Quá tải hệ thống y tế cơ sở ở Hà Nội: Tôi không có thời gian về nhà

“Có hôm tôi về nhà lúc 9 giờ tối. Con tôi bảo: Sao hôm nay mẹ về sớm thế. Bình thường, những lúc dịch căng thẳng, có thời gian về nhà đâu. Con cái cũng không gặp vì ở bên ngoại suốt”, chị Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1981), nhân viên Trạm Y tế phường Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.

Vừa nhận thêm chục trường hợp nữa…

Chị Nguyễn Thị Bích Liên có nhiều năm làm việc tại Trạm Y tế phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Khi chưa có dịch COVID-19, công việc của chị không quá áp lực. Dịch ập đến, hai năm qua, chị liên tục phải đi điều tra, truy vết, rồi lại đến tiêm vắc xin, điều trị, tư vấn cho F0.

"Căng thẳng nhất là dịp phường bùng phát dịch COVID-19 từ các trường hợp lái xe đường dài về từ TP HCM hồi tháng 8 vừa qua. Lúc đó chúng tôi quên ăn, quên ngủ", chị Liên kể.

Quá tải hệ thống y tế cơ sở ở Hà Nội: Tôi không có thời gian về nhà-1
Chị Nguyễn Thị Bích Liên (trạm Y tế phường Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội) trao đổi với phóng viên Tiền Phong qua rào chắn khu thu dung điều trị F0 thể nhẹ Ảnh: Trường Phong

Theo chị Liên, thời điểm đó, phường mới bùng phát dịch diện rộng, tâm lý còn nhiều e ngại. Ai cũng căng thẳng. Nhân viên y tế phường phải tập trung hết sức lực để đi truy vết, điều tra các trường hợp liên quan, khoanh vùng hạn chế lây nhiễm. “Có thời điểm nửa đêm rồi vẫn phát loa mời người liên quan ra lấy mẫu xét nghiệm. Người dân nhiều khi có ý kiến, nhưng phòng chống dịch cần kịp thời, triệt để, rồi họ cũng thông cảm”, chị Liên nói.

Làm nhiều nhiệm vụ, thu nhập thấp

Theo Sở Y tế Hà Nội, về nhân lực y tế, thực tế hiện nay, nhiều xã, phường thị trấn của thành phố, đặc biệt là khu vực đang đô thị hóa, nhiều khu chung cư, mật độ dân số cao trên 30.000 dân, có nơi trên 50.000 dân chỉ có tối đa 10 cán bộ/1 trạm y tế. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhận định, với số lượng cán bộ như vậy chỉ thực hiện theo dõi quản lý sức khỏe bảo đảm cho tối đa 13.000-15.000 dân. "Trên 15.000 dân sẽ quá tải, chưa kể khi xuất hiện những dịch bệnh nguy hiểm, có tính chất lây lan nhanh", bà Hà nói, đồng thời thông tin, các Trung tâm Y tế các quận, huyện chưa tuyển dụng đủ nhân lực theo vị trí việc làm do không thu hút được nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là bác sĩ. Ngoài ra, đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ nhưng thu nhập của cán bộ y tế cơ sở còn thấp, chủ yếu là từ lương, phụ cấp nghề.

Chồng chị Liên, anh Lê Huy Hùng cũng là nhân viên y tế, thuộc biên chế Trạm Y tế phường Trúc Bạch (quận Ba Đình). Thời điểm dịch bùng phát đầu tiên ở Hà Nội trên địa bàn phường Trúc Bạch (bệnh nhân số 17 - PV), chồng chị Liên làm công tác y tế dự phòng trên địa bàn quận, sau đó luân chuyển về làm tại Trạm Y tế phường. "Thỉnh thoảng hai vợ chồng hỏi kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19. Anh nhà tôi ở địa bàn đầu tiên xử lý các ca bệnh nên cũng có nhiều điều tư vấn được", chị Liên nói.

Chị Liên mới được điều động sang làm quản lý khu thu dung, điều trị F0 thể nhẹ trên địa bàn phường Giáp Bát. "Hôm qua vừa nhận thêm hơn chục trường hợp nữa. Họ bị nhẹ, chủ yếu tập thể dục thể thao và điều trị tâm lý thôi", chị Liên nói, đồng thời cho biết, có những trường hợp vào điều trị mà khóc suốt vì sợ, tôi phải tâm sự, khuyên nhủ, động viên họ yên tâm chữa bệnh, điều này rất quan trọng.

