Số ca bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch lớn "chưa từng có" và nỗi đau của người thầy thuốc trước những ca tử vong trong tâm dịch

"Nhiều bệnh nhân không có quần áo để mặc, phải mặc quần áo bệnh viện để khâm liệm. 1h hay 2h sáng, bệnh nhân tử vong, có những điều dưỡng đi khắp khoa xin tiền lẻ để rải đường cho bệnh nhân" – Chị Thường chia sẻ.

Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: Khoảng khắc khi bệnh nhân COVID-19 qua đời, thầy thuốc là người cuối cùng bên bệnh nhân bởi người nhà không thể có mặt. 1h hay 2 h sáng, bệnh nhân tử vong, có những điều dưỡng lo lắng tìm cho bệnh nhân một bộ quần áo mặc khi khâm liệm hay đi khắp khoa xin tiền lẻ để dải đường cho bệnh nhân. Đại dịch quá khốc liệt, người dân hãy tuân thủ 5k và biết trân trọng những liều vắc xin quý giá!

Số ca bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch lớn chưa từng có và nỗi đau của người thầy thuốc trước những ca tử vong trong tâm dịch-1

Những đêm trực dài "khốc liệt"

Sau nhiều lần hẹn, tôi mới có thể trò chuyện qua điện thoại một cách trọn vẹn với chị Nguyễn Thị Thường - Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào 22h khuya mà không bị ngắt quãng giữa chừng.

Khi nói chuyện với chị Thường, tôi có thể cảm nhận được những cung bậc cảm xúc của họ trong cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19.

Tính từ ngày 5/5, khi BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương phong tỏa, tới thời điểm hiện tại đã hơn 1 tháng các thầy thuốc chiến đấu với đợt dịch COVID-19 thứ 4 này. Trong suốt thời gian này, những thầy thuốc đã trải qua nhiều đêm trực "khốc liệt" với nhiều cảm xúc trộn lẫn: Từ vỡ òa niềm vui sau những ca cấp cứu chạy xình xịch suốt đêm tới cảm giác xé lòng khi chứng kiến bệnh nhân của mình ra đi hay cả những nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình da diết.

Chị Thường chia sẻ: Tính từ khi đợt dịch thứ 4 trong nước bùng phát, suốt hơn 1 tháng qua, bệnh viện nhận điều trị khoảng trên 4.000 ca mắc mới. Không ít những ca bệnh nặng, diễn biến nhanh, nguy kịch nhưng đã thoát khỏi cửa tử một cách ngoạn mục.

Số ca bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch lớn chưa từng có và nỗi đau của người thầy thuốc trước những ca tử vong trong tâm dịch-2
Một ca trực cấp cứu tại Khoa Hồi sức Tích cực BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Tới hiện tại, từ năm 2020 tới nay khi dịch COVID-19 xuất hiện, trong nước có hơn 50 người tử vong. Từ đầu đợt dịch thứ 4 này, tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương có gần 10 bệnh nhân tử vong. Đây là con số rất ít so với số tử vong vì COVID-19 trên thế giới. Tuy nhiên, khi chứng kiến người bệnh mà mình đã chăm sóc và điều trị một thời gian dài từ biệt cuộc sống, mỗi người thầy thuốc lại có những cảm xúc riêng. 

Một buổi tối, khi đang đi trong khuôn viên của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chị Thường đã chứng kiến hình ảnh một nam bác sĩ đồng nghiệp chuyên tình nguyện khâm liệm cho những bệnh nhân COVID-19 chạy xuống sân, gào hét giống như một người mất kiểm soát: "Chiến đấu đến cùng! Chiến đấu đến cùng!".

Nam điều dưỡng này sinh năm 1984, đã làm việc tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhiều năm. Anh ấy dặn các đồng nghiệp trong khoa: "nếu có ca nào tử vong thì gọi, anh sẽ khâm liệm".

Lúc ấy, mắt chị Thường nhòa đi, chị muốn chạy tới ôm người đồng nghiệp mà khóc. "Sinh mệnh vốn đã vô thường, lá rụng về cội. Những con người xấu số đó, họ ra đi không gia đình, nhưng luôn có chúng tôi, những bác sĩ, những điều dưỡng luôn bên họ, nắm tay họ suốt 1 chặng đường chiến đấu...

Nếu bắt buộc phải lựa chọn, tôi tin chắc những con người đó, những người đã đến tuổi xưa nay hiếm, những người đã nếm trải hết những đắng cay của cuộc đời, những người đã vật vã vì căn bệnh ung thư..., họ sẽ sẵn sàng nhận là người ra đi để nhường lại sự sống cho em bé 25 tuần tuổi, nhường lại hạnh phúc tình yêu đôi lứa cho chàng trai 27 tuổi, nhường lại sự cống hiến cho khoa học của những bác sĩ...

