Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh về một bé gái sơ sinh tử vong, nguyên nhân được cho là bác sĩ Bệnh viện Phụ sản tỉnh Hải Dương đã không làm theo yêu cầu của gia đình khi mổ đẻ cho sản phụ dẫn đến cháu bé chào đời được gần 1 ngày thì tử vong.
Xác nhận với PV vào ngày hôm qua (27/3), anh Nguyễn Văn Chiến (SN 1999, trú tại thôn Khánh Hội, xã Nam Đồng, TP. Hải Dương) cho biết: “Đoạn thông tin kèm theo hình ảnh trên mạng xã hội được tôi chia sẻ sau khi con gái qua đời ít ngày và lúc đó bản thân không giữ được bình tĩnh”.
Anh Nguyễn Văn Chiến, chồng sản phụ Phượng. Ảnh: Đ.Tùy
Theo anh Chiến, sáng 19/3, chị Phượng (SN 1999, vợ anh) có hiện tượng chuyển dạ đau bụng đẻ nên anh cùng bố là ông Nguyễn Văn Cân (SN 1974) đưa đến khoa khám bệnh của Bệnh viện Phụ sản Hải Dương, sau đó có nói với nhân viên y tế được yêu cầu mổ đẻ.
Khoảng gần 9h, chị Phượng được chuyển lên phòng chờ đẻ và các bác sĩ đặt máy theo dõi. Sau đó đến khoảng 13h20, kíp trực thông báo cho người thân về tình trạng xấu nên tiến hành làm thủ tục mổ cấp cứu và đưa bé gái nặng 2,9kg ra ngoài.
“Khi bác sĩ đưa ra ngoài, tôi thấy cháu được thở oxi, không có tiếng khóc và ít phút sau chuyển sang Bệnh viện Nhi Hải Dương cấp cứu. Tại đây, bác sĩ thông tin, cháu tôi bị sặc nước ối và phân su vàng dẫn đến hoạt tử phổi và đến hơn 10h trưa hôm sau gia đình xin cháu về nhà, sau đó cháu mất”, ông Cân tâm sự.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Đức Thơ – Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Phụ sản tỉnh Hải Dương thông tin, sáng 19/3, chị Phượng được người nhà đưa đến khoa khám bệnh của bệnh viện khám. Khi tiến hành siêu âm, xét nghiệm... bác sĩ chẩn đoán sản phụ mang thai lần đầu, thai nhi được 40 tuần 3 ngày, đầu chỏm chưa chuyển dạ rõ ràng và các thông số ổn định.
Bệnh viện Phụ sản tỉnh Hải Dương, nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Đ.Tùy
Đến 8h40, chị Phượng được đưa vào phòng đẻ tiếp tục được bác sĩ khám lại lần 2 và kết quả vẫn như lúc đầu. Gần 1h sau, bệnh nhân được bác sĩ cho đặt máy theo dõi tim thai và cơn co tử cung, đồng thời chuyển về phòng bệnh. Đến 10h50, bác sĩ tiến hành đặt lại máy và chuẩn bị bàn giao kíp trực.
Khi kíp trực nhận bàn giao sản phụ Phượng ghi nhận: Cơn cơ tử cung thưa (cơn co kéo dài 10 giây và khoảng 10-15 phút xuất hiện một lần), cổ tử cung xóa 80% lọt ngón tay, ối còn đầu cao lỏng. Đến 11h40, chị Phượng xin về phòng bệnh ăn cơm trưa.
`Vào lúc 12h30, chị Phượng tiếp tục được đặt máy theo dõi, thời điểm này, bác sĩ phát hiện thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ. Cụ thể: Cơn co tử cung tần số 2, tim thai 135-140 lần/phút, cổ tử cung mở 2cm dầy, đầu cao lỏng, ối phồng. Tuy nhiên, khoảng 13h10 phút xuất hiện nhịp tim chậm, cơn co đạt 70 lần/phút kéo dài 10 giây, có lúc cơn co lên đến 170 lần/phút.
