném mạnh xuống đất.

“Nó giật con xong đóng ầm cửa, chốt lại. Tui chưa hoàn hồn thì nghe cái rầm, nhìn từ cửa sổ vào thì thấy đứa nhỏ nằm im, chết giấc” - bà Luyến kể. Hàng xóm la ó. Mấy phút sau, công an có mặt, phá cửa, đưa Trang đi. Bà Nguyễn Thị Thủy - 51 tuổi, mẹ Sang, ở một nhà trọ gần đó - cũng có mặt, tức tốc ôm Y. đi cấp cứu. Chiều hôm sau, Trang được cho về để lo cho con. Bà Thủy hay tin, gọi điện thoại nói: “Coi lên bệnh viện chăm con, tao mệt quá rồi”. 

Trang tính qua hôm sau bắt xe đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) thăm con thì ngay trong tối đó, mẹ chồng gọi báo Trang ở nhà làm giấy tờ cho Y. vì đến lúc này, Y. vẫn chưa có giấy chứng sinh, khai sinh. Nhờ chủ phòng trọ, công an, chính quyền hỗ trợ, Trang hối hả hoàn tất các loại giấy tờ rồi đưa cho chồng mang tới bệnh viện cho bà Thủy. Xong việc, cô đi khám mắt. Bệnh viện ở tỉnh Bình Dương yêu cầu chuyển tới Bệnh viện Mắt TPHCM. Trong thời gian này, bà Thủy bỗng đổi thái độ, cấm Trang thăm con.

Khi say là đánh vợ, đánh cả mẹ vợ

Sáng 6/3, Trang được một người tốt bụng đưa đi khám mắt. Sau đó, nhờ được can thiệp, Trang được bà Thủy cho vào bệnh viện thăm Y. Trang nhìn con ngủ ngoan trong vòng tay bà nội, chân bó bột mà xót xa, ray rứt. 

Y. là con thứ ba của vợ chồng Trang - Sang. Đến nay, 2 đứa con đầu - 5 và 3 tuổi - vẫn chưa có giấy chứng sinh. “Lần nào sinh con xong, tụi em cũng trốn viện vì sợ bắt đóng tiền” - Trang nói. Đến nay, giữa Trang và Sang vẫn chưa từng có đám cưới, không đăng ký kết hôn. 

Trang và Sang cùng quê An Giang, tới tỉnh Bình Dương ở trọ, làm đủ nghề: lượm ve chai, cạo mủ cao su, phụ bán quán cơm, sơn nước. Họ nảy sinh tình cảm rồi sống như vợ chồng. Thấy cuộc sống của 2 người bấp bênh, bà Thủy từng quyết liệt ngăn cấm nhưng không thành.

Khi các con chào đời, cảnh túng thiếu khiến Trang và Sang xảy ra mâu thuẫn, cự cãi. Sang nhiều lần đánh Trang. Khi Trang mang bầu bé thứ hai, Sang cũng đánh vợ, đạp vào bụng bầu rồi vật ngã Trang, bóp cổ. Trang kể: “Lúc điên lên, ảnh đánh cả mẹ em. Hàng xóm sợ mẹ em bị đánh chết, can ngăn mấy lần”. 

Sang ngồi kế đó, nói chen vào: “Mày phải sao thì tao mới đánh”. Đôi mắt còn đỏ bầm, Trang cãi: “Em nhịn nhiều nhưng anh cứ hơn thua. Có chồng nào mà mỗi lần đánh vợ là như muốn giết chết”. Cô tiếp: “Giờ thì sao, nếu che mắt trái thì em không nhìn thấy gì”. Sang đứng dậy, bỏ ra ngoài. Lát sau, 2 đứa con ào vào phòng, ôm Trang, nói nhỏ: “Ba kêu đưa điện thoại chơi game”.

Tôi hỏi: “Bị đánh hoài như vậy, em có nghĩ đến việc chia tay?”. Trang nói, ai gặp cô cũng hỏi câu này. Cô tự nhận mình mau quên, dễ tha thứ. Sau vụ việc vừa qua, cả hai đã vui vẻ, nói chuyện lại bình thường.

Nhưng cô lo lắng: “Chồng em chỉ “không biết gì” khi có rượu, mà ảnh nghiện rồi, ngày nào cũng uống, một mình cũng uống, khi không say thì rất hiền. Mấy đứa con em cũng quấn cha, nên em không nỡ. Lúc mẹ mang bầu em 7 tháng thì cha em mất, em không biết tình cha là thế nào cho đến khi em sinh con, thấy anh Sang thương con…” - Trang bỏ lửng câu nói.

