Phụ huynh cần tỉnh táo khi tìm khóa kĩ năng mùa hè cho con trẻ

Dịp nghỉ hè, nhiều phụ huynh chạy đôn chạy đáo tìm các khóa học thêm, giáo dục kĩ năng cho con trẻ. Tuy nhiên, phụ huynh cùng con em cần tìm hiểu, nghiên cứu kĩ địa chỉ tham gia các khóa tu mùa hè, tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra đối với con trẻ.

Phụ huynh cần tỉnh táo khi tìm khóa kĩ năng mùa hè cho con trẻ-1
Quảng cáo tham gia khoá tu mùa hè ở trên mạng. Ảnh chụp màn hình

Không phải ai cũng tham gia khóa tu mùa hè

Theo khảo sát, khóa tu mùa hè được nhiều ngôi chùa, đền, thiền viện tổ chức trên cả nước, từ Bắc vào Nam. Ghi nhận của PV cho thấy, đa số các khóa tu mùa hè tại các cơ sở tôn giáo đều không mất chi phí. Phụ huynh có thể tìm các khóa tu trên mạng xã hội; việc đăng kí tham dự cũng dễ dàng.

Chị N.L.P (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) có 2 con trai (14 tuổi và 12 tuổi). Ngay khi các con nghỉ hè, chị rất quan tâm đến các hoạt động để các con có một kì nghỉ hè ý nghĩa, học được các kĩ năng sống. “Tôi thực sự bối rối khi tìm hiểu về các khóa tu mùa hè hay học kì quân đội, bởi lẽ các hoạt động này quá đa dạng, nhiều sự lựa chọn với chi phí rất khác nhau” - chị P kể.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Khoa Văn hóa và Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng: “Mục đích của các khóa tu là nhân văn, tốt đẹp, nhưng thực tế không phải đền, chùa nào cũng làm tốt việc này được. Nhân lực, kĩ năng tổ chức, sự bỡ ngỡ của các ngôi chùa nếu tổ chức khóa tu lần đầu sẽ không tránh khỏi những sự việc đáng tiếc”.

Theo ông Trung, những hoạt động trong chùa gồm: Ăn chay, tụng kinh, niệm Phật... nếu trong một vài ngày sẽ thích hợp với con trẻ. Còn nếu tập trung các cháu thực hiện hoạt động này trong khoảng 10-15 ngày sẽ khiến các cháu căng thẳng. Hoạt động khóa tu mùa hè phải nghiên cứu, xem xét lại. Các khóa tu ở chùa nghiêng về tâm linh, tôn giáo, không còn là hoạt động xã hội bình thường. Có thể các cháu sẽ háo hức ban đầu, nhưng trong quá trình thực hiện nhiều cháu không chịu nổi. Nhà chùa cũng có kỉ luật về ăn, uống, sinh hoạt, ngồi thiền, nghe giảng kinh Phật... Những hoạt động khác ở nhà chùa thường ít được chú trọng. Ngay cả với người trưởng thành, khi tham gia các khóa tu cũng khó hòa hợp... Là còn chưa bàn đến đối tượng là trẻ em.

PGS Phạm Ngọc Trung khuyên: “Các phụ huynh cần tìm hiểu nội dung của khóa tu là gì? Các cháu đang năng động, hiếu động được giao tiếp với bạn bè, gia đình; được tiếp cận với điện thoại, mạng xã hội. Đến với nhà chùa, các cháu như ở trong một thế giới khác. Có cháu sẽ không chịu nổi môi trường mới; thậm chí căng thẳng, trầm cảm, gây gổ với bạn bè...”.

Cần thanh tra, kiểm tra chặt chẽ

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ: Địa phương tại nơi đặt cơ sở tham gia hoạt động của trẻ em cần kiểm tra xem cơ sở có tuân thủ tất cả quy định tại Thông tư Số 27/2022/TT-BLĐTBXH hay không? Mới đây, Cục Trẻ em đã tổ chức phổ biến, tập huấn Thông tư này đến các cơ sở công an, quân đội, đoàn thanh niên, cơ sở tôn giáo, những nơi có tổ chức các khóa sinh hoạt mùa hè.

Thông tư này hướng dẫn sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục; nếu phát hiện các cơ sở này có vấn đề thì cơ quan cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan chủ quản có thẩm quyền phải kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ quan giáo dục đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trực thuộc.

Theo Lao động

Xem link gốc Ẩn link gốc https://laodong.vn/xa-hoi/phu-huynh-can-tinh-tao-khi-tim-khoa-ki-nang-mua-he-cho-con-tre-1206366.ldo?fbclid=IwAR23TZ1RVHYct9oWAR0CxAubhk98q3zeFTgUqQlafXBn4_gKtGPUx7ggk1w

Khóa tu mùa hè


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.