Bà Đinh Thị Hằng (mẹ chồng chị Phượng) trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội. Ảnh: Đ.Tùy
Trước tình hình nguy kịch của sản phụ và thai nhi, kíp trực tiến hành truyền dịch, thở ô-xi, đồng thời mời bác sĩ trực cọc 1 hội chẩn tiên lượng cháu bé bị suy thai cấp và quyết định mổ lấy thai.
Trong quá trình mổ lấy thai, số lượng nước ối bình thường, đặc sánh lẫn phân su màu vàng, riêng em bé không khóc chỉ ọ ẹ, trương lực cơ mềm và phản xạ kém.
Lúc này, kíp mổ tiến hành đặt nội khí quản hút dịch và bóp bóng. Khi nhịp tim của cháu bé ổn định đạt 100-135 lần/phút, các bác sĩ chuyển sang Bệnh viện Nhi Hải Dương và trưa ngày 20/3 cháu bé tử vong.
Trước thông tin cho rằng, bác sĩ của bệnh viện không mổ cho sản phụ theo yêu cầu của người nhà và trốn tránh trách nhiệm sau khi sự việc xảy ra, ông Thơ cho biết: “Bất kỳ sản phụ nào vào bệnh viện, chúng tôi đều thăm khám, siêu âm, xét nghiệm, hội chẩn khi đủ yếu tố và thông số thì sẽ có chỉ định mổ đẻ. Còn sản phụ Phượng, lúc nhập viện thăm khám mọi thông số bình thường, ổn định, không có dấu hiệu chuyển dạ thì không thể có chỉ định mổ đẻ. Đặc biệt, khi sự việc xảy ra chúng tôi không trốn tránh trách nhiệm, bản thân tôi trực tiếp gặp gỡ giải thích với người nhà cháu bé”.
Sau khi xảy ra sự việc, Ban giám đốc bệnh viện tiến hành họp khoa, kíp trực xem lại toàn bộ quy trình từ lúc đón tiếp, chăm sóc, theo dõi đến kíp mổ cho sản phụ Phượng. Đồng thời, họp Hội đồng để phân tích, đánh giá làm rõ đề nghị của người nhà bệnh nhân.
Người thân sản phụ Phượng. Ảnh: Đ.Tùy
Nói về nguyên nhân cháu bé tử vong, Phó giám đốc bệnh viện cho biết: “Cháu bé bị suy thai cấp trên suy thai mãn, trong khi đó phương tiện của bệnh viện chưa phát hiện ra loại bệnh này, cho nên khi tiến hành khám không tìm thấy dấu hiệu bất thường".
Đối với việc chị Phượng nhập viện lâu mà không tiến hành mổ đẻ, ông Thơ thông tin, thời điểm sản phụ vào viện được khám 2 lần đều cho kết quả giống nhau, sản phụ không có dấu hiệu chuyển dạ, các thông số ổn định vì vậy không thể ra quyết định mổ đẻ. Cho nên, kíp trực tiến hành đặt máy theo dõi nhịp tim và co cơ cho đến khi phát hiện tình trạng bệnh nhân xấu.
Theo chồng sản phụ Phượng, chiều 26/3, đại diện gia đình cùng lãnh đạo biệnh viện, kíp mổ và những đơn vị liên quan làm việc với nhau. Trong buổi làm việc đó, Giám đốc bệnh viện có xin lỗi gia đình vì phương tiện máy móc không phát hiện ra được bệnh suy thai mãn dẫn đến sự việc.
“Khi xảy ra sự việc, gia đình tôi ai cũng bức xúc và có những lời nói chưa chuẩn mực với bác sĩ. Tuy nhiên, tôi mong bệnh viện sớm làm rõ nguyên nhân dẫn đến cháu nội tôi mất để tránh xảy ra những lần sau”, ông Cân tâm sự.