'Nước mắt thì không thể giả vờ, nhưng đừng tung hô tôi như một hiện tượng'

Mới đây, hình ảnh hàng trăm người đứng bịn rịn, rơi nước mắt khi chia tay GS.TS Nguyễn Anh Trí trước khi nghỉ hưu đã lay động trái tim nhiều người.

Mới đây, hình ảnh hàng trăm người đứng bịn rịn, rơi nước mắt khi chia tay GS.TS Nguyễn Anh Trí trước khi nghỉ hưu đã lay động trái tim nhiều người. Chia sẻ với VietNamNet, ông bày tỏ: "Tôi cũng là một công dân, việc tôi về hưu là chuyện thường tình, đừng tung hô tôi như một hiện tượng lạ".

>> 'Dù tôi chỉ là người quét rác, bác sĩ Nguyễn Anh Trí vẫn tôn trọng'

Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện huyết học và truyền máu trung ương
Nhiều người bịn rịn chia tay giáo sư Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

GS Nguyễn Anh Trí là Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương từ tháng 5/2003 - 9/2017. Từ ngày 1/10, giáo sư chính thức về nghỉ hưu.

Hơn 30 năm công tác trong ngành Y tế, trong đó có 14 năm giữ chức Viện trưởng, GS Nguyễn Anh Trí được nhiều người dân và cán bộ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương yêu mến bởi tài năng và y đức của mình.

Khi biết thông tin GS Nguyễn Anh Trí về hưu, rất nhiều người tỏ ra lưu luyến. Sáng 2/10, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức buổi chia tay ông. Hàng trăm bác sĩ, sinh viên và bệnh nhân đã chờ để được chào tạm biệt người lãnh đạo, người thầy, bác sĩ của mình.

Hình ảnh những cái nắm nay bịn rịn, những cái ôm thật chặt hay những giọt nước mắt rơi trong buổi chia tay khiến nhiều người xem không khỏi xúc động.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện huyết học và truyền máu trung ương
Giáo sư Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Nhật Linh

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên VietNamNet, GS Nguyễn Anh Trí nói: “Tôi cũng là một công dân, việc tôi về hưu là chuyện thường tình, đã yêu quý tôi thì hãy để mọi việc đúng mực, đừng tung hô tôi như một hiện tượng lạ.

Tôi thấy rất tự hào và cảm động khi nhận được nhiều tình cảm nồng ấm của mọi người, tuy nhiên tôi không bất ngờ. Vì hằng chục năm nay, tình cảm của mọi người với tôi vẫn gần gũi như vậy".

Sau khi những hình ảnh hàng trăm người rơi nước mắt, ôm ông khi về hưu thu hút sự chú ý của dư luận, có nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng đây là dàn cảnh. Đáp lại ông chỉ nói: “Nếu dàn cảnh hàng trăm người xếp hàng thì được nhưng hàng trăm người rơi nước mắt là điều không ai dàn cảnh, giả vờ được”.

Theo GS, thời gian ông công tác tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, ông và mọi người luôn trân quý, yêu thương nhau như một gia đình.

“Trước ngày về hưu tôi rất buồn và chênh vênh vì tôi vẫn rất nặng lòng với người bệnh, với nơi tôi đã gắn bó, một tập thể mà tôi rất yêu mến, quý trọng, một tập thể nặng tình người. Nơi đây không chỉ là mối qua hệ giữa cấp trên và cấp dưới mà là gia đình thứ hai, nơi giúp tôi thăng hoa, phát triển và góp phần nhào nặn tôi được như ngày hôm nay”, vị giáo sư già trải lòng.

GS Nguyễn Anh Trí cũng cho biết thêm, sau khi nghỉ hưu, ông vẫn sẽ tiếp tục cống hiến, tham gia ở nhiều lĩnh vực trong vai trò, vị trí mới như tham gia vào một số công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về tế bào gốc, hướng dẫn cho nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ… Ông chia sẻ, dù ở bất cứ cương vị nào, vai trò gì ông cũng sẽ làm hết mình.