Họ biết rằng chúng tôi đã mang hết khả năng và tâm huyết để kéo họ khỏi cửa quỷ môn quan! Họ biết rằng chúng tôi những ngày qua đã thức xuyên đêm bên cạnh họ, họ biết rằng đôi mắt của bác sĩ đã héo hon vì thiếu ngủ" chị Thương chia sẻ.

Nói về những bệnh nhân đặc biệt của mình, chị Thường tâm sự: Bệnh nhân COVID-19 là những bệnh nhân khác biệt với những bệnh nhân bình thường bởi một người bị COVID-19 đồng nghĩa với việc cả nhà phải đi cách ly. Thầy thuốc là người ở bên bệnh nhân 24/24. Khoảnh khắc khi bệnh nhân qua đời, thầy thuốc là những người cuối cùng bên bệnh nhân. Những thời điểm như thế, người điều dưỡng lo lắng sao để trọn tình với bệnh nhân đã mất.

"Nhiều bệnh nhân không có quần áo để mặc, phải mặc quần áo bệnh nhân để khâm liệm. 1h hay 2h sáng, bệnh nhân tử vong, có những điều dưỡng đi khắp khoa xin tiền lẻ để rải đường cho bệnh nhân" – Chị Thường chia sẻ.

Không được phép gục ngã

Với chị Thường, trong 1 tháng vừa qua là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời chị và các đồng nghiệp tại khoa. Sau những niềm vui mỗi ngày giành giật sự sống cho bệnh nhân, những nữ đồng nghiệp của chị Thường ai cũng ít nhất 1 lần rơi nước mắt. Bởi họ không phải là mình đồng da sắt, họ cũng chân yếu tay mềm. Họ có cân nặng trung bình dưới 50kg, chiều cao dưới 1,6m, nhưng họ đã vượt qua bao gian nan, thử thách, dù phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm.

Chị Thường chia sẻ, từ năm 2020 tới giờ, dịch kéo dài triền miên, mỗi đợt dịch kéo dài tới 3 tháng. Có nhiều y, bác sĩ trong suốt 6 tháng vừa qua, số lần được về nhà đếm trên đầu ngón tay. Như đợt dịch thứ 4 này cách đợt dịch thứ 3 rất ít ngày. Đợt dịch thứ 3, tới 14/4 vẫn còn điều trị cho bệnh nhân COVID-19 thì sau 30/4 lại bùng phát đợt dịch thứ 4.

Số ca bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch lớn chưa từng có và nỗi đau của người thầy thuốc trước những ca tử vong trong tâm dịch-3
Chị Nguyễn Thị Thường - Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ lạc quan trên Facebook cá nhân

"Đại dịch quá khốc liệt, chúng tôi chỉ là một góc nhỏ bé chống chọi trong đại dịch này. Tất cả những gì chúng tôi trải nghiệm đều rất khó diễn tả bằng lời. Các đồng nghiệp nữ có thể òa lên khóc khi nghĩ về đứa con thơ đang gào khóc suốt đêm vì khát sữa, khi người thân phải chia lìa mà chưa hẹn ngày về..." chị Thường chia sẻ nghẹn ngào.

Chị Thường cho biết, mỗi ngày, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương lọc máu liên tục cho khoảng 15 ca. Hiện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã vượt mốc 50 ca bệnh nặng và nguy kịch. Đây là một con số rất lớn chưa từng có ở BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ trước tới nay.

Để lọc máu phải chi phí mất khoảng 30 triệu/1 người/ngày. "Những vật tư y tế này, bệnh viện phải làm thủ tục xin mua rất khó khăn và theo một quy định chặt chẽ" – chị Thường cho hay.

Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, chị Thường gửi lời nhắn: "Chúng tôi mong muốn người dân hãy tuân thủ 5k, hãy biết trân trọng những liều vắc xin quý giá. Hãy tiêm vắc xin nếu có thể, và hãy ủng hộ Quỹ vắc xin nếu bạn là người có điều kiện. Hãy chung tay chống đại dịch và lan toả yêu thương. Tôi và những người bạn của tôi tự hào là chiến sĩ áo trắng nơi tâm bão này".

Đã hơn 1 tháng, không biết sẽ còn bao nhiêu ngày dài, đêm thâu với những đêm trực "khốc liệt" nữa nhưng những thầy thuốc như chị Thường và các đồng nghiệp vẫn tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh và chiến thắng COVID-19.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doanhnghieptiepthi.vn/so-ca-benh-covid-19-nang-va-nguy-kich-lon-chua-tung-co-va-noi-dau-cua-nguoi-thay-thuoc-truoc-nhung-ca-tu-vong-trong-tam-dich-161211906085143260.htm

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.