Cũng theo chị Liên, nhân viên y tế mùa dịch rất vất vả, nhiều khi chị em trực đến nửa đêm mới về. Chị Liên có một cháu học lớp 9, một cháu học lớp 4. Cháu nhỏ gửi nhà ngoại, cháu lớn tự lo liệu ở nhà. Mấy tháng nay bữa cơm hầu như không đầy đủ thành viên trong gia đình. Có đợt dịch căng thẳng, chị và các đồng nghiệp ăn ngủ luôn tại Trạm Y tế cả tháng.

Nguy cơ phơi nhiễm cao

Chị Liên, anh Hùng cùng hàng trăm nhân viên y tế tuyến cơ sở ở Hà Nội vẫn đang ngày đêm căng sức phòng, chống dịch COVID-19. Những ngày này chúng tôi liên hệ xin làm việc, nhiều lãnh đạo phường nhắn nhủ phóng viên cần thông cảm, xuống Trạm Y tế nguy hiểm bởi F0 đang nhiều, lại gây mất tập trung công việc cho anh em.

Tại Trạm Y tế phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), một nhân viên nói với phóng viên: "Bọn chị vất vả quá rồi! Thế thôi, em thích viết thế nào cũng được…". Trong suốt một ngày xuống Trạm Y tế phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), chúng tôi cũng chỉ được trao đổi với chị Đoàn Thị Thảo - người được cho là ít bận nhất. Dù thế, chị luôn tay luôn chân, hết nghe điện thoại tư vấn, lại chạy đi lo công văn, giấy tờ, làm hồ sơ để theo dõi các trường hợp hết hạn cách ly, điều trị trên địa bàn.

Chị Thảo là nhân viên y tế học đường trên địa bàn phường Phương Liệt, thời gian này được tăng cường qua Trạm Y tế phường Ô Chợ Dừa để chống dịch. Trước đó, chị được tăng cường sang Trạm Y tế phường Phương Liên thời gian 3 tháng. Chị bảo, đi suốt, con cái phải gửi ở nhà ngoại, nhưng chưa thấy có chế độ gì ngoài giấy khen của Phòng GD&ĐT quận. Chồng chị bảo nếu công việc vất vả, áp lực quá thì xin nghỉ. Nhiều lần chị tranh thủ gọi điện thoại cho con gái, câu đầu tiên của con: "Mẹ bỏ rơi con à". Con học trực tuyến, giáo viên nhắn tin về tình hình học tập, chị còn không kịp nhắn lại.

Chia sẻ về áp lực với nhân viên y tế tuyến cơ sở ở Hà Nội hiện nay, chị Huyền - Trưởng Trạm Y tế phường Giáp Bát (Hoàng Mai) nói, nhân viên y tế quá vất vả, người thì ít mà công việc tăng gấp nhiều lần. Không chỉ bản thân chị, nhiều đồng nghiệp cũng có lúc suy nghĩ, hay là bỏ việc. Nhưng rồi chị Huyền tự nhủ, bao nhiêu năm gắn bó với nghề, giờ đến lúc xã hội cần, nhân dân cần, bỏ sao đành.

Chị Liên cũng nghe chỗ này, chỗ kia, có người này, người kia xin nghỉ việc vì áp lực, lo lắng lây nhiễm, nhưng chị và các đồng nghiệp chưa từng nghĩ đến điều này.

Ông Đặng Khánh Hoà, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho hay, trong nhiều cuộc họp, nhân viên y tế vừa phát biểu vừa rưng rưng. Đa phần nhân viên y tế tuyến cơ sở là nữ. Người nào cũng có gia đình, chồng con. Không phải ai cũng dũng cảm, vượt qua được những áp lực, đặc biệt khi đối mặt với dịch bệnh.

Bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, nhân viên y tế trên địa bàn quận nói riêng và thành phố nói chung đang quá tải về công việc. Họ đối mặt với nguy cơ nhiễm COVID-19 quá cao. "Bây giờ phóng viên xuống không gặp được đâu. Nguy cơ dịch cao quá. Anh em vất vả quá rồi, để cho mọi người tập trung làm việc", bà Dung nói.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, trong 2 năm qua, lực lượng y tế cơ sở là "tuyến đầu của tuyến đầu", tuy nhiên, việc đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực chưa tương xứng. Thành phố Hà Nội đang có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, và trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở với số tiền 2.447 tỷ đồng.

>>> Mời độc giả xem tin tức mới nhất trong ngày chính xác nhất

Theo Tiền phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/qua-tai-he-thong-y-te-co-so-o-ha-noi-toi-khong-co-thoi-gian-ve-nha-post1403922.tpo

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.