“Cuộc đời đã cho tôi nhiều thứ, tôi sẽ cống hiến bằng tất cả trái tim và tấm lòng của mình. Tôi cũng rất mãn nguyện, mãn nguyện với công việc và với những gì đã đạt được với Viện Huyết học. Tôi rất tự hào và vinh dự, xin cảm ơn tất cả vì điều đó. Tôi luôn luôn coi người bệnh là người nhà. Được cứu chữa cho bệnh nhân là niềm hạnh phúc lớn lao của mình. Tôi luôn cố gắng truyền những điều này đến đội ngũ cán bộ trong Viện" - GS Trí nói.

Ngoài ra, tên tuổi của GS Nguyễn Anh Trí còn được gắn liền với Ngày hội xuân hồng - chương trình hiên máu nhân đạo do ông khởi xướng và bản thân ông tham gia hiến máu tới 21 lần.

Ông tâm sự: “Ngay từ khi còn là một sinh viên nội trú, chứng kiến việc thiếu thốn máu điều trị cho bệnh nhân, nhiều người khuôn mặt xanh xao, đau đớn tôi luôn tâm nguyện và ấp ủ xây dựng một ngân hàng máu lớn, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh cho người mắc chứng bệnh về máu”.

Với ông, việc coi bệnh nhân là người thân không phải là khẩu hiệu mà đó là quan điểm từ ngày còn ngồi trên giảng đường đại học. Ông bộc bạch: “Tôi coi việc phục vụ bệnh nhân là niềm hạnh phúc của mình.

Vẫn theo lời GS Nguyễn Anh Trí, ông coi đây là văn hóa ứng xử. Bất kể bệnh nhân giàu hay nghèo… đều phải được đối xử bình đẳng, hết lòng và tận tụy.

Trong buổi trò chuyện, giọng rưng rưng, GS Nguyễn Anh Trí kể lại hình ảnh các cháu bé chưa đến 5 tuổi, chạy đến ôm chân, vây quanh ông líu lo nói: “Ông Trí về hưu, ông Trí về hưu”. 

Hình ảnh đó khiến ông rớt nước mắt: “Giây phút đó quý giá, không gì mua được, vì không chỉ bố mẹ các cháu biết đến tôi mà các cháu cũng nhớ đến tôi”.

Gần đây nhất, hành động ấm áp của giáo sư Nguyễn Anh Trí khi ôm cháu bé bị bỏ rơi trước cổng bệnh viện Huyết học truyền máu trung ương vào lòng đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng đồng nghiệp, học trò cũng như người bệnh.

Cũng qua buổi tiếp xúc, ông nhắn nhủ mọi người đừng lên án người mẹ đáng thương đó. Vì có thể họ có nỗi khổ tâm riêng, bản thân không vượt qua được nên mới bỏ con lại. Ông hi vọng, người mẹ khi đọc được những lời này sẽ suy nghĩ, quay lại đón con…

Trước khi kết thúc buổi trò chuyện, giáo sư Nguyễn Anh Trí cũng đề cập đến TS .BS Nguyễn Quốc Khánh - người thay ông làm Viện trưởng Viện huyết học Truyền máu Trung ương.

Ông chia sẻ: “Anh Khánh là người giỏi chuyên môn, tôi tin anh Khánh sẽ phát huy tốt những thành tựu mà tập thể cán bộ công nhân viên Viện Huyết học - Truyền máu trung ương đã đạt được trong nhiều năm qua”.

Một buổi sáng đặc biệt, tại lễ chào cờ, cũng là buổi chia tay của viện trưởng, GS.TS Nguyễn Anh Trí về hưu trong sự quyến luyến đầy nước mắt của cán bộ, nhân viên viện

Theo VietNamNet


bệnh nhân

nghỉ hưu

viện trưởng

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

GS.TS Nguyễn Anh Trí

bác sỹ Nguyễn Anh Trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.