Bà Luyến ngồi cạnh, thở dài: “Tui chưa bao giờ muốn 2 đứa bỏ nhau trừ phi Trang đủ sức lo cho con. Nó nhỏ xíu, ôm sao hết 3 đứa”. Trang đưa tay lau mắt. Bà Luyến không ngừng “giá như”: “Nếu lúc xảy ra vụ việc, nhà có tiền đi khám liền thì mắt Trang đâu đến nỗi như vậy; có tiền thì Trang đâu đi làm đến nỗi lúc trở dạ, hấp tấp vô bệnh viện vấp ngay mấy bậc thang, đẻ rớt Y.; có tiền thì cả hai đâu có suốt ngày cắng đắng, chì chiết nhau…”. 

Những nỗi niềm phía sau vụ mẹ ném con-2
Trang được bà Thủy cho vào gặp con vào ngày 6/2 - Ảnh: L.V.P.

Người trong cuộc nói…

“Chuyện của em, có người chửi có người thương. Lúc đó, em loạn trí quá. Nhưng em cần con. Em nhớ những lúc em gọi “cục vàng ơi”, con nhìn em cười. Nhớ không chịu được”.

Lưu Thị Huyền Trang

“Em cũng hối hận sau mỗi lần đánh vợ. Sau chuyện này, em muốn cả gia đình hàn gắn, cùng lo cho các con”.

Lê Văn Sang

“Bây giờ cả nhà tính rồi, 2 đứa phải bỏ chứ có ngày thằng Sang giết con Trang. Nhưng trước mắt, mẹ chồng phải trả con cho nó. Từ lúc chào đời, bà ta có chăm sóc Y. đâu mà giờ giành nuôi cháu”. 

Chị ruột và cô ruột của Trang

“Hồi xưa, tui không ưa con Trang, nhưng vợ chồng nó giờ có 3 mặt con, chia rứt chi nữa. Nhưng nó làm mẹ vậy là không được. Vài hôm nữa Y. xuất viện, tui đưa cháu về nuôi, không cho nó nuôi. Ném con lần một thì sẽ có lần hai, lần ba”. 

Bà Nguyễn Thị Thủy

Cần đảm bảo quyền lợi của đứa trẻ

Trên hết, phải đảm bảo quyền và lợi ích đứa trẻ. Do Sang và Trang chưa đăng ký kết hôn nên hiện tại, Trang là đại diện hợp pháp của bé Y. Bà Thủy không có quyền ngăn cấm Trang thăm và chăm sóc con. Việc ngăn cản (nếu có) nhằm ngăn chặn hành vi gây ảnh hưởng đến con của Trang phải do cơ quan chức năng quyết định khẩn cấp. 

Về lâu dài, nếu lo Trang tiếp tục có hành vi xâm phạm đến tính mạng của Y., bà Thủy cần chứng minh được quan hệ giữa Sang với đứa trẻ. Cha mẹ phải là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con. Khi có quyết định của tòa án xác nhận quan hệ cha con, Sang phải có thêm quyết định của tòa về giao quyền nuôi con, mới được trực tiếp nuôi dưỡng con.

Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình

Bé Y. đang hồi phục, sắp được xuất viện

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, bé Y. đang hồi phục sức khỏe khá tốt, dự kiến vài ngày tới sẽ được xuất viện và bệnh viện sẽ tiếp tục theo dõi ngoại trú.

Lúc 23g45 ngày 26/2, bé Y. được người thân đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, da bị nhiều vết bầm, đùi phải sưng, bỏ bú. Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ ghi nhận: bé bị chấn thương nhiều nơi, gãy xương đùi phải, xuất huyết não khoang dưới nhện (khoảng trống giữa não và màng não) và dưới màng cứng. 

Các bác sĩ đã hỗ trợ hô hấp, huyết áp, cố định xương đùi bị gãy cho bé, theo dõi sát tình trạng xuất huyết não. Đến nay, chấn thương đầu đã được kiểm soát, bé Y. đã tỉnh táo hoàn toàn, bú tốt, sinh hoạt ổn. Tuy nhiên, bé cần được chăm sóc, nghỉ ngơi, tránh vận động nhiều, hạn chế ở nơi ồn ào, đông đúc và sau khi xuất viện, cần tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ.

Phạm An

Theo PNVN

Xem link gốc Ẩn link gốc https://www.phunuonline.com.vn/nhung-noi-niem-phia-sau-vu-me-nem-con-a1486940.html

mẹ ném con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.