Những "shipper áo xanh" đi chợ miễn phí giúp người dân Đà Nẵng trong mùa dịch

Những người dân trong vùng cách ly vì dịch Covid-19 muốn mua gì trong buổi chợ sáng mai thì chiều hôm trước chỉ cần "order", đội "shipper áo xanh" sẽ đi chợ mua giúp mang đến tận nhà và không lấy phí.

Gần 2 tuần nay, đều đặn 8 sáng mỗi ngày, các đoàn viên thanh niên của xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) lại tập trung để chốt "đơn hàng" và có mặt ở chợ Lệ Trạch để "đi chợ giúp dân". Đây là công việc được Đoàn xã Hòa Tiến bắt đầu thực hiện từ 13/8, khi một phần của thôn Yến Nê 2 bị phong tỏa vì có người mắc Covid-19.

“Không phải chúng tôi đi chợ mua đồ cho nhà mình mà mua giúp cho khoảng 400 hộ dân trong khu vực cách ly. Mặc dù, bà con vẫn được hỗ trợ thực phẩm đều đặn, tuy nhiên vẫn có nhu cầu mua sắm thêm nhiều loại thực phẩm bổ sung hoặc nhu yếu phẩm, thuốc men... Do đó, việc này nhằm hỗ trợ tối đa bà con trong thời gian bị cách ly", anh Nguyễn Quang Tuyến - Bí thư Đoàn xã Hòa Tiến, chia sẻ.

Những shipper áo xanh đi chợ miễn phí giúp người dân Đà Nẵng trong mùa dịch-1
Mỗi ngày, đội “shipper áo xanh” đi chợ lúc 8 giờ sáng và giao hàng tận nơi cho từng hộ dân trong khu phong tỏa lúc 10 giờ.

Anh Tuyến cho biết thêm, những người tham gia mô hình này đa số là sinh viên, đang được nghỉ học vì dịch Covid-19 nên có nhiều thời gian rỗi. Họ được chia làm 2 nhóm. Một nhóm khoảng 10 - 15 người ở ngay trong khu cách ly thôn Yến Nê 2, có nhiệm vụ tuyên truyền mô hình đến với người dân, tổng hợp đơn đăng ký nhờ mua hàng của bà con và phân phối hàng hóa đến tận nhà.

Nhóm còn lại gần 10 người, ở ngoài khu cách ly, thực hiện việc nhận đơn, đi chợ và phân phối hàng vào khu cách ly. Các tình nguyện viên đi chợ đều phải đeo khẩu trang, găng tay. Còn những người hỗ trợ vận chuyển thực phẩm bên trong khu phong tỏa được trang bị đồ bảo hộ kỹ càng.

Những shipper áo xanh đi chợ miễn phí giúp người dân Đà Nẵng trong mùa dịch-2
Nhiệm vụ của các bạn trẻ là đi chợ mua thức ăn, nhu yếu phẩm theo yêu cầu của người dân trong khu vực cách ly.

Những shipper áo xanh đi chợ miễn phí giúp người dân Đà Nẵng trong mùa dịch-3
Việc mua sắm được các bạn trẻ ghi chép lại kỹ càng, tỉ mỉ, từ tên các loại thực phẩm đến khối lượng, giá tiền... để tiện cho việc phân chia và tính tiền sau đó.

Anh Ngô Ngọc Hiếu - Đội trưởng đội "đi chợ giúp dân" thôn Yến Nê 2 (xã Hòa Tiến) cho biết, mô hình "đi chợ giúp dân" này đã được bà con khu vực cách ly và các tiểu thương tại các chợ ủng hộ rất nhiệt tình. Hằng ngày, anh cùng các thành viên của đội ghi lại thông tin cẩn thận trong cuốn nhật ký rồi ra chợ, tự tay lựa những miếng thịt, con cá, mớ rau theo yêu cầu của người dân.

Tất cả hàng hóa mua đều được các "shipper áo xanh" ghi lại vào cuốn sổ nhật ký đi chợ ghi chi tiết sản phẩm này mua ở hàng nào, số tiền hết bao nhiêu để đảm bảo minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. 

Sau khi đi chợ về, thực phẩm sẽ được các tình nguyện viên phân chia vào bao, ghi tên từng hộ dân một cách cẩn thận. Tên các hộ, danh sách thực phẩm và số tiền cũng được ghi rõ ràng vào các mảnh giấy nhỏ để thuận tiện cho nhóm vận chuyển thu tiền.

