Trải qua 3 cuộc phẫu thuật với quãng thời gian 2 năm điều trị, bàn tay dập nát của cô gái Phạm Thị Phương Thảo (21 tuổi, Hậu Giang) đã phục hồi gần như bình thường. Đó là sự nỗ lực, cố gắng không chỉ riêng Thảo, mà còn là của các y bác sĩ tại Bệnh viện (BV) Sài Gòn – ITO TP.HCM.
Lo sợ bàn tay không thể giữ lại
Nhớ lại giây phút cận kề “tử thần”, Thảo rùng mình kể: “Trong lúc lao động, bàn tay mình bị máy cắt xốp cuốn vào. Theo phản ứng, mình giật tay ra nhưng không kịp.
Khi ấy, bàn tay cùng các ngón 2-5 đã dập nát, phỏng da toàn bộ khiến mình chóng mặt và ngất xỉu tại chỗ. May mọi người tắt máy, chứ không mình chẳng còn sống đến giờ”.
Sau đó, Thảo được gia đình đưa lên TP.HCM, vào Khoa vi phẫu – BV Sài Gòn ITO cấp cứu. Tại đây, nhìn tình trạng vết thương, các bác sĩ đã quyết định đưa bệnh nhân vào phòng phẫu thuật lần 1 để xử lý, khâu nối vi phẫu mạch máu, thần kinh, nắn khớp và khâu phục hồi gân gập. Ngoài ra, Thảo còn được ghép da dầy toàn phần từ những mảnh da bị tổn thương của các ngón tay.
“Chờ phẫu thuật, mình được mọi người gọi dậy và cảm thấy rất lo sợ. Mình sợ bàn tay sẽ bị cắt cụt, trở thành người tàn tật, không thể tiếp tục làm việc. Nghĩ tới đó, mình bỗng khóc nức nở, mặc cơn đau hành hạ . May mắn, các bác sĩ đã kịp thời mổ để có thể giữ lại bàn tay”, Phương Thảo tâm sự.
Qúa trình tập vật lý trị liệu bàn tay, Thảo phải chịu rất nhiều đau đớn
Ca phẫu thuật thành công, Thảo được chuyển xuống phòng bệnh để theo dõi tình hình sức khỏe. Trong thời gian ấy, cô gái trẻ đã trải qua nhiều cảm xúc từ đau đớn, buồn chán đến tuyệt vọng, muốn được xuất viện sớm. Tuy nhiên, bằng sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ trong quá trình điều trị, tập vật lý trị liệu đã tiếp thêm cho em nhiều động lực cố gắng.
Ca bệnh “Qúa khó và rất đặc biệt”
42 ngày nằm viện, tập vật lý trị liệu kết thúc, Phương Thảo được xuất viện về nhà bồi dưỡng sức khỏe. 10 ngày sau, em tiếp tục quay lại bệnh viện thực hiện lần phẫu thuật thứ 2.
“Lần phẫu thuật ghép da, tách khớp này rất quan trọng. Nếu như không thành công, mình phải chuẩn bị tiền mổ lần nữa. Ngờ đâu, ca mổ diễn ra ngoài sự mong đợi. Vì vậy, trong lần phẫu thuật cuối, mình chỉ phải cắt tỉa các vết sẹo của ngón tay”, Thảo kể.
Trải qua ba lần phẫu thuật giải phóng sẹo co rút và vi phẫu khéo léo, bàn tay dập nát của cô gái trẻ đã được tái sinh!
Nhắc đến “bàn tay mới”, Thảo vui vẻ: “Hiện giờ, vết sẹo đã lành nhưng bàn tay vẫn còn yếu lắm. Nó không có nhiều sức như trước kia. Đôi lúc, mình muốn giúp gia đình một số việc nhưng không làm nổi. Thực sự, mình cũng thấy buồn, tuy vậy nghĩ đến chuyện bàn tay được tái sinh cũng an ủi phần nào”.
BS. Nguyễn Xuân Anh, Trưởng khoa Vi phẫu tạo hình – người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho Phương Thảo chia sẻ: “Đây là một ca bệnh quá khó và rất đặc biệt. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bàn tay gần như bị hủy hoại.
Vì vậy, trong lần phẫu thuật đầu, chúng tôi đã dùng lại da của các ngón tay bị lột rời rồi ghép lại từ đầu. Nhờ đó, cô gái không phải lấy da từ vùng khác đắp thay thế. Hai lần sau đó, ê kíp tiến hành chỉnh sửa sẹo co rút ngón và cứng khớp.”