Những shipper áo xanh đi chợ miễn phí giúp người dân Đà Nẵng trong mùa dịch-4
Sau khi đi chợ về, các TNV sẽ tập trung tại 1 địa điểm cố định để phân chia thực phẩm vào túi riêng cho từng hộ.

Những shipper áo xanh đi chợ miễn phí giúp người dân Đà Nẵng trong mùa dịch-5
Tên các hộ, danh sách thực phẩm và số tiền đã mua sẽ được ghi rõ ràng vào các mảnh giấy nhỏ để thuận tiện cho nhóm vận chuyển thu tiền.

Những shipper áo xanh đi chợ miễn phí giúp người dân Đà Nẵng trong mùa dịch-6
Các TVN vòng ngoài sẽ đặt thực phẩm ở 1 chiếc bàn ở vùng đệm khu phong tỏa, phía sau rào chắn. Sau đó, gọi điện cho nhóm phụ trách vận chuyển ra hỗ trợ.

Theo anh Hiếu, công việc phân chia thực phẩm này còn mất thời gian và vất vả hơn cả việc đi chợ. "Mọi người mua từng phần thực phẩm nhỏ, các loại rau gia vị, trái cây... rất đa dạng. Dựa vào danh sách, chúng mình sẽ phân chia ra thành các túi riêng để chuyển đến từng hộ", anh Hiếu giải thích.

Sau khi kiểm đếm xong, toàn bộ thực phẩm sẽ được vận chuyển đến khu phong tỏa. Tại đây, các túi hàng thực phẩm sẽ đặt ở một chiếc bàn ở vùng đệm khu phong tỏa, phía sau rào chắn. Sau đó, nhóm vận chuyển sẽ dùng xe ba gác, ship hàng đến từng nhà để người dân tại khu vực cách ly yên tâm, thực hiện tốt các chỉ đạo về phòng, chống dịch.

Những shipper áo xanh đi chợ miễn phí giúp người dân Đà Nẵng trong mùa dịch-7
Các bạn trẻ phụ trách việc ship thực phẩm phải mặc đồ bảo hộ và hạn chế tiếp xúc, trò chuyện với nhau để đảm bảo các yêu cầu phong tỏa.

Những shipper áo xanh đi chợ miễn phí giúp người dân Đà Nẵng trong mùa dịch-8
Các TNV ở vòng trong đưa thực phẩm lên xe ba gác và "ship" đến tận nhà cho người dân trong khu cách ly, rồi thu lại tiền chợ.

Nhận túi thực phẩm từ tay các "shipper áo xanh", cô Cao Thị Thực cho biết, từ khi có lệnh cách ly, gia đình cô chưa kịp mua thực phẩm để dự trữ. Nhờ có các bạn đoàn viên thanh niên đi chợ giúp nên nhà cô đã có đủ thực phẩm để ăn uống trong mấy ngày qua.

"Đồ các bạn ấy mua rất tươi ngon. Nhiều khi cố ý đưa thừa tiền để các bạn mua nước uống mà các bạn ấy không nhận. Có nhiều người dân nhờ mua rất nhiều thực phẩm nhưng chẳng bao giờ thấy các bạn kêu mệt, lúc nào cũng thấy vui vẻ. Thật sự rất cảm ơn các bạn ấy”, chị Thực chia sẻ.

Được biết, ngoài xã Hòa Tiến, hiện mô hình "đi chợ giúp dân" cũng đang được triển khai tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang). Niềm vui của các “shipper áo xanh” là lời cám ơn, nụ cười tươi bên trong lớp khẩu trang của các vị "khách" khi nhận hàng.

Theo BÁO DÂN SINH

Xem link gốc Ẩn link gốc http://baodansinh.vn/nhung-shipper-ao-xanh-di-cho-mien-phi-giup-nguoi-dan-da-nang-trong-mua-dich-220202580432723.htm

Covid-19

dịch bệnh


Cảnh giác chiêu lừa của người nước ngoài giả vờ mua hàng, đổi ngoại tệ
Thủ đoạn của các đối tượng người nước ngoài lợi dụng các điểm bán hàng hoặc các điểm dịch vụ đổi tiền có ít người quản lý, giả vờ vào mua hàng hoặc đổi tiền, sau đó tạo các tình huống khiến người bán hàng phân tâm, mất cảnh giác để chiếm đoạt tài sản.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.